Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/8

30/08/2021 20:02

Thủ tướng ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ký Quyết định số 84/QĐ-BCĐ ngày 28/8/2021 về việc ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ  đạo hoạt động thường xuyên, thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Thành viên, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực Ban Chỉ  đạo trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của từng Thành viên Ban Chỉ  đạo.

Ban Chỉ đạo họp, thảo luận dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo theo phân công của Trưởng Ban Chỉ  đạo để quyết định và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; mọi công việc được thảo luận dân chủ, thống nhất và trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa các Thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy chế này và các nhiệm vụ được phân công; tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ  đạo; kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; bảo đảm duy trì kết nối thông tin liên lạc thường xuyên 24/24.

Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo, các Thành viên Tiểu ban hoạt động theo Quy chế này và Quy chế làm việc của Tiểu ban, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ được phân công.

Phạm vi giải quyết công việc của các Thành viên Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ  đạo, các Thành viên Tiểu ban phải theo đúng quy định của pháp luật, thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công và quy định tại Quy chế này.

Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ  đạo; Trưởng Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo; Thành viên Ban Chỉ đạo.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo được yêu cầu các Tiểu ban, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, báo cáo và hỗ trợ các nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Phân công nhiệm vụ các Thành viên BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-BCĐ ngày 28/8/2021 và các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo như sau:

1. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo:

Chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các Phó Trưởng Ban và các Thành viên Ban Chỉ đạo.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội và Tiểu ban An ninh trật tự xã hội; xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của các Tiểu ban theo đề nghị của Trưởng Tiểu ban.

2. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ  đạo, Trưởng Tiểu ban Tài chính, hậu cần:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Tài chính, hậu cần. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, cơ chế mua sắm, giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, các khoản hỗ trợ đối với người dân, đặc biệt là người mất việc làm, người xa quê tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.

Chỉ đạo việc bảo đảm kinh phí, phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo việc thực hiện mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc... phục vụ phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo triển khai thực hiện các phương án mua sắm dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương; chỉ đạo việc xây dựng các chế độ, chính sách đối với các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.

3. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Y tế.

Trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế trong nước; chỉ đạo việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm tính liên tục của hoạt động giáo dục; chỉ đạo việc ứng dụng các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

4. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo:

Làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, kể cả việc chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định của các luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát việc thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

5. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng và đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

6. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An ninh trật tự xã hội.

Chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong và sau dịch; chủ  động các phương án phòng ngừa, các biện pháp xử lý tình huống bất ổn xã hội có thể phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổ chức chỉ  đạo, huy động, điều phối lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội; công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng; chỉ đạo phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ công tác xuất, nhập cảnh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.

7. Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban An sinh xã hội:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội.

Chỉ đạo bảo đảm giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia; kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, không để xuất, nhập cảnh trái phép; chỉ đạo tổ chức tăng cường lực lượng quân đội nhân dân phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chỉ đạo việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội; chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch COVID-19...

8. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Vận động, huy động xã hội.

Chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

9. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Dân vận:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Dân vận.

Chỉ đạo, tổ chức vận động, động viên các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân chủ  động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

10. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo:

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Truyền thông;

Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đúng chủ trương, quan điểm, giải pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch...

11. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Ban Chỉ  đạo, Trưởng Tiểu ban Y tế:

Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19, tiêm chủng... và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế cần thiết; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tham mưu việc huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.

12. Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Thành viên Ban Chỉ đạo:

Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết, nhất là các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát hoạt động liên quan đến tài chính, ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

13. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thành viên Ban Chỉ đạo:

Phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong việc đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và kịp thời báo cáo, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo đối với những vấn đề phát sinh.

14. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thành viên Ban Chỉ đạo:

Chỉ đạo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và theo dõi chung về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động của Ban Chỉ  đạo.

15. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban Truyền thông:

Chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác, xử lý, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục phát huy hiệu quả của các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc, các giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

--------------------------

Thủ tướng phê chuẩn ông Phan Văn Mãi giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 29/8/2021 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Quyết định số 1444/QĐ-TTg ngày 29/8/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thành Phong để nhận nhiệm vụ mới.

--------------------------

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1443/QĐ-TTg ngày 29/08/2021 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thành viên Hội đồng gồm: Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học; các ủy viên phản biện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

Hoạt động của Hội đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, trong đó, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết theo đa số để thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch.

Nhiệm vụ lập quy hoạch đủ điều kiện trình phê duyệt khi có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa.

Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định pháp luật về quy hoạch liên quan đến việc thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

--------------------------

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Cần Thơ đến năm 2045

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân thành phố Cần Thơ về tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ.

Mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7,5 - 8%/năm. vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10 - 12,5%/năm. Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao. Tốc độ  đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12 - 13%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm từ 11 - 15%.

Đến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200 - 6.800 USD. Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54,17 - 54,73% GRDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,71 - 33,99%, nông nghiệp chiếm 5,61 - 5,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,94 - 5,95%. Tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt 35 - 40%. Giá trị năng suất lao động xã hội đạt 297,18 triệu đồng/lao động/năm…

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, các Bộ, ngành và thành phố Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; tập trung 07 nhiệm vụ trọng tâm:

1- Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị;

2- Thực hiện tốt công tác quy hoạch và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát huy vai trò là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước;

3- Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối; tập trung nguồn lực để nghiên cứu;

4- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế;

5- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, các lĩnh vực xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh; khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc;

6- Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng đồng bàng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước;

7- Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả;

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.

Thành phố Cần Thơ xây dựng các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động của Chính phủ; chủ động nghiên cứu thực hiện thí  điểm một số mô hình, quy định đối với các trường hợp phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước trên địa bàn, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chủ  động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long và với vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh để cùng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, góp phần phát triển đồng bộ các vùng và cả nước.

