Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3

04/03/2019 18:06

Được tạm nhập, tái xuất các tác phẩm, hiện vật, tài liệu để triển lãm

Các tổ chức, cá nhân được tổ chức, tham gia tổ chức, đầu tư cho hoạt động triển lãm theo quy định của pháp luật; được bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp theo quy định của pháp luật; được tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập tác phẩm, hiện vật, tài liệu để phục vụ triển lãm theo quy định của pháp luật.

Quy định trên được quy định tại Nghị định số23/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động triển lãm.

Theo Nghị định này, nội dung quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm bao gồm: Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động triển lãm; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược triển lãm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động triển lãm; quản lý, chỉ đạo, thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động triển lãm; quản lý, tổ chức thực hiện, giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động triển lãm; cấp giấy phép, thu hồi giấy phép và tiếp nhận thông báo tổ chức triển lãm; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động triển lãm; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động triển lãm.

Điều kiện đối với tác phẩm, hiện vật, tài liệu, địa điểm triển lãm

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện đối với tác phẩm, hiện vật, tài liệu, địa điểm triển lãm.

Theo đó, tác phẩm, hiện vật, tài liệu, địa điểm triển lãm phải đáp ứng các điều kiện sau:

1- Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm không có một trong các nội dung sau: - Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; - Tiết lộ bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; -Kích động chiến tranh, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; gây chia rẽ tôn giáo, mất đoàn kết dân tộc; truyền bá tư tưởng phản động; - Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; - Vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, an ninh trật tự, tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái.

2- Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm không thuộc trường hợp bị đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu.

3- Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp.

4- Địa điểm triển lãm phải phù hợp với quy mô triển lãm, bảo đảm các điều kiện về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ.

Quy định về cấp phép triển lãm

Nghị định quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép tổ chức triển lãm đối với triển lãm do các tổ chức ở Trung ương đưa ra nước ngoài; triển lãm do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tổ chức tại Việt Nam; triển lãm do các tổ chức thuộc 02 tỉnh, thành phố trở lên liên kết đưa ra nước ngoài.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở văn hóa và Thể thao cấp Giấy phép tổ chức triển lãm đối với triển lãm do các tổ chức, cá nhân tại địa phương đưa ra nước ngoài; triển lãm do cá nhân nước ngoài tổ chức tại địa phương.

Nghị định quy định rõ khi phát hiện tổ chức, cá nhân kê khai hồ sơ, Thông báo không trung thực hoặc vi phạm quy định về điều kiện ở trên thì cơ quan tiếp nhận Thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động triển lãm bằng văn bản.

Tổ chức, cá nhân phải dừng hoạt động triển lãm ngay khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức triển lãm gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kết quả xem xét, quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho tổ chức, cá nhân biết để thực hiện. Thời gian gửi văn bản cho tổ chức, cá nhân là 3 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được văn bản đề xuất phương án tiếp tục tổ chức triển lãm của tổ chức, cá nhân.

---------------------

Sửa đổi mức hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số72/2010/QĐ-TTg  ngày 15/11/2010.

Cụ thể, Quyết định 12/2019/QĐ-TTg sửa đổi mức hỗ trợ đối với các hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo đó, mức hỗ trợ tối đa 100% áp dụng đối với các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Mức hỗ trợ 100% cũng áp dụng đối với các nội dung Chương trình xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo và một số nội dung Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước (gồm: Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; nghiên cứu phát triển hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng thương mại; các ấn phẩm để phổ biến kết quả điều tra, khảo sát, phổ biến pháp luật, tập quán, thói quen mua sắm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác; đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ; hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành ngắn hạn cho các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đặc thù; đào tạo kỹ năng phát triển thị trường trong nước cho các đơn vị chủ trì; hợp tác với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển thị trường trong nước).

