Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 4-8/8/2014

(Chinhphu.vn) - Công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia trước khai giảng; phấn đấu GDP bình quân tăng 6,5-7% năm; từ 2015, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 4-8/8/2014.

09/08/2014 18:37

Ảnh minh họa

Công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia trước khai giảng

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chỉ đạo kế hoạch triển khai năm học mới; khẩn trương hoàn thiện để công bố phương án chính thức tổ chức kỳ thi quốc gia làm căn cứ cho việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trước khai giảng năm học 2014 - 2015.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo chương trình tổng thể, cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó tập trung xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức; khẩn trương trình ban hành Nghị định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2013; triển khai xác định và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chất lượng dịch vụ y tế công, dịch vụ giáo dục công lập.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành đề án hỗ trợ nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc xét tặng hoặc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Phấn đấu GDP bình quân tăng 6,5-7%

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Kế hoạch phát triển KT-XH phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm; thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020 về: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Từ 2015, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các căn cứ.

Chỉ thị yêu cầu nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công. Phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan

Theo Chỉ thị về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của Thủ tướng Chính phủ, về quy trình, thủ tục kê khai, nộp thuế, Chỉ thị yêu cầu giảm thời gian kê khai, nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6; phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử, 15/63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và 63/63 địa phương triển khai trong năm 2015; cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm).

Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan trên mạng internet; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại và chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thủ tục tuyển lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Hết thời hạn quy định mà tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển người lao động Việt Nam.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam.

Thu phí nước thải thông qua hóa đơn tiền nước

Về nguyên tắc và phương pháp định giá dịch vụ thoát nước, Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải quy định giá dịch vụ thoát nước gắn với chất lượng cung cấp dịch vụ thoát nước và không phân biệt đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong hay ngoài nước, phù hợp với các chế độ, chính sách của Nhà nước. Việc định giá dịch vụ thoát nước phải căn cứ vào khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải.

Về phương thức thu, thanh toán tiền dịch vụ thoát nước đối với hộ thoát nước, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cấp nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và được hưởng chi phí dịch vụ đi thu.

Đơn vị thoát nước trực tiếp thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Tăng cường kiểm tra, giám sát sức khỏe đội ngũ lái xe

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị tổ chức khám sức khỏe cho lái xe không thực hiện theo các quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành liên quan đến khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho lái xe; các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khám sức khỏe, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.

Đồng thời sớm công bố danh sách các cơ sở y tế trên toàn quốc đủ điều kiện khám sức khỏe cho lái xe theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế để thống nhất thực hiện.

Xử lý nghiêm DN sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, không đạt tiêu chuẩn chất lượng lưu thông trên thị trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các loại mũ bảo hiểm giả mạo chứng nhận hợp quy, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhập lậu vào Việt Nam.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt chủ trương này.

Phê duyệt phương án quy hoạch cụm công nghiệp 26 địa phương

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã phê duyệt kết quả rà soát và phương án quy hoạch cụm công nghiệp của 26 tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương thông báo chi tiết danh mục quy hoạch cụm công nghiệp đến các tỉnh, thành phố và tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện quy hoạch, thành lập mở rộng cụm công nghiệp theo đúng quy định tại Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp chậm triển khai, kém hiệu quả.

Đồng thời có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến cụm công nghiệp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng hệ thống Cổng TTĐT cơ quan HCNN 4 cấp

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; trong đó có việc xây dựng hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt 4 cấp hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức, xây dựng hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt 4 cấp hành chính từ Trung ương đến địa phương. Trên nền tảng hạ tầng đó, thiết lập các ứng dụng để phục vụ chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Văn phòng Chính phủ làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan thống nhất phương án phân công cơ quan chủ trì, cách thức thực hiện Đề án thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt của hệ thống thông tin điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành từ Trung ương tới địa phương.

Hoàng Diên

Top