Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/7

09/07/2019 17:40

Hội đồng xét tặng giải thưởng về KH&CN các cấp biểu quyết bằng phiếu kín

Chính phủ vừa ban hành Nghị định60/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp. Cụ thể, Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng; Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các vănbản, tài liệu theo quy định.

Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sởđề nghị.

Việc xét tặng giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Với Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương và chuyên ngành cấp nhà nước, số lượng các phiên họp Hội đồng phụ thuộc vào số lượng, quy mô công trình đề nghị xét tặng giải thưởng, do cơ quan Thường trưc tổ chức xét giải thưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng.

Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 4/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 2 ủy viên phản biện. Chủ tịch Hội đồng quy định trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ công trình đề nghị xét tặng giải thưởng bằng văn bản; thành viên Hội đồng vắng mặt phải gửi văn bản nhận xét, đánh giá công trình đề nghị xét tặng giải thưởng; nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn.

Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản). Số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

-----------------------

Thủ tướng phân công soạn thảo 14 dự án luật, pháp lệnh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định842/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ chủ trì soạn thảo 5 dự án Luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019: 1- Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; 2- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo; 3- Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; 4- Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo; 5- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Thời hạn trình Chính phủ 4 dự án luật là tháng 7/2019, thời hạn trình dự án pháp lệnh là tháng 10/2019.

Thủ tướng Chính phủ cũng phân công các bộ chủ trì soạn thảo 9 dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020: 1- Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ tháng 10/2019; 2- Luật Biên phòng Việt Nam do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ tháng 1/2020; 3- Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, trình Chính phủ tháng 1/2020; 4- Luật Khám bệnh, chữa  bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ tháng 1/2020; 5- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trình Chính phủ tháng 2/2020; 6- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ tháng 2/2020; 7- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), trình Chính phủ tháng 2/2020; 8- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ tháng 6/2020; 9- Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trình Chính phủ tháng 6/2020.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, coi việc hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó, cần khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo dự án luật, pháp lệnh trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh đến cơ quan thẩm định hoặc trình Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không đúng thời hạn.

Trong quá trình soạn thảo, nếu phát sinh chính sách mới cần bổ sung vào dự án luật, pháp lệnh thì cần thực hiện đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định kịp thời, đúng thời hạn và nâng cao chất lượng thẩm định. Đối với các dự án luật, pháp lệnh không đủ hồ sơ, nội dung các tài liệu không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trả lại hồ sơ hoặc thể hiện rõ trong báo cáo thẩm định quan điểm không đủ điều kiện trình Chính phủ.

-----------------------

Kiện toàn BCĐ đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp cấp Trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương gồm 21 Thành viên. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Trong trường hợp có sự thay đổi Thành viên Ban Chỉ  đạo, Thủ trưởng các bộ, ngành có trách nhiệm gửi văn bản cử người thay thế về Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách Ban Chỉ đạo.

Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định điều chỉnh thành phần, số lượng thành viên Ban Chỉ đạo hoặc yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành có liên quan tham gia họp Ban Chỉ đạo theo đề nghị của Bộ Tư pháp.

Giúp việc cho Ban Chỉ đạo có Tổ Thư ký, mỗi bộ, ngành có lãnh đạo là thành viên Ban Chỉ đạo cử một chuyên gia am hiểu về công tác giám định tư pháp tham gia Tổ Thư ký. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định việc kiện toàn Tổ Thư ký theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, tổ chức phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, chỉ đạo việc lồng ghép, phối hợp các chương trình, kế hoạch, nguồn nhân lực của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện Đề án theo những yêu cầu, mục tiêu chung.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của bộ, ngành mình được quy định tại Quyết định 250/QĐ-TTg ngày 28/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

-----------------------

Tránh lặp lại vụ cá chết trên sông La Ngà

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý tình hình cá chết trên sông La Ngà, tỉnh Đồng Nai. 

Để phòng tránh các vụ việc tương tự như vụ cá chết xảy ra trên sông La Ngà tháng 5 vừa qua, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng của tỉnh.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có hoạt động xả thải ra sông La Ngà và các nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

-----------------------

Đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong thời gian qua, nhất là từ khi có giám sát tối cao của Quốc hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý an toàn thực phẩm được các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và có sự chuyển biến tích cực, liên tục, rõ rệt. Ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân trong đó có những hộ sản xuất nhỏ lẻ và người tiêu dùng tiếp tục được nâng lên. Các công cụ, công nghệ trợ giúp người tiêu dùng trong đánh giá, nhận diện thực phẩm an toàn, hệ thống các phòng kiểm nghiệm phát triển nhanh. Hoạt động sản xuất thực phẩm sạch áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến tiếp tục được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ; các chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm hình thành ngày càng nhiều.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2019, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức chương trình truyền thông về áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước tương đương với tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu; lựa chọn một số địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị lớn để chỉ đạo làm điểm.

Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình chuyên đề về các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nêu rõ tên các doanh nghiệp, cơ sở, sản phẩm vi phạm để có lên án, phê phán từ công luận, xã hội.

Quản lý chặt chẽ mua bán thực phẩm trên mạng

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 6 tháng cuối năm, tăng 10% số cơ sở được kiểm tra, thanh tra so với 6 tháng đầu năm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng, theo phương thức bán hàng đa cấp. Trong đó Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát và kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo về thực phẩm không an toàn được quảng cáo, mua bán trên mạng và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông các trường hợp vi phạm để xử lý.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, tăng cường quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung siết chặt việc mở các trang quảng cáo, mua bán thực phẩm, có giải pháp hữu hiệu quản lý việc sử dụng các trang thông tin điện tử quảng cáo, mua bán thực phẩm không đúng quy định, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương mở chuyên mục về an toàn thực phẩm trong Hệ tri thức Việt số hóa./.

Top