Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 23-27/6/2014

(Chinhphu.vn) - Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện TTHC; tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 23-27/6/2014.

30/06/2014 08:13

Ảnh minh họa

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện TTHC

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

Theo đó, khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực.

Bên cạnh đó chỉ đạo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu; hoàn thành trước ngày 31/3/2015.

Tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước

Theo Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, có 7 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên; 8 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần; có 9 loại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Theo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau: 1-Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; 2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; 3- Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; 4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.

Còn tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, Nghị định quy định xét tặng cho cá nhân phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; đồng thời, phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước...

Cả nước có 3.815 xã thuộc vùng khó khăn

Theo Quyết định 1049/QĐ-TTg ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, cả nước có 3.815 xã thuộc 420 huyện của 53 tỉnh thuộc vùng khó khăn. Trong đó nhiều nhất là các tỉnh: Thanh Hóa có 220 xã thuộc vùng khó khăn; Nghệ An 174 xã; Hà Giang 172 xã; Cao Bằng 164 xã; Lạng Sơn 161 xã; Sơn La 157 xã;...

Việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2014 - 2015 để làm căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn

Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra, thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tiến tới thành lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở Trung ương.

Bên cạnh đó, phát triển đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và phát triển nâng cao năng lực về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần làm giảm thấp nhất thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Ban hành Quy chế công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên

Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu nhằm bảo đảm tăng cường công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu và quy định chung đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quy chế quy định các thông tin của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu phải công bố bao gồm: Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp; chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư hàng năm của doanh nghiệp; kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và kết quả thực hiện; báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển

Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt, theo vùng lãnh thổ, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 6 nhóm cảng: 1- Nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; 2- Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; 3- Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; 4- Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; 5- Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc địa bàn tỉnh Long An); 6- Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam).

Rà soát năng lực kho chứa thóc, gạo

Tại Thông báo số 239/TB-VPCP về tình hình và giải pháp xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với VFA, các địa phương liên quan rà soát năng lực kho chứa thóc, gạo để bảo đảm yêu cầu dự trữ, tạm trữ khi cần thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, VFA xây dựng Đề án phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam, bảo đảm tính toàn diện, từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; ở các cấp độ thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; có các chính sách khuyến khích cụ thể để phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao VFA nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời giá sàn xuất khẩu gạo cho phù hợp với cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa trong nước và dự báo thị trường xuất khẩu gạo, ngăn ngừa những diễn biến bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Chú trọng quản lý an toàn vệ sinh nước sinh hoạt

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo 243/TB-VPCP, từ nay đến cuối năm 2014, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm (ATTP). Bổ sung nước sinh hoạt như một sản phẩm hàng hóa cần đặc biệt chú trọng trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết, lễ hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Y tế chủ động lấy mẫu nước các khu đô thị, xét nghiệm và kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền có giải pháp xử lý nếu nước không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Hoàng Diên

Top