Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật từ 18-22/8/2014

(Chinhphu.vn) - Bảo đảm TTATGT dịp nghỉ Lễ Quốc khánh; bổ sung đối tượng mua nhà được vay vốn ưu đãi; chấn chỉnh hoạt động cơ sở nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 18-22/8/2014.

24/08/2014 08:34

Ảnh minh họa

Bảo đảm TTATGT dịp nghỉ Lễ Quốc khánh

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo lập phương án tăng khả năng vận tải hành khách, chỉnh trang nhà ga, bến xe, bến tàu, cảng hàng không, đổi mới phương thức bán vé thuận tiện cho hành khách, đáp ứng tối đa nhu cầu vận tải phát sinh, nhất là tại các đầu mối giao thông; hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến xe, bến tàu.

Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, chú trọng tuần tra lưu động, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định (cả đường bộ và đường thủy), khi lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, không có áo phao cho khách trên phương tiện thuỷ…; lập phương án phòng chống, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép.

Đồng thời, bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và các khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông; xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để giải quyết kịp thời các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài...

Bổ sung đối tượng mua nhà được vay vốn ưu đãi

Theo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm (quy định cũ 10 năm) khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh việc kéo dài thời gian hỗ trợ, Nghị quyết cũng bổ sung đối tượng được vay vốn gồm:

- Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

- Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể mức vay vốn tối đa của các đối tượng này, đảm bảo nguyên tắc thấp hơn số tiền mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

- Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp (kể cả bên trong và ngoài khu công nghiệp) của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế; người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể mức vốn tối thiểu của đối tượng này khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015 ở mức cao nhất. Đồng thời, khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 nhằm phục vụ Đại hội Đảng các cấp.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015 và cần đặc biệt chú ý đến công tác dự báo bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đối tượng áp dụng là công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) gồm 4 mức sau đây: 1- Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với người làm việc trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; 2- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở mà có nguy cơ nhiễm xạ; 3- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với người làm việc gián tiếp, không thường xuyên tiếp xúc với nguồn bức xạ; 4- Mức phụ cấp 20% áp dụng với người làm việc hành chính, phục vụ không thuộc đối tượng quy định tại mức 2 nêu trên.

Quy định cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai

Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg quy định cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai.

Theo đó, cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là thảm họa.

Dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai

Theo Quyết định 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam, các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin gồm: 1- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Tây kinh tuyến 1200 Đông, phía Bắc vĩ tuyến 50 Bắc và phía Nam vĩ tuyến 230 Bắc và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; 2- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực Biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới; 3- Lũ trên các sông trên lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan theo quy định; 4- Những trận động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam; 5- Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam; 6- Những trận sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam; 7- Các thiên tai lốc, sét, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối và các loại thiên tai khác.

Xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây sẽ là một trung tâm xác thực, “ngân hàng dữ liệu” về báo chí Việt Nam, phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đặt tại khuôn viên Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bảo tàng bao gồm các khu chức năng chính: Khu trưng bày trung tâm về chủ đề “Bác Hồ với báo chí - Báo chí với Bác Hồ”; các khu chức năng khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, chức năng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn

Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển nghệ thuật biểu diễn nhằm góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển nghệ thuật biểu diễn theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành, từng vùng; bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn hiện đại.

Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn theo quy định của pháp luật.

Tinh giản biên chế phải đúng đối tượng, vị trí

Tinh giản biên chế phải gắn với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm tinh giản đúng đối tượng, đúng vị trí. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nội vụ phải khẩn trương hoàn thành Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng làm rõ hơn mục tiêu của Đề án là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút những người tài, có năng lực vào hoạt động công vụ.

Tinh giản biên chế phải gắn với việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm tinh giản đúng đối tượng, đúng vị trí. Nghiên cứu đổi mới cách đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm khoa học, chính xác, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ; cách thức và tiêu chí đánh giá phải phù hợp với ngành nghề, công việc.

Tăng cường kiểm soát việc di cư tự do

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung chỉ đạo để ổn định đời sống dân cư, kiểm soát việc di cư tự do, không khuyến khích người dân di cư vào Tây Nguyên và có biện pháp giải quyết đối với những người dân đã di cư nhằm ổn định đời sống của đồng bào.

Giải tỏa tỉnh trạng ùn tắc tại cửa khẩu Mộc Bài

Sau khi nhận được phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng ngày 18/8/2014 về tình trạng ùn tắc các đoàn xe chở hàng tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam-Campuchia yêu cầu UBND tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương áp dụng các giải pháp cần thiết để giải tỏa tình trạng ùn tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chấn chỉnh hoạt động cơ sở nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội mà chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định.

Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật nuôi con nuôi; bảo đảm trẻ em bị bỏ rơi được đăng ký giấy khai sinh theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức tôn giáo hỗ trợ các cơ quan chức năng của Nhà nước chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội của các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Diên

Top