Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/10

06/10/2020 20:39

Xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video giật gân kiếm tiền

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

Bản tin kinh tế-xã hội ngày 24/9/2020 trích dẫn phản ánh của VTV như sau: "Trên mạng xã hội tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng ngại là những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống. Thế nhưng vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý.

Thủ tướng bổ nhiệm lãnh đạo VPCP, Bộ Xây dựng

Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định điều động, bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Điện Biên, giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Trần Văn Sơn sinh năm 1961, quê quán: Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Kỹ sư Kinh tế xây dựng. Ông Trần Văn Sơn đã từng trải qua các chức vụ: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Bộ Xây dựng), Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Tháng 3/2014, ông Trần Văn Sơn được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Tháng 10/2015, ông Trần Văn Sơn được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Kiên Giang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, quê quán: Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Nghị từng giữ các chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng trước khi được luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015 từ tháng 3/2014. Tháng 10/2015, ông Nguyễn Thanh Nghị được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bổ sung thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tại Quyết định số 1491/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ sung Tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, làm thành viên chuyên trách Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Quyết định số 1492/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ sung Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cán bộ nghiên cứu cao cấp của Trường Harvard Kenedy thuộc Đại học Harvard, làm thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Tư vấn có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm.

Bên cạnh đó, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sửa đổi quy định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.

Sửa đổi quy định về công nhận Cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen

Nghị định số 118/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 17 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận Cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Theo quy định mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Tổ chức đăng ký công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổ chức đăng ký công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen phải nộp 01 bộ hồ sơ tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo một trong các cách sau: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường mạng. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen theo mẫu quy định; Thuyết minh về năng lực của cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen theo mẫu quy định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký về việc chấp nhận hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ.

Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng khảo nghiệm đánh giá rủi ro sinh vật biến đổi gen theo quy định. Kết quả thẩm định của Hội đồng là căn cứ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen. Trường hợp không công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức đăng ký biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hoạt động của cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen. Trường hợp vi phạm một trong các yêu cầu quy định tại Điều 16 của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thu hồi quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định công nhận hoặc thu hồi quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi 01 bản chính quyết định đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và công bố quyết định trên trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bổ sung nhiều quy định

Đồng thời, Nghị định số 118/2020/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 17a quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khảo nghiệm đánh giá rủi ro sinh vật biến đổi gen; Điều 17b về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp lại quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Ngoài ra, Nghị định số 118/2020/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 19a Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen vào sau Điều 19; bổ sung Điều 23a Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận an toàn sinh học vào sau Điều 23; bổ sung Điều 28a Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm vào sau Điều 28…

Về việc cấp lại Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen, Nghị định số 118/2020/NĐ-CP quy định Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen được cấp lại trong các trường hợp sau: Thay đổi thông tin về tổ chức được cấp phép tại Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen đã cấp; Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen bị mất hoặc rách, nát.

Hồ sơ cấp lại bao gồm: Đơn đăng ký cấp lại theo mẫu quy định; Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen đã cấp trong trường hợp thay đổi thông tin về tổ chức hoặc bị rách, nát; Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin về tổ chức được cấp phép tại Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen đã cấp.

Tổ chức đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ cấp lại theo quy định tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo một trong các cách sau: nộp trực tiếp; gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường mạng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cấp lại Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Tiền Giang có 2 huyện thị cán mốc nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020 và thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM.

Được biết, huyện Chợ Gạo có 18/18 xã đạt chuẩn NTM và đạt 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Cụ thể, toàn huyện có 24 tuyến đường huyện, dài 135 km đã được nhựa hóa 100%, hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên an toàn; Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh huyện được đầu tư xây dựng đạt chỉ tiêu quy định; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hoàn thành giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng đã có hồ sơ môi trường theo quy định.

Đối với Thị xã Cai Lậy, đến nay đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM với những kết quả nổi bật như: 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 23/29 trường học các cấp có cơ ở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 10/10 xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao; 10 xã trên địa bàn đều có  Hợp tác xã; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã đến tháng 6/2020 là 52,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của các xã giảm còn 1,41%; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có đầy đủ hồ sơ thủ tục môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; 100% người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94,51% số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

3 huyện, thành phố về đích xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký các quyết định công nhận 3 huyện, thành phố về đích xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, Quyết định 1502/QĐ-TTg nêu rõ: Công nhận thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Tại Quyết định 1503/QĐ-TTg, công nhận huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Tại Quyết định 1504/QĐ-TTg, công nhận thành phố Tân An, tỉnh Long An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Long An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Bến Tre, huyện Chợ Lách, thành phố Tân An tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) (2011 - 2020), thành phố Bến Tre đã huy động tổng kinh phí thực hiện gần 570 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân tại 6 xã đạt chuẩn NTM cuối năm 2019 đạt 45,91 triệu đồng/năm, tăng 27,24 triệu đồng so với năm 2011. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 tại 6 xã là 3,29%, đến cuối năm 2019 giảm còn 0,78%.

Nếu như giai đoạn 2011-2015 huyện Chợ Lách chỉ có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì giai đoạn 2016-2020 huyện đã “bứt phá” xây dựng thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả nông thôn mới được thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng: So với khởi điểm năm 2011, đến nay thu nhập bình quân đầu người của 10 xã tăng xấp xỉ 29 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm 7,71%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng thêm 62%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy tăng thêm 31%.

TP. Tân An có 9 phường và 5 xã. Sau 9 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của thành phố ngày càng khởi sắc; hệ thống kết cấu hạ tầng: Giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế cũng như sinh hoạt đời sống của người dân.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Thu nhập bình quân đầu người của các xã khoảng 60 triệu đồng/người/năm./.

 

Top