Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6

30/06/2020 19:13

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, kiểm lâm và quần chúng nhân dân trong việc ngăn chặn và dập tắt đám cháy rừng xảy ra trong các ngày từ 26-28/6 tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thời gian tới, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, còn nắng nóng gay gắt và hanh khô kéo dài, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao, gây ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng, đời sống của người dân, sự an toàn của hệ thống truyền tải điện quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương trong cả nước, tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 776/CĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không để lặp lại tình trạng cháy rừng xảy ra trên diện rộng như trong tháng 6 và tháng 7 năm 2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cháy rừng, chế độ báo cáo, đảm bảo cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát bản tin cảnh báo cháy rừng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả; rà soát, hoàn thiện quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí  để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “phòng là chính”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
--------------------------

Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương và các tổ chức hiệp hội đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương khẩn trương sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và nghiên cứu bổ sung các giải pháp để đưa các chính sách hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống; ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các nội dung hỗ trợ DNNVV.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV để hoàn thiện cơ sở pháp lý triển khai các nội dung hỗ trợ của Luật, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, bố trí vốn ngân sách nhà nước triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV, trong đó có “Chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội  doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị định hướng dẫn; cập nhật, nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ thông tin cho DNNVV.
Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sớm Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và  siêu nhỏ sau khi được Quốc hội ban hành; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách về thuế thu nhập DNNVV để hỗ trợ DNNVV trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để bảo đảm thống nhất với Luật Hỗ trợ DNNVV.
Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về tổ chức hoạt động của Quỹ  đầu tư phát triển địa phương theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 14/6/2019, trong đó xem xét thêm việc Quỹ đầu tư phát triển địa phương đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm phù hợp với nguồn lực tài chính của Quỹ và khả năng quản lý, giám sát của Quỹ.
Hướng dẫn các Cục Thuế  địa phương áp dụng miễn thuế môn bài 03 năm cho các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; ban hành Cẩm nang hướng dẫn chi tiết về chính sách, thủ tục thuế, kế toán cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; phổ biến các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất phát triển cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; xây dựng và ban hành tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên về đo lường trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ DNNVV.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chủ động cân đối và bố trí kinh phí thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV trong kế hoạch trung hạn và hằng năm; xây dựng và sớm đưa vào hoạt động mạng lưới tư vấn viên của bộ, ngành, địa phương mình quản lý; đa dạng hóa hình thức tài liệu hướng dẫn DNNVV, cải tiến nội dung tuyên truyền, hỗ trợ DNNVV; nghiên cứu ban hành các Cẩm nang hướng dẫn chi tiết về các nội dung hỗ trợ, giới thiệu các bộ, địa phương điển hình trong việc triển khai chính sách để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khác tham khảo.
Các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính  quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
--------------------------

Bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nội vụ về việc xin chủ trương bầu bổ sung 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện đúng quy trình, thủ tục bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về các nội dung, thông tin báo cáo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
--------------------------

Bổ sung 3 KCN tỉnh Hưng Yên vào Quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020.
Cụ thể, bổ sung 03 KCN, gồm: KCN sạch (quy mô diện tích là 143,08 ha; vị trí tại xã Hồng Tiến - huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc - huyện Ân Thi), KCN số 03 (quy mô diện tích là 159,71 ha; vị trí tại xã Hồng Tiến - huyện Khoái Châu, xã Lý Thường Kiệt - huyện Yên Mỹ và xã Xuân Trúc - huyện Ân Thi) và KCN 01 (quy mô diện tích là 263,85 ha; vị trí tại xã Lý Thường Kiệt và xã Tân Việt - huyện Yên Mỹ, xã Xuân Trúc - huyện Ân Thi) vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020
Các KCN khác nằm trong quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 được phê duyệt tại các công văn số 1308/TTg-KTN ngày 17/6/2016, số 1181/TTg-CN ngày 11/8/2017 và số 1199/TTg-CN ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên tách phần diện tích khu cảng thông quan nội địa (diện tích 147,4 ha) và đất đô thị dịch vụ (diện tích là 456,9 ha) ra khỏi đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất cảng và đất đô thị, dịch vụ; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác về quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch KCN; tích hợp nội dung bổ sung quy hoạch KCN vào quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo chỉ tiêu đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 17/4/2018, bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 58 Luật Đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các KCN với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; bảo đảm việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; xây dựng phương án đảm bảo hành lang an toàn đối với các KCN hiện hữu nằm dọc theo các tuyến đường chính (cao tốc, quốc lộ). Có kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của Tỉnh để hỗ trợ các KCN trong trường hợp cần mở rộng các tuyến đường kết nối với KCN.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút các dự  án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại chưa lấp đầy. Chỉ đạo Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam báo cáo tiến độ cụ thể thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để sớm đưa KCN Lý Thường Kiệt (300 ha) và KCN Tân Dân (200 ha) đi vào hoạt động.
UBND tỉnh Hưng Yên xây dựng định hướng thu hút đầu tư vào các KCN, bảo đảm thuận lợi cho việc phát triển, tăng cường các liên kết sản xuất trong KCN; triển khai đầu tư xây dựng các KCN đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và bảo đảm tính khả thi của quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng KCN, bảo đảm phù hợp với tốc độ triển khai các KCN; triển khai phương án đào tạo, tạo việc làm mới cho số lao động thuộc diện bị thu hồi đất; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại các KCN để bảo đảm điều kiện sống, làm việc của người lao động.
--------------------------

Đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá của vùng TDMN phía Bắc
Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi (TDMN) phía bắc, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn và xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá của vùng TDMN phía bắc, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn và xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng thời, bảo đảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Nội dung Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bắc Kạn căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
--------------------------

Thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Yên Bái có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Yên Bái tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để  đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
--------------------------

2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký các Quyết định công nhận huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Mỹ Xuyên,  huyện Tân Yên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.

Top