Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2020

09/10/2020 19:19

Điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định nêu rõ: Các đơn vị sự nghiệp công lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới (kể cả trường hợp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) phải tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định quy định cụ thể điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

1- Phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2- Đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3- Xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước.

4- Đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập các đơn vị này thì số lượng người làm việc là viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập. Đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm viên chức và người làm chuyên môn, nghiệp vụ theo chế độ hợp đồng lao động.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài thì số lượng người làm việc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.

5- Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

6- Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc thành lập và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

Bên cạnh quy định điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

- Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu.

- Không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

- Việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định nêu rõ, điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

- Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước.

- Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của pháp luật.

- Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền.

- Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

Tiếp tục hỗ trợ các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-TTg sửa đổi Điều 5 Quyết định số 03/2019/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 về ban hành tiêu chí xác định xã, thôn hoàn thành mục tiêu Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Điều 5 nguyên tắc xử lý kinh phí đối với các xã, thôn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 được sửa đổi như sau: Các xã, thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 được tiếp tục hỗ trợ, đầu tư của Chương trình 135 đến hết năm 2020.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/9/2020.

Thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tổ chức thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Hội đồng thẩm định bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng.

Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Thành viên Hội đồng là đại diện các Bộ: Ngoại giao; Quốc phòng; Công an; Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Nội vụ; Tài chính; Giao thông vận tải; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Ủy ban Dân tộc.

Ủy viên phản biện là tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia về quy hoạch am hiểu về điều kiện của vùng do Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, lựa chọn.

Hội đồng thẩm định hoạt động theo quy định tại Điều 33, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và tự giải thể sau khi quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạt động.

Công nhận huyện Cát Hải (Hải Phòng) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Cát Hải tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sớm khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông báo kết luận nêu rõ, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của vùng, khu vực. Quốc hội đã ban hành 04 Nghị quyết (thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13; tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Nghị quyết số 38/2017/QH14; thông qua một số nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 và thông qua một số nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 95/2019/QH14), cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với Dự án.

Đồng thời, việc Quốc hội tách Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư thể hiện tầm quan trọng của công tác bồi thường, tái định cư, ổn định đời sống người dân, cũng như đáp ứng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án.

Để sớm khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương để hoàn thành bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ như cam kết, bảo đảm hoàn thành thủ tục chi trả và dọn dẹp mặt bằng 1.810 ha đất khu vực ưu tiên để bàn giao trong tháng 10 năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại (trong phạm vi toàn bộ 5.000 ha đất) để giải ngân hết số vốn đã bố trí cho Dự án (23.000 tỷ đồng) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 4740/VPCP-CN ngày 14/6/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các cơ quan để chỉ đạo các đơn vị có phương án bảo vệ, tránh tái lấn chiếm phần diện tích đã thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai có giải pháp hữu hiệu bảo vệ phần diện tích xây dựng trong giai đoạn 1 và toàn bộ phạm vi khu đất quy hoạch ngay sau khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng.

Về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ sớm thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án.

Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị tập trung nhân lực, chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ thủ tục pháp lý liên quan, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để phấn đấu khởi công Dự án trong đầu Quý I năm 2021.

Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp bị phạt đến 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó quy định cụ thể mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp.

Phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;...

Bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP  ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018.

Theo đó, Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Như vậy, doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau đây:

a) Quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay;

b) Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

c) Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không;

d) Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng;

đ) Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí;

e) Đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa;

g) Trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh;

h) Lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ./.

 

Top