Hà Nội

Đánh giá công chức là biện pháp quản lý, xây dựng cán bộ hiệu quả

(Chinhphu.vn) – Sáng 30/7, tại tỉnh Lào Cai, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức “Hội thảo về công tác đánh giá, phân loại công chức” nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của 4 Văn phòng Trung ương do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ cho Văn phòng Chính phủ năm 2015.

30/07/2015 17:16

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (VPCP) Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Gia Huy

.

Căn cứ vào các quy định hiện hành về đánh giá cán bộ, công chức, VPCP đã tiến hành nghiên cứu thực tế công tác quản lý cán bộ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng bộ tiêu chí, biểu mẫu đánh giá, phân loại công chức Văn phòng Chính phủ đáp ứng các yêu cầu thực tế hiện nay.

.

Hội thảo nhằm trình bày, giới thiệu về bộ tiêu chí, biểu mẫu đánh giá công chức tại VPCP, qua đó xin ý kiến trao đổi của các chuyên gia, các nhà quản lý thuộc Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương…; cùng với những chia sẻ thực tiễn ở một số địa phương đang triển khai có hiệu quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức.

.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, VPCP, nhấn mạnh, đánh giá cán bộ là công tác quan trọng để quản lý, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp; đánh giá cán bộ công chức chuẩn thì sẽ sử dụng cán bộ, công chức đúng, phục vụ tốt cho công tác đào tạo, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước.

.

Chính vì vậy, Hội thảo xuất phát từ tình hình thực tiễn của cơ quan VPCP, với mong muốn nhận được nhiều đóng góp ý kiến, góp ý của các đại biểu để xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức tại VPCP ngày càng hoàn thiện, chuẩn xác và dễ thực hiện, tạo sự lan tỏa tốt đến các Bộ, ngành, địa phương.

.

Góp phần làm rõ năng lực, trình độ, nâng cao kết quả công tác

.

Báo cáo tại Hội thảo, liên quan đến Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ, khẳng định, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là để làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức, thông qua đó để cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ, kết quả công tác. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.

.

Khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải gắn với chức vụ, vị trí, việc làm, chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của được đánh giá; phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác, chiều hướng phát triển. Nguyên tắc đánh giá phải khách quan, công bằng, công tâm, chính xác, không hình thức, nể nang, trù dập, thiên vị.

.

Theo TS. Trần Thanh Bình, Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, việc đánh giá công chức là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng đến toàn bộ các khâu khác của công tác cán bộ, đánh giá đúng sẽ là cơ sở để thực hiện có hiệu quả toàn bộ quy trình công tác cán bộ.

.

TS. Trần Thanh Bình chia sẻ, đánh giá cán bộ công chức luôn được coi là khâu tiền đề quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu khó và yếu nhất, khó nhất là đánh giá cái “tâm”, cái “tầm” và bản lĩnh chính trị của cán bộ; việc đánh giá cán bộ, công chức ở vài nơi vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng được thực chất của đối tượng đánh giá. Nguyên nhân chủ yếu là từ việc quản lý cán bộ, công chức chưa chắc, chưa sâu, chưa bảo đảm đủ các yếu tố cần thiết để đánh giá đúng cán bộ, công chức; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, chưa vượt qua được tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, xuê xoa, hình thức; chưa gắn việc đánh giá cán bộ với kết quả hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao.

.

Hiện nay, Nghị định 56/2015/NĐ-CP đã làm rõ hơn về mục đích, yêu cầu; đối tượng áp dụng; thẩm quyền, trách nhiệm; căn cứ và nội dung đánh giá cán bộ; quy trình đánh giá và phân loại cán bộ. Đó là căn cứ pháp lý để mỗi cơ quan, tổ chức cụ thể hóa hơn bằng quy chế, quy định riêng phù hợp với đặc thù công tác của cơ quan, tổ chức mình.

.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Gia Huy

Đánh giá công khai, minh bạch, khách quan và đúng đối tượng

.

Báo cáo về bản dự kiến Hướng dẫn đăng ký kế hoạch công tác đánh giá, phân loại công chức hàng năm, bộ biểu mẫu chỉ tiêu, thang bảng điểm được cụ thể hóa theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị tại VPCP, ông Đỗ Tuấn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, VPCP cho biết, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức tại VPCP đã được tham khảo từ các chuyên gia, các nhà quản lý cũng như các Vụ, Cục, đơn vị để đảm bảo công tác đánh giá, phân loại cán bộ tại VPCP được công khai, minh bạch, khách quan và đúng đối tượng.

.

Như vậy, căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ, chương trình công tác của Chính phủ; chức năng, nhiệm vụ của VPCP; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị và bản phân công nhiệm vụ của đơn vị, hàng năm, từng công chức tại VPCP tiến hành rà soát, đăng ký kế hoạch công tác hằng năm, trên cơ sở đó, các Vụ, Cục, đơn vị tổng hợp và xây dựng đăng ký kế hoạch công tác của đơn vị.

.

Đối với Khối tham mưu, tổng hợp thuộc VPCP, nhiệm vụ tham mưu tổng hợp quan trọng nhất đó là đăng ký việc theo dõi, rà soát, đôn đốc xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở lĩnh vực được phân công theo dõi. Bên cạnh đó là tổ chức thực hiện nhiệm vụ thường xuyên được phân công, dự kiến thời gian hoàn thành, tỷ lệ phần trăm các công việc thường xuyên dự kiến hoàn thành trong năm đăng ký…; tham mưu công tác kiểm tra, báo cáo, đánh giá, đề xuất các giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc.

.

Với Khối hành chính, phục vụ, việc tổ chức nhiệm vụ thường xuyên được đánh giá qua: Danh mục các công việc thường xuyên được phân công theo dõi; kết quả sản phẩm của công việc thường xuyên được phân công; dự kiến thời gian hoàn thành, đăng ký tỷ lệ phần trăm các công việc thường xuyên dự kiến hoàn thành…

.

Đánh giá về bộ tiêu chí và các biểu mẫu đánh giá công chức, viên chức của VPCP, ông Hoàng Thế Vinh, Vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, cho rằng, việc đánh giá công chức đã chú trọng vào việc đánh giá kết quả thực hiện công vụ của công chức dựa vào việc đăng ký kế hoạch năm của từng công chức. Biểu mẫu đăng ký đã bao quát được toàn bộ các nội dung công việc dựa theo chức năng, nhiệm vụ của VPCP và cụ thể, chi tiết đến từng đơn vị theo khối chức năng, nhiệm vụ.

.

Điều này tạo điều kiện cho công chức có thể chủ động tự mình kiểm soát các công việc mình phải thực hiện cũng như tiến độ của từng công việc.

.

TS. Trần Thanh Bình cũng nhận định, VPCP đã quan tâm, sớm tổ chức nghiên cứu xây dựng văn bản Hướng dẫn từ trước khi Nghị định được ban hành, đến nay đã cập nhật, bám sát quy định của Nghị định, đồng thời đã bổ sung được nhiều nội dung hữu ích, giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong thực tiễn công tác đánh giá, phân loại cán bộ.

.

Gia Huy

Top