Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7

(Chinhphu.vn) - Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn; chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; quản lý chặt chẽ mua bán thực phẩm trên mạng;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7/2019.

13/07/2019 09:04

Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định 61/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam gồm: 
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; 
2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: 
a) Các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4;
b) Các Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1, 2, 3, 4; 
c) Các Đoàn Trinh sát số 1, 2; 
d) Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển.
3. Các cơ quan, đơn vị đầu mối và cấp cơ sở trực thuộc các đơn vị trên.

Cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam gồm Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Cục Hậu Cần, Cục Kỹ thuật, các cơ quan trực thuộc Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Hội đồng xét tặng giải thưởng về KH&CN các cấp biểu quyết bằng phiếu kín

Chính phủ ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp. Cụ thể, Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng; Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định...

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng.

Sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo đó, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Bảo hiểm xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Kiểm tra phản ánh về phát triển điện mặt trời

Báo Vietnamnet ngày 4/7/2019 có đưa tin: Dư thừa nguồn điện vô tận, điều chưa từng có và cái kết đau xót do bổ sung quy hoạch ồ ạt các dự án điện mặt trời để hưởng giá ưu đãi hơn 2.000 đồng/kWh khiến lưới truyền tải không theo kịp. Nhiều dự án ở Ninh Thuận, Bình Thuận sản xuất 10 nhưng chỉ bán được 7-8.

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo.

Chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, tổ chức buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Bộ Quốc phòng để thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá.

Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; tổ chức, cá nhân sử dụng biển số giả, sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để răn đe.

Quản lý chặt chẽ mua bán thực phẩm trên mạng

Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 6 tháng cuối năm, tăng 10% số cơ sở được kiểm tra, thanh tra so với 6 tháng đầu năm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng, theo phương thức bán hàng đa cấp. Trong đó Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát và kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo về thực phẩm không an toàn được quảng cáo, mua bán trên mạng và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông các trường hợp vi phạm để xử lý.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, tăng cường quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.

Top