Hà Nội

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với báo chí

(Chinhphu.vn) - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một vị lãnh đạo cao cấp hết sức quan tâm đến hoạt động của báo chí và của nhà báo, am tường công việc của người cầm bút, để lại trong lòng những nhà văn, nhà báo từng được gặp và làm việc với ông sự kính trọng sâu sắc và tình cảm yêu mến thật khó diễn tả.

25/06/2015 17:47

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

.

Trang tin điện tử Văn phòng Chính phủ xin trích đăng một số kỷ niệm sâu sắc của nhà báo Dương Đức Quảng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí (VPCP) viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với báo chí.

.

Từ “Điểm báo”…

.

Đầu năm 1993, khi đang là Phó Tổng Biên tập báo Tuần Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam thường trực tại TP. Hồ Chí Minh, tôi nhận được quyết định điều động lên Văn phòng Chính phủ, về công tác tại Vụ Tổng hợp, theo dõi lĩnh vực thông tin báo chí, lĩnh vực mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang cần người giúp việc.

.

Một trong những công việc đầu tiên tôi được Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ giao, là theo dõi thông tin hàng ngày trên các báo, làm Điểm báo hàng ngày trình Thủ tướng. Ngày 13-4-1993, sau khi đọc tờ Điểm báo đầu tiên, lúc đó còn viết tay, trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông ghi bên lề tờ Điểm báo, sau đó gặp tôi còn căn dặn thêm không cần viết dài, chỉ cần tóm tắt lại những bài báo đáng chú ý, nhất là những bài báo nêu những vấn đề nổi cộm có liên quan trực tiếp đến công việc chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng…

.

Từ đó, không ngày nào Thủ tướng không đọc tờ Điểm báo trình Thủ tướng, thường xuyên ghi ý kiến đối với những bài báo mà Thủ tướng quan tâm. Không chỉ một lần mà nhiều lần Thủ tướng đã đánh giá báo chí là kênh thông tin quan trọng góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng. Nhiều thông tin từ báo chí phản ánh, nhất là các thông tin trong lĩnh vực đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, được Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, xử lý. Một số thông tin và phát hiện của báo chí trong trong các lĩnh vực quản lý hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội và nhiều lĩnh vực khác, như việc “ngăn sông cấm chợ”, việc giao đất, giao rừng, vấn đề kinh tế trang trại, tai nạn giao thông, buôn lậu qua biên giới…, đã được Thủ tướng giao cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết, một số thông tin và phát hiện ban đầu từ báo chí sau này đã thành chủ trương, chính sách mới của Chính phủ.

.

Thành công của việc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm đốt pháo, lập lại trật tự xây dựng trên tuyến đê Yên Phụ, Hà Nội, việc đóng cửa rừng, bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long, việc giảm tình trạng tai nạn giao thông đang gia tăng và nhiều việc khác có phần đóng góp đáng kể của báo chí, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ đó đến nay, Điểm báo hàng ngày đã trở thành một công việc được ghi vào Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và sau này, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất coi trọng và báo chí thực sự trở thành một kênh thông tin không thể thiếu trong việc giúp Thủ tướng điều hành công việc của Chính phủ.

.

Không chỉ coi trọng thông tin do báo chí phản ánh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức coi trọng việc mở rộng cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước cho báo chí, hết sức cởi mở trong quan hệ với báo chí. Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng, việc họp báo của Văn phòng Chính phủ sau mỗi phiên họp thường kỳ của Chính phủ và sau nhiều phiên họp của Thường trực Chính phủ, hoặc mỗi khi có sự kiện quan trọng, đột xuất, đã được tiến hành thường xuyên, không chỉ ở Hà Nội cho các báo phía Bắc mà còn cả ở TP. Hồ Chí Minh cho các báo phía Nam, và đều do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì; nhiều cuộc họp báo đích thân Thủ tướng tới dự.

.

Tháng 4/1994, Vụ Thông tin Báo chí trực thuộc Văn phòng Chính phủ được thành lập để tăng cường hơn nữa  công việc giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nhạy cảm này. Trên cương vị mới, là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ, tôi được tiếp cận nhiều hơn với những vấn đề Thủ tướng quan tâm đối với báo chí - “chiếc cầu nối” nối liền thông tin chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ đến nhân dân và thông tin từ người dân đến Chính phủ; đồng thời hiểu hơn cách làm việc và cung cách ứng xử của Thủ tướng đối với báo chí và nhà báo.

.

… đến sự đột phá trong quan hệ của Chính phủ với báo chí và báo chí với Chính phủ

.

Có thể nói cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh lúc đó đã làm thay đổi cung cách tiếp nhận thông tin từ báo chí và cung cấp thông tin cho báo chí, cởi mở, chu đáo, tạo sinh khí mới cho lĩnh vực hoạt động nhạy cảm này, góp phần làm cho quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân gần gũi hơn. Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá trong quan hệ của Chính phủ với báo chí và báo chí với Chính phủ.

