Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2020

08/07/2020 17:55

Đẩy mạnh ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành triển khai đẩy mạnh ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh việc cung cấp các nhóm dịch vụ công, thủ tục hành chính có tính liên thông, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi doanh nghiệp trong thực hiện. Truyền thông và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính và vận hành các hệ thống trực tuyến để thực sự tạo bước chuyển của các cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tái cấu trúc quy trình xử phạt vi phạm giao thông đường bộ hoàn toàn trực tuyến, trước mắt thực hiện ra quyết định xử phạt điện tử; cung cấp dịch vụ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền cấp phòng, cấp đội tại Cục Cảnh sát giao thông và 63 tỉnh, thành phố trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 7 năm 2020 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 119/TB-VPCP ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cung cấp dịch vụ khai báo tình hình sử dụng lao động liên thông với thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 9 năm 2020.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp, cung cấp 02 dịch vụ công: Đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyên và Gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 7 năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia và các dịch vụ công trực tuyến theo hướng cải thiện các tính năng, chức năng bảo đảm thân thiện, dễ sử dụng; tăng cường chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện việc tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng thông tin một cửa quốc gia trong năm 2020.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách, hoàn thiện, quảng bá cho Cổng dịch vụ công quốc gia đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 năm 2021.

Theo Kế hoạch, năm 2021 sẽ mở 5 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa từ 60-70 đồng chí tại Học viện Quốc phòng. Đối tượng được bồi dưỡng là đối tượng 1 chưa được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

Các cơ quan, tổ chức, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cử cán bộ đúng đối tượng, đủ số lượng theo chỉ tiêu phân bổ từng khóa của Ban Tổ chức Trung ương.

Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; là cơ sở để tổ chức thực hiện tốt việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014.

* Đối tượng 1 gồm:

1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các Bộ, Ban, Ngành Trung ương:

1.1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; các đại học quốc gia;

1.2. Văn phòng Trung ương và các Ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy ngoài nước, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật, Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương;

1.3. Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

1.4. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương;

1.5. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tổng cục thuộc bộ, các hội và tổ chức phi chính phủ ở Trung ương;

1.6. Các chức danh: Trợ lý Tổng Bí thư, Trợ lý Chủ tịch nước, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sĩ quan cấp tướng quân đội và công an.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập và các tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt khác.

2.1. Chủ tịch và các Ủy viên hội đồng thành viên;

2.2. Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc;

2.3. Bí thư, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy;

2.4. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự.

3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.1. Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

3.2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

3.3. Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

4. Người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên (trừ các chức danh tại điểm 1, 2, 3 mục này).

 

Quyết tâm giảm tối thiểu 10% tai nạn giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2020.

Thông báo nêu rõ, các tháng cuối năm 2020, với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, dần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu giao thông vận tải nội địa đã phục hồi và có xu thế gia tăng mạnh; đặc biệt là từ nay đến cuối năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, kỷ niệm 75 năm thành lập nước, Đại hội Đảng bộ các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, đặt ra áp lực lớn với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Phát huy kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia xác định quyết tâm phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả năm 2020 tối thiểu là 10% cả về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019. Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 và kế hoạch Năm ATGT 2020; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiên quyết xử lý điểm đen về TNGT; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị xây dựng kế hoạch Năm ATGT 2021.

Xây dựng Kế hoạch liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại một số địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, TNGT tăng cao, chú trọng kiểm tra công tác đăng kiểm phương tiện và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, an toàn đường thuỷ nội địa, phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm; chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và Tháng ATGT cho học sinh đến trường (tháng 9 năm 2020), cũng như những tình huống đột xuất về TTATGT.

Bảo đảm ATGT các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia

Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng và bảo đảm ATGT các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia như các dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối với dự án nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài trong điều kiện hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường; khẩn trương hoàn thành để đưa vào khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất để phát hiện, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về TTATGT của Bộ, trong đó tập trung vào công tác bảo đảm TTATGT về đường thuỷ nội địa; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; thực hiện thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng FC và hạng E tại các địa phương.

Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường, người đi mô tô - xe máy vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; cương quyết trấn áp những đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ, tội phạm trên các tuyến giao thông; có chuyên đề kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT và tải trọng đối với lái xe, chủ xe ô tô tải, xe đầu kéo, xe container.

Xây dựng cơ sở dữ liệu ATGT kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ, địa bàn trọng điểm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu đề xuất các quy định nhằm nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên trong dịp đầu năm học mới 2020 - 2021; phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam triển khai chương trình tặng mũ bảo hiểm “Giữ trọn ước mơ” cho học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021; triển khai thực hiện chương trình “Tôi yêu Việt Nam” với chương trình giáo dục ATGT cho bậc học mầm non.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không vượt đèn đỏ; đi đúng phần đường, làn đường; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy… tham gia giao thông an toàn trong điều kiện thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Ưu tiên tuyên truyền các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, người đi xe mô tô, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định pháp luật về TTATGT; chống xe dù, bến cóc; ATGT đường thuỷ nội địa; kinh doanh vận tải; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội vận động nhân dân tự giác chấp hành quy định về bảo vệ hành lang ATGT; không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè đồng thời thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, cương quyết cưỡng chế, trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường Vành đai 4, 5 (Hà Nội); Bến Thành - Suối Tiên, đường Vành đai 3, 4. (Thành phố Hồ Chí Minh); tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ xe buýt; có phương án sắp xếp hợp lý các hoạt động dân sinh trên vỉa hè, lòng đường đồng thời cương quyết xử lý mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, TTATGT, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, hành lang ATGT; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đường thông - hè thoáng đến cấp phường, thị trấn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm tra, làm rõ phản ánh của báo chí về tình trạng mất 1.500 tấm chống lóa trên Quốc lộ 1A qua địa bàn Tỉnh, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật đề nghị khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

Đó là nội dung "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025" vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt tại Quyết định 972/QĐ-TTg.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm cuối thực hiện Kế hoạch; xây dựng thành công ít nhất 500 có sở chăn nuôi lợn và 50 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn; có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Đồng thời, xây dựng thành công ít nhất 2 phòng thí nghiệm quốc gia đạt an toàn sinh học cấp độ III và 2 cơ sở nuôi động vật sạch bệnh để phục vụ nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh có nguy cơ lây sang người; nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh DTLCP để có giải pháp phòng, chống phù hợp và hiệu quả; bước đầu nghiên cứu vắc xin phòng bệnh DTLCP, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch đưa ra 13 nội dung gồm: 1- Chăn nuôi lợn an toàn sinh học; 2- Tổ chức nuôi tái đàn lợn; 3- Giám sát dịch bệnh; 4- Tiêu hủy lợn mắc bệnh; 5- Kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn; 6- Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; 7- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; 8- Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 9- Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; 10- Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh DTLCP, vắc xin DTLCP; 11-Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; 12- Hợp tác quốc tế; 13- Chính sách hỗ trợ.

Trong đó, về chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

Đối với tiêu hủy lợn mắc, nghi mắc bệnh DTLCP, yêu cầu tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTLCP.

UBND các cấp tham khảo, lựa chọn và áp dụng các biện pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn có mầm bềnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với lợn khỏe mạnh tại cơ sở có lợn mắc bệnh DTLCP hoặc tại các cơ sở chưa có lợn mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP có thể được vận chuyển, giết mổ theo hướng dẫn.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong toàn quốc. Căn cứ tình hình thực tế và diễn  biến của dịch bệnh DTLCP, Ban Chỉ đạo quốc gia tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp.

Cục Thú y tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng kế hoạch giám sát cấp quốc gia hàng năm phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức thực hiện giám sát chủ động, giám sát lợn, sản phẩm lợn nhập lậu.

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng các chuỗi, vùng sản xuất các sản phẩm lợn an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ tìm kiếm, đàm phán với các nước để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm lợn sang các nước; hướng dẫn thực hiện việc duy trì trạng thái an toàn bệnh DTLCP đối với các cơ sở đã được công nhận./.

 

Top