--------------------------

Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 6007/VPCP-KTTH ngày 30/8/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại từ nay đến cuối năm 2021.

Xét báo cáo của Bộ Tài chính về Kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại của các tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã biểu dương Cơ quan thường trực của Ủy ban 1899 (Tổng cục Hải quan) đã tổng hợp, chuẩn bị báo cáo đánh giá  đầy đủ kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại của các tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 và Bộ Công Thương đã có báo cáo tình hình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Theo kết quả, về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tính đến ngày 30/6/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 226 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,93 triệu bộ hồ sơ của hơn 48 nghìn doanh nghiệp. Trong các tháng cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 (tính đến 30 tháng 6 năm 2021), Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai chính thức thông qua Cơ chế một cửa quốc gia 26 thủ tục hành chính.

Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 375.646 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 955.300 C/O và đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu đã có nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, kết quả điển hình như: Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm đáng kể các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Nhiều Bộ, ngành chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nổi bật có thể kể đến Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.

Bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành thể hiện thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã  được sửa đổi, bổ sung.

Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn đối với hàng hóa nhập khẩu, theo đó, cơ quan Hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành; các Bộ, ngành thực hiện hậu kiểm; và thực hiện 7 nội dung cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu nhằm đơn giản quy trình, thủ tục, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm đầu mối tiếp xúc của doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Phó Thủ tướng nhận định, về cơ bản, các Bộ đã triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; đã áp dụng quản lý rủi ro nhưng không hiệu quả; chưa áp dụng công nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau; chưa áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành; trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước, quá mức cần thiết, không thống nhất, còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; kiểm tra nhiều nhưng phát hiện kết quả rất thấp; chi phí kiểm tra chuyên ngành cao.

Nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại từ nay đến cuối năm 2021 còn rất nặng nề. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì  đôn đốc các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.

Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2022.

Triển khai kết nối, tích hợp Cổng Thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị  định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và tổ chức triển khai; trình Thủ tướng Chính phủ về kinh phí  để thực hiện nhiệm vụ của các Bộ; xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp Logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hoàn thành triển khai chính thức 35 thủ tục hành chính

Các Bộ, ngành tập trung nguồn lực và  đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất vào quý I năm 2022, hoàn thành triển khai chính thức 35 thủ tục hành chính theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Bộ Công Thương: 06 thủ tục; Bộ Giao thông vận tải: 01 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 03 thủ tục; Bộ Quốc phòng: 6 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 01 thủ tục; Bộ Y tế: 15 thủ tục; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: 01 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: 01 thủ tục; Liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải phối hợp: 01 thủ tục

Các Bộ, ngành cử bộ phận hỗ trợ giải đáp vướng mắc nghiệp vụ và kỹ thuật cho người khai hải quan và các tổ chức cá nhân liên quan trong quá trình triển khai kết nối các thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cùng với đó, các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã HS đang được các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung; khẩn trương triển khai việc sửa đổi, bổ sung 02 văn bản quy phạm pháp luật, 04 danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã HS chưa được triển khai theo nhiệm vụ  được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg theo Phụ lục II; Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã HS chưa ban hành theo Phụ lục III).

Các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai có hiệu quả Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các Bộ.

Tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung, mục tiêu trình Chính phủ phê duyệt Đề  án chậm nhất vào quý I năm 2022 và triển khai các nội dung liên quan của Đề án trong năm 2022.

Đồng thời, thực hiện rà soát các thủ tục hành chính để thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bao gồm các thủ tục bổ sung mới, các thủ tục sửa đổi, các thủ tục đưa ra khỏi danh sách thực hiện (các thủ tục hành chính đã được cắt giảm, các thủ tục hành chính phát sinh rất ít hồ sơ đăng ký hoặc không phát sinh hồ sơ) gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban chỉ đạo kế hoạch triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Các Bộ, ngành cử cán bộ đầu mối chuyên trách về logistics phối hợp với Cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương để sớm kiện toàn nhân sự triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia.

Đề xuất giải pháp cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Việc công bố các báo cáo thực hiện 2 năm/lần.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hội, Hiệp hội nghiên cứu, đóng góp ý kiến cụ thể kèm theo đề xuất giải pháp liên quan đến công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành.

--------------------------

Phê duyệt Đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là  đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.

Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300 nghìn lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại; xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp; lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại; tổ chức đào tạo, đào tạo lại; tổng kết, đánh giá kết quả  đào tạo, đào tạo lại.

Trong đó, Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong Chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên; đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp được lựa chọn để  đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác trong Chương trình.

Xây dựng kế hoạch đào tạo có phân công trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại; xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử  để quản lý, kết nối các thành phần tham gia Chương trình, phục vụ việc triển khai và quản lý, theo dõi Chương trình hiệu quả.

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại doanh nghiệp hoặc kết hợp cả hai phương thức theo hình thức vừa học vừa làm, thời gian đào tạo phù hợp theo tính chất của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng; tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp; thực hiện việc tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo theo quy định; thanh quyết toán theo số lượng và chất lượng người học tốt nghiệp.

--------------------------
Rà soát nội dung Dự  án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6000/VPCP-CN ngày 30/8/2021 về ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT) (Dự án).

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rà soát nội dung Dự  án, trình Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km, chạy song song với tuyến Quốc lộ 51. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2km. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với tuyến tránh Thành phố Bà Rịa (Quốc lộ 56).

Về quy mô dự kiến đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn từ Thành phố Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và đoạn từ Tân Hiệp đến Quốc lộ 56 với 4 làn xe cao tốc, riêng đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) là 6 làn xe cao tốc./.

Top