Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/1/2019

06/01/2020 20:57

Sửa quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Chính phủ ban hành Nghị định 06/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện như sau:

Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và phải bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi; số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất; dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí; phương án bố trí tái định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư); dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện; dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung nêu trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Căn cứ vào khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, UBND cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư; tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu tư.

Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2/2020 thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với dự án đầu tư chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2/2020 thì tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ , tái định cư theo quy định của Nghị định này.

Sửa quy định phạt VPHC lĩnh vực bảo vệ thực vật, thú y

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Cụ thể, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong đó, sửa đổi, bổ sung vi phạm quy định về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Cụ thể, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc y tế, thuốc thú ý; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có trị giá dưới 5 triệu đồng; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn; không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Phạt tiền từ 3 -  5 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có giá trị từ 5 - dưới 15 triệu đồng; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng đến dưới 3 kilôgam (hoặc 3 lít) thuốc thành phẩm; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá dưới 5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sau: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có trị giá từ 15 - dưới 30 triệu đồng; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 3 kilôgam (hoặc 3 lít) đến dưới 5 kilôgam (hoặc 5 lít) thuốc thành phẩm; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh; bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người không có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc tổ chức không có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật...

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có trị giá từ 30 - dưới 50 triệu đồng; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 5 kilôgam (hoặc 5 lít) đến dưới 10 kilôgam (hoặc 10 lít) thuốc thành phẩm; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá từ 15 - dưới 30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 45 - 50 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 50 kilôgam (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm trở lên trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp có Giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án...

Bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y

Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Trong đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 20 vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát, giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh. Cụ thể, tăng mức phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng lên mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú ý có thẩm quyền.

Nghị định 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2020.

Bãi bỏ 111 văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nghị đinh, quyết định bãi bỏ 111 văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, tại Nghị định 05/2020/NĐ-CP, Chính phủ bãi bỏ toàn bộ 40 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó:

 - 36 Nghị định: Nghị định số 12-CP ngày 1/12/1992 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý các đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta; Nghị định số 81-CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật; Nghị định số 06-CP ngày 21/1/1997 của Chính phủ về việc giải quyết tiền lương và trợ cấp năm 1997 đối với công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức; lực lượng vũ trang; cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội; Nghị định số 34/1999/NĐ-CP ngày 12/5/1999 của Chính phủ quy định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 1999;...

- 2 quyết định: Quyết định số 64B/HĐBT ngày 12/9/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc điều chỉnh địa giới hành chính đối với những huyện, xã có địa giới chưa hợp lý; Quyết định số 134-HĐBT ngày 20/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước xây dựng đường dây tải điện Bắc - Nam 500 KV.

- 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 06/2004/NQ-CP ngày 19/5/2004 của Chính phủ về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP ngày 4/11/2005 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và dịch cúm A (H5N1) ở người.

Nghị định 05/2020/NĐ-CP cũng bãi bỏ một phần Nghị định 79/2011/NĐ-CP  ngày 5/9/2011, Nghị định 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018.

Tại Quyết định 01/2020/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ 71 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó:

- 58 quyết định: Quyết định số 10/TTg ngày 9/1/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu nợ thóc dự trữ quốc gia; Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế; Quyết định số 143/1998/QĐ-TTg ngày 8/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi chế độ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiểu ngạch; Quyết định số 178/1998/QĐ-TTg ngày 19/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với một số mặt hàng xuất khẩu; Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn;...

- 13 chỉ thị: Chỉ thị số 15-CT ngày 11/1/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường lực lượng dữ trữ nhà nước; Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 01/2008/CT-TTg ngày 8/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường bất động sản; Chỉ thị số 11/2008/CT-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đặc xá; Chỉ thị số 20/2008/CT-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường chứng khoán;...

Sửa quy định về giám sát và đánh giá đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

Trong đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công.

Theo đó, phương pháp đánh giá hiệu quả chương trình đầu tư công là phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp).

Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công: Sự phù hợp của chương trình với mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, mục tiêu  kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi và chính sách phát triển của nhà tài trợ (nếu có); mức độ đạt được mục tiêu đầu tư chương trình theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của chương trình so với các chỉ số khai thác, vận hành của chương trình đã được phê duyệt; các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên,...); các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.

Nghị định số 01/2020/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 4 Điều 18 quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công. Cụ thể, tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phương pháp phân tích chi phí - lợi ích.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công: Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR); các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên); các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.

Bên cạnh đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi nội dung giám sát của người có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư...

Nghị định này bãi bỏ khoản 1 Điều 30 và Chương IX Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

Hồ sơ thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia

Chính phủ ban hành Nghị định 02/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.

