Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/11/2020

09/11/2020 19:04

Quy định mới về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Nghị định này quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Về nguyên tắc áp dụng, người nộp thuế có giao dịch liên kết phải loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

Cơ quan thuế quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không công nhận các giao dịch liên kết không theo nguyên tắc giao dịch độc lập làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết đó để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định của Nghị định này.

Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Nghị định quy định cụ thể về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó nêu rõ tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;

c) Quy định tại điểm a không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);

d) Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hết hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020.

Phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Kon Tum, Sơn La.

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đồng thời, Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Văn Trì để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Đối với tỉnh Kon Tum, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum và phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với bà Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum.

Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy để nhận nhiệm vụ mới; đồng thời, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với bà Trần Thị Nga để nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ.

Đối với tỉnh Sơn La, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Đặng Ngọc Hậu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La.

Thủ tướng cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để nghỉ hưu theo chế độ và ông Lò Minh Hùng để nhận nhiệm vụ mới.

Kiểm tra, làm rõ phản ánh về xử lý tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, kiểm tra làm rõ nội dung báo chí phản ánh về vấn đề xử lý tham nhũng.

Trước đó, ngày 30/10/2020, báo Tiền phong có nêu ý kiến của Tiến sỹ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới đánh giá "thời gian qua xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin - cho vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng, lại không thay đổi. Thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, kiểm tra làm rõ nội dung báo nêu trên để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghiên cứu về cảnh báo tình trạng đóng băng thị trường PPP giao thông

Báo Đầu tư điện tử ngày 29/10/2020 có bài viết "Không có dự án mới, cảnh báo tình trạng đóng băng thị trường PPP giao thông". Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý.

Theo bài báo “Không có dự án mới, cảnh báo tình trạng đóng băng thị trường PPP giao thông” thì kể từ năm 2015 đến nay, trên phạm vi cả nước, không có thêm bất cứ dự án PPP giao thông dưới dạng hợp đồng BT hoặc BOT mới nào được triển khai. Đây là khoảng thời gian đủ dài để đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng đóng băng thị trường PPP giao thông.

Tuyên truyền quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về triển khai Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Để thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ có hình thức tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 30/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nghị định nêu rõ, những người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm: 1- Các ngạch công chức và chức danh sau: Chấp hành viên; điều tra viên; kế toán viên; kiểm lâm viên; kiểm sát viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm toán viên; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế; thanh tra viên; thẩm phán; 2- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này; 3- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Nghị định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Nghị định cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Các hành vi vi phạm quy định trên nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đưa 2 dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất khai thác trước 31/12/2020

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với Bộ Giao thông vận tải về 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, Tân Sơn Nhất và Nội Bài là 2 Cảng hàng không lớn nhất của cả nước, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong giai đoạn trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trên thế giới (từ đầu năm 2020), 2 cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều khai thác với tần suất cao; trong khi đó tình trạng hạ tầng khu bay xuống cấp đã ảnh hưởng đến việc khai thác, có nguy cơ đến an ninh, an toàn hàng không. Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 626/TTg-CN ngày 27/5/2020, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan đã rất tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 Dự án. Đến nay, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã xong hạng mục bê tông xi măng đường cất hạ cánh (đạt 100%); các đường lăn đạt 40% khối lượng; dự kiến đưa vào khai thác ngày 31/12/2020 cho đường Cất hạ cánh 25R/07L cả cất cánh và hạ cánh; đã giải ngân cho các nhà thầu 352 tỷ đồng/373 tỷ đồng (đạt 94%). Cảng hàng không Nội Bài đã nghiệm thu đưa đường lăn S7B vào khai thác, dự kiến đưa đường lăn S2 vào khai thác ngày 06/11/2020. Nhà thầu đang triển khai thi công Bê tông xi măng 3.000m đường Cất hạ cánh 1B (khối lượng thi công đạt 75%), đảm bảo tiến độ đưa vào khai thác bước 1 trước ngày 31/12/2020; đã giải ngân cho các nhà thầu với số tiền là 378 tỷ đồng/455,5 tỷ đồng (đạt 83%).

Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn trong khai thác và thi công, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuyệt đối an toàn, không để ảnh hưởng đến hoạt động hàng không trong quá trình thi công; bảo đảm tiến độ hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác cả 2 dự án trước ngày 31/12/2020 để phục vụ Tết Nguyên đán 2021. Khi đưa vào khai thác phải bảo đảm đồng bộ các hạng mục, đặc biệt phải bảo đảm việc bay hiệu chuẩn và được cấp phép khai thác theo đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho 02 dự án; trên cơ sở đó, giao Bộ Giao thông vận tải điều hòa, bổ sung kế hoạch vốn năm 2020 trong tổng số kế hoạch vốn năm 2020 đã được giao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cân đối số vốn còn lại của 02 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021 báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đủ để hoàn thành dự án trong năm 2021.

Bộ Quốc phòng khẩn trương giải quyết việc tháo dỡ 12 ụ bê tông xi măng tại khu vực thi công đường lăn W11A - Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để có mặt bằng thi công. Đối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Bộ Quốc phòng sớm có ý kiến về vị trí đặt đài Glide path trên phạm vi đất của Bộ Quốc phòng theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với Dự án nhà ga T3 - Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19/5/2020. Để sớm khởi công Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng sang đất giao thông, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện di dời các công trình quốc phòng (nếu có) để bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Bộ Giao thông vận tải, ACV và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để khởi công Dự án, đáp ứng mục tiêu giảm tải cho Nhà ga T1 - Cảng hàng không Tân Sơn Nhất trong thời gian Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa hoàn thành.

Trong quá trình thi công các dự án nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không, trong đó phải tính đến các phương án dự phòng khi có tình huống khẩn nguy; thực hiện việc giám sát, nghiệm thu công trình, dự án đúng quy định của pháp luật, chống thất thoát, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có)./.

Top