Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 14-18/7/2014

(Chinhphu.vn) - Tập trung đối phó với bão số 2; tăng cường thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; Ban hành Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 14-18/7/2014.

19/07/2014 15:09

Ảnh minh họa

Tập trung đối phó với bão số 2

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đối phó với bão số 2 (Rammasun). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “bốn tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt đối với đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình để hạn chế thiệt hại; căn cứ diễn biến cụ thể của bão chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Các tỉnh, thành phố ven biển, phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm...

Tăng cường thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trên cơ sở rà soát quy hoạch tổng thể, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển hàng hóa nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định thế mạnh và sản phẩm chủ lực, đảm bảo liên kết vùng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Đồng thời thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng lớn trong nước, coi đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn...

Ban hành Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước. Nghị định nêu rõ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập theo các hình thức sau: Sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp; mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp; đầu tư, góp vốn bằng tài sản hữu hình hoặc vô hình; các hình thức liên kết khác do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, không trái các quy định pháp luật.

Chính phủ chỉ xem xét lựa chọn tổng công ty làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế và thành lập mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định. Cụ thể,  tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải đáp ứng đầy đủ 6 điều kiện sau:  1- Kinh doanh có lãi trong ba 3 năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn; 2- Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn; 3- Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động; 4- Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại; 5- Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác; 6- Hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau...

Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng  khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.    

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Chiến lược cũng phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.

Phê duyệt phương án cổ phần hóa VINACCO

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (VINACCO). Hình thức cổ phần hoá là bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

VINACCO có vốn điều lệ là 76 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 7.600.000 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó, bán ưu đãi cho người lao động trong Tổng công ty 398.900 cổ phần, chiếm 5,25% vốn điều lệ; bán cho các nhà đầu tư thông thường và nhà đầu tư chiến lược 7.201.100 cổ phần, chiếm 94,75% vốn điều lệ.

VINACCO kế thừa các ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm tình trạng buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Phương Nhi

Top