Nghị định bổ sung Mục 4a vào sau Mục 4 Chương IV: Hồ sơ và nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công.

Trong đó, bổ sung quy định hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Cụ thể, hồ sơ trình thẩm định của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (chủ đầu tư) gồm: Tờ trình thẩm định; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh; báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư; tài liệu khác có liên quan.

Chủ đầu tư gửi 15 bộ hồ sơ dự án theo quy định nêu trên đến cơ quan chủ quản của mình hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để tổ chức thẩm định nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 và điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công. Thời gian thẩm định nội bộ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án theo nội dung thẩm định, chuẩn bị hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định cũng bổ sung quy định hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư của cơ quan chủ quản đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Cụ thể, hồ sơ trình thẩm định của cơ quan chủ quản đầu tư hoặc của cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (cơ quan chủ quản) gồm: Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh (đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ); báo cáo thẩm định nội bộ quy định nêu trên; báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư (do chủ đầu tư chuẩn bị); các tài liệu khác có liên quan.

Cơ quan chủ quản gửi 1 bộ hồ sơ theo quy định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.

Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của dự án.

Bổ sung tàu cho Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2020".

Cụ thể, điều chỉnh thông số kỹ thuật tàu dầu: Sức chở dầu hàng 150 tấn; cấp tàu: Biển hạn chế II; tốc độ 13 hải lý/giờ.

Bổ sung 1 tàu dầu trang bị cho Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Trung (Hải đội 2) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, với thông số kỹ thuật như đã phê duyệt nêu trên.

Kinh phí thực hiện Đề án "Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền của ngành Hải quan giai đoạn 2011 - 2020" (đã bao gồm 3 tàu dầu được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Điều 1 Quyết định này) đảm bảo cân đối được nguồn trong phạm vi khái toán kinh phí thực hiện Đề án theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 1577/QĐ-TTg ngày 12/9/2011.

Việc mua sắm, quản lý, sử dụng tàu thuyền theo đề án thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không làm thất thoát tài sản của nhà nước. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin và số liệu báo cáo.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Xây dựng kịch bản riêng cho mặt hàng về cung cầu, giá cả

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp tổng kết năm 2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2019, CPI bình quân ước khoảng 2,7% - 2,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm ở mức 4%, nằm trong kịch bản thấp; kết quả kiểm soát lạm phát trong 4 năm liên tục hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi chỉ số tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt cao ước trên 7%, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng của lạm phát thể hiện phát triển kinh tế đất nước bền vững, đời sống kinh tế-xã hội được duy trì ổn định.

Điều hành giá năm 2019 thực hiện được 2 mục tiêu kép, đó là lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, việc điều chỉnh giá của một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu (điện, giáo dục, y tế,…) vẫn đảm bảo thực hiện theo lộ trình đề ra.

Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ trong năm 2019 và tổng kết đánh giá, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tăng cường đẩy mạnh hơn nữa để tạo cơ sở, điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020 cần tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong công tác dự báo, đánh giá tác động, đề xuất biện pháp, kịch bản điều hành giá; nhất là đối với các mặt hàng có diễn biến tăng giá khó lường, phức tạp cần phải chủ động, quyết liệt thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản riêng cho mặt hàng về cung cầu, giá cả và đề xuất nhanh chóng, kịp thời các giải pháp bình ổn thị trường.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2020 trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ. Trước mắt không thực hiện điều chỉnh giá trong quý I và quý IV đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; trường hợp điều chỉnh, phải có phương án giá cụ thể và các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê; Sở Tài chính và cơ quan thống kê tại địa phương để tính toán mức độ tác động vào CPI, trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thận trọng.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường

Đối với công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đẩy mạnh thực hiện mô hình Chương trình bình ổn thị trường Tết, Chương trình kết nối cung cầu hiệu quả tại một số địa phương, chú trọng các địa bàn lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội,…và đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.

Đồng thời chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để dự báo, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời kỳ; nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu có giải pháp chủ động chuẩn bị các nguồn hàng hóa vào đầu năm và cuối năm để hạn chế tăng giá bất hợp lý. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 2 – 2,5%.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động xây dựng các kịch bản để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá đối với một số mặt hàng như thịt lợn, điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, dịch vụ hàng không...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá theo các kịch bản đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; đôn đốc triển khai và thực hiện báo cáo theo quy định. Đối với các vấn đề mới phát sinh cần xử lý gấp, nhất là trong điều hành cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành chủ động báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá và đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính - Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Thông tin và Truyền thông để có định hướng về điều hành giá chung và công tác thông tin, tuyên truyền./.

Top