Hà Nội

Cơ cấu lại toàn diện Vinashin

(Chinhphu.vn) – Nếu cho Tập đoàn Vinashin phá sản sẽ phải xây dựng lại ngành Đóng tàu Việt Nam. Chính phủ chủ trương cơ cấu lại toàn diện Vinashin để làm vai trò nòng cốt của ngành Đóng tàu biển.

04/08/2010 19:55

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Đối với Vinashin, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết của chúng ta”. Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về một trong những nội dung quan trọng trong phiên họp Chính phủ tháng 7/2010, được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 4/8.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những thất bại trong sản xuất, kinh doanh của Vinashin đã được làm rõ. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan rất nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm mạnh, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó, Vinashin chịu tác động hết sức nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn.

Ngân hàng thắt chặt cho vay, các dự án đầu tư đang triển khai thiếu vốn không hoàn thành được để đưa vào sản xuất. Nhiều hợp đồng đóng tàu đã ký không tiếp tục vay được vốn để hoàn thành đúng tiến độ. Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỉ USD. Riêng trong năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.

Đặc biệt, Chính phủ thẳng thắn chỉ ra những bất cập, yếu kém về quản lý của Vinashin, của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn đến việc Vinashin thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản.

Đó là năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư.

Hậu quả là từ năm 2009, Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6/2010, tổng tài sản của Tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86.000 tỷ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.

Đáng chú ý, Tập đoàn đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và quý I/2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi...

“Khuyết điểm này của lãnh đạo, trước hết của người đứng đầu Tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ”, Báo cáo của Chính phủ nhận định.

Bên cạnh đó còn là những bất cập trong thể chế về quản lý đầu tư và huy động sử dụng vốn, về thành lập mới doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh, về tuyển chọn và sử dụng cán bộ của DNNN, tập đoàn kinh tế. Bộ quản lý ngành và các bộ chức năng chưa thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chưa kiểm soát được kịp thời tình hình, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn, về phát triển thêm doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh của lãnh đạo Tập đoàn.

Từ 200 dự án, nay tập trung vào 13 dự án cấp thiết

Ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của Tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển, từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất.

Các năm 2008 - 2009, Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần để xử lý các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển Vinashin với các giải pháp khá đồng bộ; ngày 18/6/2010 đã quyết định tái cơ cấu một bước Tập đoàn Vinashin với nhiều nội dung quan trọng như: cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu; chủ động tìm chủ tàu mới để bán đối với những dự án tàu đang đóng bị hủy hợp đồng; ngừng triển khai đầu tư đóng, sửa chữa tàu nhưng chưa có khả năng thu xếp vốn;…

Những giải pháp nêu trên bước đầu đã có một số kết quả. Các dự án chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi động trở lại, ở Nhà máy Đóng tàu Dung Quất hơn 1.000 công nhân nghỉ việc (trong tổng số hơn 6.000) đã trở lại làm việc, dự kiến tháng 10 năm 2010 sẽ hạ thủy được tàu chở dầu 104.000 tấn. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt.

Mới đây, Tập đoàn Vinashin đã bán được 4 con tàu đóng mới trị giá gần 110 triệu USD (1 tàu 53.000 tấn, 1 tàu 56.000 tấn, 2 tàu 17.000 tấn) cho khách hàng và chuyển nhượng được một số dự án đầu tư ngoài ngành chính để thu hồi vốn; đang dồn sức hoàn tất những con tàu đang đóng dở dang.

Cơ cấu toàn diện Vinashin để làm nòng cốt của ngành Đóng tàu biển

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết quyết tâm chính trị của Chính phủ là phải xây dựng ngành Cơ khí đóng tàu và Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phục vụ chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.

“Đối với Vinashin tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết của chúng ta”, Phó Thủ tướng khẳng định. Tính khả thi của việc tái cơ cấu cũng đã được Phó Thủ tướng đề cập. “ Làm được” là sự khẳng định của Phó Thủ tướng.

Chính phủ chỉ đạo thu hẹp ngành nghề kinh doanh hiện tại của Vinashin. Tập trung vào đóng, sửa chữa tàu, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển năng lực thiết kế với việc đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, không kinh doanh vận tải biển…

Về việc xử lý nợ của Vinashin hiện nay, Chính phủ kiên quyết không cấp vốn cho Tập đoàn để trả nợ, mà bằng nhiều giải pháp tái cơ cấu như bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa các dự án, các công ty con để thu hồi vốn, đàm phán lại các khoản tín dụng để giãn nợ, bản thân Vinashin phải tự cân đối nguồn vốn, phải tiếp tục sản xuất kinh doanh để có thể trả nợ.

Với một” Vinashin mới “ tập trung vào ngành nghề chính, sẽ đủ sức vượt qua khó khăn hiện nay. Lộ trình phát triển cho một “ Vinashin mới “ được xác định : Đến 2012 hết lỗ, 2014 có lãi, Phó Thủ tướng cho biết.

Có quyết tâm, có giải pháp cụ thể và xử lý nghiêm minh những sai phạm, chúng ta sẽ thành công trong việc giải quyết “ bài toán” Vinashin, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nguyên Linh

Top