Mức hỗ trợ 70% áp dụng cho tổ chức các hoạt động bán hàng: thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị thông qua các doanh nghiệp kinh doanh theo ngành hàng, hợp tác xã, tổ hợp tác xã cung ứng dịch vụ trên địa bàn theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức hỗ trợ 50% áp dụng cho các nội dung: Tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng tiêu dùng tổng hợp hoặc vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đến người tiêu dùng theo quy mô thích hợp cho từng địa phương; Hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thương mại; Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại thị trường trong nước tổng hợp: tháng khuyến mại, tuần “hàng Việt Nam”, chương trình “hàng Việt” chương trình giới thiệu sản phẩm mới, bình chọn sản phẩm Việt Nam được yêu thích nhất theo tháng, quý, năm theo các đề án được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho người của đơn vị chủ trì đi theo đoàn thực hiện công tác tổ chức đối với hoạt động tổ chức, tổ chức tham gia hội trợ triển lãm thương mại tại nước ngoài và tổ chức đoàn khảo sát thị trường, giao dịch với tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài: Hỗ trợ công tác phí cho 1 người của đơn vị chủ trì đo theo đoàn thực hiện công tác tổ chức đối với đoàn có dưới 8 doanh nghiệp, hỗ trợ 2 người cho đoàn có từ 8-15 doanh nghiệp, hỗ trợ 3 người cho đoàn có từ 16-30 doanh nghiệp, và 4 người cho đoàn có từ 31-50 doanh nghiệp và 5 người cho đoàn từ 51 doanh nghiệp trở lên.

---------------------

Sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu thống kê về phòng, chống ma tuý

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định13/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy.

Quyết định sửa đổi chỉ tiêu thống kê về phòng, chống ma tuý. Theo đó, trong nhóm chỉ tiêu về tội phạm và đấu tranh chống tội phạm về ma túy, sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu về truy tố, xét xử, thi hành án tội phạm về ma túy. Cụ thể,  các chỉ tiêu về truy tố tội phạm về ma túy gồm: Số vụ, số bị can bị truy tố về tội phạm ma túy theo tội danh, độ tuổi (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, từ đủ 18 đến 30 tuổi, từ đủ 30 tuổi trở lên); giới tính (nam, nữ); nghề nghiệp (có nghề nghiệp, không nghề nghiệp); quốc tịch (Việt Nam, nước ngoài, không quốc tịch); dân tộc (Kinh, khác).

Các chỉ tiêu về xét xử tội phạm về ma túy bao gồm: Số vụ, số bị cáo phạm tội ma túy theo tội danh, độ tuổi (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, từ đủ 18 đến 30 tuổi, từ đủ 30 tuổi trở lên); giới tính (nam, nữ); nghề nghiệp (có nghề nghiệp, không nghề nghiệp); quốc tịch (Việt Nam, nước ngoài, không quốc tịch); dân tộc (Kinh, khác) và mức hình phạt.

Các chỉ tiêu về thi hành án các tội phạm về ma túy gồm: Số vụ, số tiền, số chất ma túy, tiền chất, số  đối tượng phạm tội về ma túy thi hành án theo tội danh, độ tuổi (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, từ đủ 18 đến 30 tuổi, từ đủ 30 tuổi trở lên); giới tính (nam, nữ); nghề nghiệp (có nghề nghiệp, không nghề nghiệp); quốc tịch (Việt Nam, nước ngoài, không quốc tịch); dân tộc (Kinh, khác) và mức án thi hành.

Quyết định có hiệu lực từ 15/4/2019.

---------------------

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn

Xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực;...

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch khoảng 2.171,33 km2 bao gồm diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trong đó diện tích đất tự nhiên khoảng 581,83 km2, diện tích vùng biển khoảng 1.589,5 km2.

Dự báo sơ bộ quy mô dân số: Đến năm 2030 khoảng 140.000 - 200.000 người; đến năm 2040 khoảng 300.000 - 500.000 người. Dự báo phát triển khách du lịch: Đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu lượt khách; đến năm 2040 khoảng 6,0 - 9,5 triệu lượt khách. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trên cơ sở rà soát, kế thừa các yếu tố hợp lý của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 19/8/2009, đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia và tỉnh Quảng Ninh đối với khu vực Vân Đồn nhằm khai thác phát triển tối ưu các quỹ đất, tiềm năng phát triển từng khu vực; đề xuất các khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hợp lý cho khu kinh tế.

Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và làm rõ một số nội dung.

