Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020

04/03/2020 22:31

Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

heo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động;

- Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác;

- Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động phạt đến 25 triệu đồng

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về giao kết hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 2-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Sửa đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Theo đó, bãi bỏ khoản 28 Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Như vậy, Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài không còn trong cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao quy định tại Nghị định 26/2017/NĐ-CP.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Ngoại giao chỉ còn 30 đơn vị: Vụ ASEAN, Vụ Châu Âu, Vụ Châu Mỹ, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Vụ Trung Đông - Châu Phi, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ các Tổ chức quốc tế, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Vụ Tổng hợp kinh tế, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Vụ Thông tin Báo chí, Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục Cơ yếu, Cục Ngoại vụ, Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân Nhà nước, Cục Quản trị Tài vụ, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia, Học viện Ngoại giao, Báo Thế giới và Việt Nam, Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia, Trung tâm Thông tin và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thay đổi thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Cụ thể, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là thành viên Ban Chỉ đạo thay Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng theo phân công công tác.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch gồm: Huyện Văn Giang, khu vực phía Tây huyện Yên Mỹ, khu vực phía Tây huyện Văn Lâm và khu vực phía Bắc huyện Khoái Châu. Nghiên cứu định hướng tổng thể không gian khu vực phát triển đô thị do sự kết nối tất yếu về mặt không gian giữa huyện Văn Giang và các khu vực lân cận theo quy luật đô thị hóa, phù hợp với nguồn lực thực hiện, khả năng liên kết vùng.

Phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang được thực hiện trong địa giới hành chính của huyện Văn Giang. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 7.183,89 ha.

Về quy mô dân số, dân số hiện trạng của huyện Văn Giang là 120.799 người. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 250.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 175.000 người; dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 350.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 325.000 người.

Nội dung lập quy hoạch đô thị Văn Giang gồm: Khảo sát và đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thực trạng của quy hoạch đô thị; định hướng phát triển không gian đô thị, đề xuất các cấu trúc hoặc hình thái không gian chính của đô thị, hướng phát triển, luận chứng chọn phương án khả thi; tổ chức các khu chức năng đô thị; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội;...

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định của pháp luật.

Triển khai phương án khắc phục sự cố sụt lún đê biển Tây (Cà Mau)

Vừa qua Báo Thanh niên có nêu về sự cố sụt lún trên tuyến đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra, chỉ đạo giải quyết sự cố sụt lún công trình trên tuyến đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; khẩn trương triển khai phương án khắc phục, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, nhất là trong các tình huống triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/4/2020.

Top