Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5

28/05/2021 19:16

Thủ tướng biểu dương Bộ Quốc phòng hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Bộ Quốc phòng đã tích cực, nỗ lực, kịp thời hỗ trợ nhân lực, nguồn lực, phương tiện, thiết bị, hỗ trợ xét nghiệm, triển khai bệnh viện dã chiến giúp 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

----------------------------

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện ngay một số nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mặt hàng quả vải cho tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, khảo sát thực tế và trực tiếp làm việc với tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ xây dựng kế hoạch thu mua, tiêu thụ quả vải; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất, ưu tiên tối đa cho hoạt động thu mua, phân phối, tiêu thụ mặt hàng quả vải; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để xe chở quả vải và nông sản của tỉnh Bắc Giang lưu thông ra vào các tỉnh, thành phố; đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

----------------------------

Thủ tướng: Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân ban hành văn bản trái luật

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp; kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật.

Ngày 25/5/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình, kết quả công việc; những vấn đề còn tồn đọng; những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện ngay việc sau:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp; kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý kịp thời những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên cơ sở rà soát văn bản, nhất là kết quả rà soát theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ để thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

----------------------------

Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em.

Phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em

Mục tiêu của Chương trình là nhằm phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%.

100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi.

Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Chương trình cũng đặt mục tiêu 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Đến năm 2030, Chương trình phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Xây dựng mạng lưới phòng ngừa lao động trẻ em

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em;

Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm trao đổi kinh nghiệm, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em…

----------------------------

Xuất hóa chất hỗ trợ Bạc Liêu phòng, chống dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu được xuất cấp (không thu tiền) 100 tấn hóa chất (70 tấn hóa chất Chlorine 65% min và 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20%) và 10.000 lít hóa chất Benkocid.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo; Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận và sử dụng số hóa chất nêu trên theo đúng quy định.

----------------------------

Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 01-30/6/2021 với chủ đề “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý”.

Qua 20 năm triển khai Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng chính phủ, Tháng hành động phòng, chống ma tuý (tháng 6) và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (ngày 26 tháng 6) đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma tuý.

Để các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy được tổ chức đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 01/30/6/2021 với chủ đề “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý”.

Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma tuý trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma tuý; các hoạt động của Tháng hành động cần được triển khai thiết thực, hiệu quả, tạo hiệu ứng về truyền thông, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiệm vụ triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2021 gồm: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma tuý, đặc biệt là những điểm mới của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền; tuyên truyền trên hệ thống thông tin và truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động... Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma tuý; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma tuý cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.

Huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý; tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông, hỗ trợ cai nghiện và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng...; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo, lôi kéo sử dụng, mua bán trái phép các chất ma tuý trên mạng xã hội; truy tố và xét xử các vụ án ma tuý điểm để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch, không để phát sinh tệ nạn ma tuý; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma tuý.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền cho các cơ quan truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tin báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống ma tuý trong Tháng hành động này.

Các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời cung cấp thông tin về hoạt động trong Tháng hành động cho các cơ quan thông tấn báo chí; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2021.

----------------------------

Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật

Kết luận buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Đó là một trong các nội dung Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực mà ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đạt được trong 5 năm (2016-2020) và 4 tháng đầu năm 2021, trong đó có nhiều kết quả nổi bật: Công tác xây dựng thể chế đạt kết quả tốt, tạo nền tảng pháp lý lâu dài cho tổ chức và hoạt động của ngành, nhất là trong các lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo là một điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận và nhân dân đánh giá cao, góp phần vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, đặc biệt trong 5 năm qua. Thị trường lao động tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong quản lý nhà nước;...

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế cần sớm được quan tâm chỉ đạo khắc phục và xử lý như: Thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ, hiện đại, kịp thời, thiếu tổng thể, liên thông. Năng suất lao động của Việt Nam tuy có tốc độ tăng nhanh nhưng vẫn thuộc nhóm thấp của châu Á. Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, tốc độ cải thiện còn chậm, còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn; kết nối cung-cầu trong đào tạo nghề còn giới hạn; lĩnh vực xuất khẩu lao động, quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, tiêu cực...