Trong đó, cần đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng. Cụ thể, phân tích, đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất..., đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch của Khu kinh tế Vân Đồn và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển khu kinh tế. Đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng.

Đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn, xem xét thực trạng phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu; thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động (05 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị - nông thôn), các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa.

Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế...

Phân tích vai trò, vị thế Khu kinh tế Vân Đồn trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế, mối liên hệ với Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái về dịch vụ, du lịch; mối quan hệ với Hải Phòng, Hà Nội về dịch vụ, hạ tầng và nguồn nhân lực; mối quan hệ với các trọng điểm phát triển khác của vùng và quốc gia để xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác phát triển và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của Khu kinh tế Vân Đồn.

Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội

Về định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, định hướng quy hoạch phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế xã hội bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao,... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu kinh tế và vùng lân cận theo các giai đoạn phát triển.

Định hướng quy hoạch bố trí các khu vực phục vụ sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục tại khu vực phía Tây và Bắc đảo Cái Bầu để đáp ứng nhu cầu sử dụng chung của Khu kinh tế và các khu vực lân cận. Bố trí các chức năng dịch vụ hỗ trợ du lịch, tài chính và dịch vụ văn hóa sáng tạo tại khu vực phía Đông đảo Cái Bầu để hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch.

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng chất lượng cao, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách và lao động tại Khu kinh tế, phù hợp với đặc điểm biển đảo của Vân Đồn.

---------------------

Kiểm soát chặt hoạt động thu phí BOT trên cả nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước.

Báo Thanh niên điện tử ra ngày 13/2/2019 có bài phản ánh về việc "Không kiểm soát được thu phí BOT"; đồng thời, xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến một số Bộ, cơ quan về việc tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh tại bài báo nêu trên; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 6/CT-TTg ngày 27/2/2018; đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

---------------------

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo UB quản lý vốn nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa bổ sung phân công công việc đối với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Cụ thể, ngoài các nhiệm vụ đã được phân công tại Quyết định 1527/QĐ-TTg ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành và phối hợp công tác.

---------------------

Nhân sự mới 2 cơ quan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các quyết định về nhân sự của UBND thành phố Cần Thơ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định số 248/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Dương Tấn Hiển, Thành ủy viên, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều.

Tại Quyết định 244/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay bà Nguyễn Hồng Lý đã được phân công nhiệm vụ khác.

Tại Quyết định số 241/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay ông Phạm Lê Tuấn đã chuyển công tác khác.

Tại Quyết định 243/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiêm giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay ông Mai Đức Chính nghỉ hưu theo chế độ.

---------------------

Làm rõ phản ánh cấp GCN quyền sử dụng đất tại Hà Đông (Hà Nội)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầuUBND thành phố Hà Nội kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với đất nông nghiệp tại một số phường thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Thời gian vừa qua, một số báo điện tử có bài viết phản ánh tình trạng nhiều thửa đất nông nghiệp trên địa bàn một số phường thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội được người dân san lấp, xây dựng nhà ở; khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì họ xuất trình được "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở" do UBND huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cấp trước khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội hoặc "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất" do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp, giấy phép xây dựng do UBND quận Hà Đông cấp nhưng không có hồ sơ hợp pháp về đất ở lưu tại các cơ quan chức năng.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2019.

---------------------

Giải quyết khiếu nại của công dân TP Hải Phòng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thơm, thành phố Hải Phòng.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân ở khu dân cư Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng khiếu nại, tố cáo một số nội dung liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới bắc sông Gấm, tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Về việc này, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2019.

---------------------

Huyện Vụ Bản (Nam Định) đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết địnhcông nhận huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.

---------------------

Điều chỉnh dự án kết cấu hạ tầng và nhà xưởng KCN Việt Hòa - Kenmark

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định249/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát. Dự án có vốn đầu tư 2.034 tỷ đồng, trong đó, vốn góp là 910 tỷ đồng, vốn vay là 1.124 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện dự án; chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương xem xét việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan của Tỉnh giám sát thực hiện dự án theo các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có việc góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Giao Bộ Tài chính hướng dẫn Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư của dự án./.

Top