Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/6

08/06/2020 19:57

Triển khai sâu rộng phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo

Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).

Đây là mục tiêu của Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Chương trình phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương đối với công tác tham mưu, đề xuất về quản lý, điều hành thực hiện Chương trình trong năm 2020.

Nội dung, nhiệm vụ trọng tâm Chương trình là triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyên truyền để huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng tâm hiệp lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững (GNBV) các cấp; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong giám sát thực hiện giảm nghèo bền vững và tham gia tích cực vào vận động người dân hưởng ứng các phong trào chung tay vì người nghèo, gây quỹ ủng hộ người nghèo và an sinh xã hội.

Tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án thành phần của Chương trình, đồng thời rà soát, đánh giá hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giao kế hoạch, phân bổ nguồn vốn và các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản... để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 đã được giao.

Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo có công với cách mạng, đồng bào ở vùng khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung chỉ đạo công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời, rà soát các cơ chế, chính sách để đề xuất khung pháp lý, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn để chủ động và tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều (chung và đối với trẻ em) làm cơ sở đo lường và đề xuất định hướng giảm nghèo giai đoạn tiếp theo.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, trong đó tập trung vào tình hình phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; nắm bắt việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về chương trình, chính sách giảm nghèo; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình.

Xử lý các nội dung liên quan đến Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh online

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét, xử lý các nội dung liên quan đến Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh online theo thẩm quyền.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đai biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV chất vấn: Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh online liên tiếp đăng tải các bài viết sai sự thật, có biểu hiện vu khống, quy chụp, xúc phạm chính quyền địa phương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gây hoang mang, kích động người dân vi phạm Luật Báo chí. Tuy nhiên đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có động thái nào chấn chỉnh, xử lý hành vi này. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của Thủ tướng về các bài viết trên.

Thủ tướng Chính phủ trân trọng trả lời chất vấn của Đại biểu như sau:

Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 5/4/2016 đã quy định Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm: Quản lý nhà nước về báo chí; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét, xử lý các nội dung liên quan đến Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh online theo thẩm quyền và đã có văn bản số 1977/BTTTT-VP ngày 29/5/2020 để báo cáo và trả lời chất vấn của Đại biểu.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, trân trọng cảm ơn tinh thần trách nhiệm trước cử tri và sự ủng hộ tích cực đối với Chính phủ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Phú Yên phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện; đi đầu thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Năm 2019, Tỉnh thực hiện đạt và vượt toàn bộ 17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) là 8,32% cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.Tổng kim ngạch xuất khẩu 168,8 triệu USD.

Các lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt 24.750 lao động. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,15%. Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2,0% (còn 3,85%); công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được cải thiện….

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phú Yên còn một số tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh kém; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn đạt thấp so với bình quân chung của cả nước; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Hoạt động du lịch tuy có một số chuyển biến nhưng chưa bền vững, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa có giải pháp khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch; chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời điểm khó khăn của cả nước, Tỉnh cố gắng phấn đấu với những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhìn nhận thẳng vào sự thật, đi đầu thực hiện phương châm mà Chính phủ đề ra là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để làm tốt hơn.

Thời gian còn lại của năm 2020 Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Yên khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, đoàn kết, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế có giải pháp đột phá để xây dựng Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Trong đó, Tỉnh cần tiếp tục tập trung cao độ phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong chỉ đạo phòng chống dịch, có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng nhân dân. Đồng thời phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các giải pháp phục hồi tăng trưởng, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ; tạo điều kiện và khuyến khích người dân tiêu dùng trở lại; khuyến khích đầu tư tư nhân, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19; triển khai các giải pháp hỗ trợ thêm cho các đối tượng là người lao động mất việc ở khu vực kinh tế hộ cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm thích đáng đời sống của người lao động, không để ai bị bỏ lại phía sau; hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương để không sa thải người lao động. Chính sách hỗ trợ của Tỉnh phải nhanh, đi vào thực chất, đến với doanh nghiệp sớm nhất nhưng phải đúng đối tượng và có thời hạn. Tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp chung sức đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó, xác định mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ. Đón bắt tốt nhất cơ hội vàng khi các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia đang có những điều chỉnh lớn về bố trí đầu tư, tránh không để phụ thuộc vào một nước, một thị trường sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chú trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, người có công, thực hiện công tác bảo trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, chú trọng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển du lịch, thúc đẩy văn hóa, giáo dục; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tăng xử lý thủ tục hành chính qua mạng ở cấp độ 3, 4, trong đó đạt 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến cấp độ 4; tăng số lượng thủ tục thực hiện liên thông nhất là nhóm đầu tư, đất đai, xây dựng. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, nhất là liên thông điện tử; kiểm soát tốt trách nhiệm phối hợp của các đơn vị trong quy trình liên thông...

Phê chuẩn miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Tại Quyết định số 773/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Vũ Thị Thu Thủy, để nghỉ hưu theo chế độ.

Phấn đấu 100% các huyện của cả nước có xã đạt chuẩn NTM

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu các tỉnh phải có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 100% các huyện của cả nước có xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu phấn đấu cả nước có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn NTM và còn dưới 600 xã đạt dưới 10 tiêu chí; phấn đấu có thêm ít nhất 15 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM so với năm 2019.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và phấn đấu có 2.400 sản phẩm được chuẩn hóa theo Chương trình OCOP.

Một trong những nhiệm vụ của Chương trình là tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng NTM của các xã, huyện mới được hình thành sau khi sáp nhập theo các Nghị quyết của UBTVQH khóa XIV.

Đồng thời, chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt các Đề án xây dựng NTM chuyên đề; hướng dẫn UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Đề án chỉ đạo điểm "Tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025" và Đề án thí điểm "Huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ" trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai 11 nội dung thành phần của Chương trình để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tập trung hỗ trợ triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản ở các xã dưới 10 tiêu chí.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tập trung triển khai, phát triển Chương trình OCOP theo hướng tập trung đi sâu vào chất lượng, theo đúng nguyên tắc và bản chất của Chương trình, tăng cường hơn nữa sự tham gia của cấp xã, cộng đồng người dân và doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sắc bản địa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường...; trong đó, chú trọng vào mốt số nhiệm vụ trọng tâm như phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuẩn hóa, cộng nhận sản phẩm OCOP năm 2020; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP...

Tăng cường thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đẩy nhanh phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn gắn với phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.../.

Top