.

Ý tưởng về Người phát ngôn trong các cơ quan Chính phủ, việc xây dựng Trang thông tin của Chính phủ, nay là Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, là từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cuốn sách Tư liệu đầu tiên về Chính phủ Việt Nam hình thành từ nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt do đề xuất từ Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, sau khi hoàn thành đã được Văn phòng Chính phủ và Thông tấn xã Việt Nam xuất bản bằng tiếng Anh và đã được tái bản nhiều lần. Nhiều người còn nhớ, ngay sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ ngoại giao, thay vì có thể gửi bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho các cơ quan báo chí công bố như cách thường làm trước đây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến Đài Truyền hình Việt Nam để trực tiếp phát biểu tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về sự kiện này.   

.

Cũng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoài việc tiếp và trả lời phỏng vấn của báo chí trong nước, Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài.

.

Người hiểu sâu sắc công việc của báo chí

.

Là người hiểu sâu sắc công việc của báo chí, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn có thái độ rõ ràng, “sòng phẳng”, nhưng đầy tình người trước những ưu điểm và khuyết điểm của báo chí và của nhà báo.

.

Năm 1996, khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình “SV. 96”, tạo một sân chơi mới, bổ ích và hấp dẫn cho học sinh, sinh viên, Thủ tướng hết sức khen ngợi. Thủ tướng giao cho tôi gặp anh Trần Bình Minh, khi đó là Trưởng ban Biên tập, trực tiếp phụ trách chương trình VTV3 và người dẫn chương trình Lại Văn Sâm của “SV. 96” để thông báo ý kiến khen ngợi của Thủ tướng và phần thưởng 100.000.000 đồng (một trăm triệu) của Thủ tướng dành cho chương trình này. Nhận được thư của Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và phụ trương Hoa học trò Phong Doanh gửi Thủ tướng báo cáo về kết quả cuộc thi “bút mới” do Báo tổ chức, Thủ tướng đã cho tôi mời các cháu được giải trong cuộc thi và một số cháu là cộng tác viên của Báo, lên Văn phòng Chính phủ để Thủ tướng gặp, động viên các cháu.

.

Coi trọng báo chí, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt không đồng tình trước thái độ của một số người đề cao quá mức vai trò của báo chí, thậm chí coi báo chí như là một thứ quyền lực đứng ngoài cả luật pháp. Thủ tướng có thái độ dứt khoát trong xử lý việc báo chí thông tin sai sự thật nhưng lại không đính chính, không nhận lỗi. Thủ tướng không đồng tình trước ý kiến cho rằng đối xử với báo chí phải có “ngoại lệ”, kể cả khi báo chí vi phạm pháp luật.

.

Vì thế, không ít các vụ việc xử lý sai phạm của báo chí do đích thân Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo và việc xử lý đã giúp cho nhiều tờ báo, nhiều nhà báo thấy được sai lầm, khuyết điểm của mình, thông tin đúng hơn, có trách nhiệm hơn đối với bạn đọc. Điều đặc biệt, thái độ nghiêm khắc đó của Thủ tướng bao giờ cũng xuất phát từ tấm lòng bao dung của ông khi xem xét, xử lý từng vấn đề cụ thể mà báo chí vi phạm.

.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất hóm hỉnh, cởi mở và gần gũi với giới nhà văn, nhà báo. Đối với ông, những người cầm bút là những người rất nhạy cảm, như những chiếc ăng-ten tiếp nhận sóng thông tin nhiều chiều trong xã hội. Ông thường có những bữa “nhậu lai rai” với các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ quen biết, lắng nghe từ “những chiếc ăng-ten” này những thông tin, nhiều khi trái chiều, nhưng rất bổ ích đối với công việc chỉ đạo, điều hành của ông.

.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt chịu nhiều mất mát to lớn, vợ và hai con ông bị bom Mỹ chết trên sông Sài Gòn năm 1966, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; người con trai cả của ông từ chối đi học ở Liên Xô để nhập ngũ, xung phong vào chiến trường Miền Nam và đã hy sinh tại mặt trận. Nhưng ông rất ít khi nói đến điều đó mà thường quan tâm đến những số phận, những con người có công lao, đóng góp với đất nước, với nhân dân.

.

Ông từng gạch đậm bên lề một tờ Điểm báo trình ông về một bài báo của nhà báo Thái Duy, rồi ghi hai chữ “Rất đúng!” trước đề nghị của nhà báo là nên có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, “người có công lớn đối với bà con nông dân” (sau này ông Kim Ngọc đã được tặng thưởng Huân Chương Hồ Chí Minh).

.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi nhưng hình ảnh gần gũi, giản dị, thân thương của “Ông Sáu Dân”, “Chú Sáu Dân”, “Anh Sáu Dân” - Người Thủ tướng gần dân ấy, còn mãi trong lòng những người cầm bút như tôi.

.

Dương Đức Quảng

(nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí VPCP)

Top