Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2020

07/05/2020 20:47

Thủ tướng chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025; trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.

Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 - 2025 gặp nhiều thách thức do tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; nguồn điện gió, điện mặt trời vẫn còn hạn chế về quy mô và còn nhiều rào cản kỹ thuật trong khai thác, sử dụng...

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức sử dụng điện theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả là, đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng cho phép cả nước cần phải tiếp tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong giai đoạn 2020 - 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện 5 giải pháp sau:

1- Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở.

Thủ tướng yêu cầu phối hợp với cơ quan điện lực sở tại xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm; đôn đốc, rà soát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện.

Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

2- Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời

Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 20% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên.

Áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; Áp dụng công nghệ điều khiển tự động trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.

Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.

Đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng.

Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của cơ quan điện lực sở tại; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của cơ quan điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

3- Thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình

Sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Thường xuyên thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

4- Thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng và phổ biến thực hiện nội quy tiết kiệm điện của đơn vị cho khách hàng, nhân viên; phối hợp với cơ sở cung ứng điện thực hiện việc giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu.

5- Thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất

Xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.

Lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.

Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm, rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có liên quan.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm phải tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền liên tục, rộng rãi để nhân dân biết và thực hiện tiết kiệm điện.

Khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích tiết kiệm điện

UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng và đưa các chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn; tổ chức khen thưởng và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác tiết kiệm điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống. Huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và nguồn nước, chủ động thực hiện các phương án vận hành hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phát điện.

Hà Nội cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển

Hà Nội cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển với các cấp độ khác nhau trong bối cảnh nền kinh tế đất nước, khu vực và thế giới có nhiều thay đổi để chủ động tận dụng mọi thời cơ mới, khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy mọi nguồn lực phát triển để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, năng động và là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Để xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội một cách toàn diện, xứng tầm là Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong tương lai với quy mô dân số ổn định trên 100 triệu người; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới Thành phố Hà Nội cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển với các cấp độ khác nhau trong bối cảnh nền kinh tế đất nước, khu vực và thế giới có nhiều thay đổi để chủ động tận dụng mọi thời cơ mới, khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy mọi nguồn lực phát triển để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, năng động và là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội cần tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng của người dân. Tập trung đầu tư, cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đảm bảo cung ứng, kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của Thành phố, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Quyết liệt, chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 mà Thành phố đã đề ra để góp phần quan trọng cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội". Cần triển khai các biện pháp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở huy động, sử dụng nguồn lực tiết kiệm và hiệu quả cao nhất, phù hợp với yêu cầu đón bắt thời cơ, phương châm nhanh chính xác kịp thời. Kịp thời khen thưởng, động viên những tấm gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, trục lợi, vi phạm pháp luật.

Thành phố Hà Nội cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nỗ lực phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, đặc biệt các cơ hội mới từ các cam kết hội nhập quốc tế mới ký kết và có hiệu lực. Phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đề xuất các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư, trọng tâm là các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách, các dự án theo hình thức PPP.

Xây dựng nền hành chính văn minh, thanh lịch

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính Hà Nội văn minh, thanh lịch. Tăng cường làm tốt hơn nữa xây dựng nông nghiệp kinh tế số, công khai minh bạch, công bố phần mềm mới qua điện thoại di động.

Thúc đẩy phát triển mạnh ngành nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh việc tái đàn lợn, đảm bảo chỉ tiêu tổng đàn lợn đạt 2 triệu con và có giải pháp kiểm soát tốt giá thịt lợn trên thị trường. Chuẩn bị và triển khai tốt công tác phòng, chống thiên tai.

Làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, mở rộng ranh giới đô thị ra các quận, huyện để giảm mật độ dân trong trung tâm thành phố; đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị; hạ tầng thông tin - truyền thông. Thành phố quan tâm vấn đề môi trường đô thị, đảm bảo cung ứng đủ nước sạch cho người dân với giá phù hợp; xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước ở sông Đáy, sông Nhuệ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích để chuyển nước cho sông Đáy.

Tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, khiếu kiện tập trung đông người tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Khẩn trương giải quyết 4 tồn tại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội khẩn trương giải quyết những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, trong đó có 4 tồn tại cần tập trung xử lý:

- Tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.

- Dự án xây dựng ở số 8B Lê Trực, Hà Nội cần khẩn trương giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng quy hoạch chi tiết, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, chính đáng cho nhà đầu tư.

- Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà  Đông, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm để đưa vào khai thác vận hành trong năm 2020. 

- Khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (quận Ba Đình) và mương thoát nước Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), thành phố Hà Nội.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 6/5/2020 về công tác tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Thông báo nêu rõ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là rất quan trọng, cần thiết nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền đi thông điệp Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và phục hồi nền kinh tế.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các bên liên quan tại cuộc họp để tổ chức Hội nghị chu đáo, khoa học, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm; khẩn trương hoàn thiện Báo cáo chung của Hội nghị, trong đó trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để xin ý kiến Hội nghị.

Các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo chuyên đề và phát biểu tham luận tại Hội nghị, trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường; các Bộ, cơ quan: Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuẩn bị tham luận theo đúng Thông báo số 156/TB-VPCP ngày 15/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí mở chuyên mục về “Thách thức, cơ hội, giải pháp cho Việt Nam bứt phá sau đại dịch COVID-19” trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, kết nối người dân, doanh nghiệp với Chính phủ trong việc cùng đồng hành, vượt lên khó khăn, phục hồi nền kinh tế.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Hồ Quang Bửu, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Lập Hội đồng thẩm định NCTKT Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) điều chỉnh Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia./.

Top