Tiếp tục xây dựng ngành lao động, thương binh và xã hội đoàn kết, thống nhất, dân chủ và liêm chính

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà nước giao, đồng thời lưu ý một số tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ lớn sau đây:

Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục xây dựng ngành lao động, thương binh và xã hội đoàn kết, thống nhất, dân chủ và liêm chính. Chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời, đúng người, đúng việc.

Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết qua quá trình 35 năm đổi mới: Không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đây là nhiệm vụ lớn mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được của ngành; không thỏa mãn, không chủ quan, tự mãn; trên tinh thần kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; tất cả suy nghĩ, hành động đều phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bám sát thực tiễn để không ngừng đổi mới, sáng tạo. Quán triệt tư tưởng phải tích cực, chủ động hơn nữa để vượt qua thách thức, khó khăn trong công việc, phát huy hơn nữa tính tự lực, tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, đó chính là thể hiện tư tưởng tấn công.

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Đối với những vấn đề phát sinh thì phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc gì đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục làm; việc gì chưa có hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.

Bảo đảm thượng tôn pháp luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. Chính sách của ngành là đến với người dân, vì vậy từng chính sách, từng thông điệp phải giản dị, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, dễ đánh giá và phải lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Phải có chính sách, giải pháp phù hợp để khắc phục những thách thức, hệ quả của việc già hóa dân số, nhất là tăng cường khai thác, phát huy vai trò, tiềm lực của người cao tuổi; thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người nghèo, người yếu thế.

10 nội dung Bộ cần triển khai trong thời gian tới

Về một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cơ bản tán thành với Báo cáo của Bộ và nhấn mạnh thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, những việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Thứ hai, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách còn bất cập theo hướng đồng bộ, thống nhất, hiện đại, sát với thực tiễn, có tính khả thi và sức lan tỏa cao, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với tinh thần quy định không còn phù hợp thì cương quyết sửa đổi; việc gì mới chưa có quy định hay chưa kịp sửa đổi, bổ sung thì đề xuất cho thí điểm. Quan điểm là không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; chú trọng thực hiện các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá, đổi mới, giảm phiền hà cho nhân dân; đẩy mạnh số hóa trong tất cả các lĩnh vực; có cơ chế phân công, phối hợp thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Thứ tư, chú trọng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật. Coi trọng và nâng cao nhận thức về truyền thông, tổ chức công tác truyền thông phù hợp với công nghệ, đặc điểm của tình hình trong nước và thế giới hiện nay. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tham gia đối thoại, tạo đồng thuận trong thực thi chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Thứ năm, tập trung thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 5/11/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trong đó lưu ý làm tốt các nội dung về công tác đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế; giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững; tạo môi trường cho trẻ em phát triển toàn diện; thúc đẩy bình đẳng giới… Tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững, trong đó bảo hiểm xã hội là trụ cột chính, quan tâm giải quyết các vướng mắc phát sinh đối với người lao động trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông; chú trọng đầu tư để duy trì và phát triển các trường chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm, tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường lao động; thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động.

Thứ bảy, nghiên cứu, dần điều chỉnh khung pháp lý và chính sách để phù hợp với tốc độ già hóa dân số theo dự báo, trong đó có chính sách sử dụng lao động người cao tuổi; nghiên cứu, phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có giải pháp tranh thủ cơ hội thị trường lao động đang mở hiện nay để đưa lao động đi nước ngoài làm việc, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và sử dụng lao động trong nước. Tiếp tục phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả việc hỗ trợ đưa người lao động của Việt Nam đang mắc kẹt ở các nước do dịch COVID theo tinh thần nhân đạo, phù hợp trong từng giai đoạn, điều kiện cụ thể của đất nước.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19: Yêu cầu các cơ sở, đơn vị của ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung thực hiện tốt nguyên tắc 5K vaccine, bảo vệ an toàn cho cán bộ, công chức, người lao động của ngành và doanh nghiệp.

Khẩn trương sơ kết, đánh giá nghiêm túc, đầy đủ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Thứ chín, coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong sạch vững mạnh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII, gắn với các quy định nêu gương của Đảng để thực hiện xây dựng Đảng. Xây dựng bộ máy tinh gọn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất, uy tín theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan và phải chọn đúng người, đúng việc, tránh tiêu cực trong công tác cán bộ. Thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành, tổ chức tổng kết sơ kết để truyền cảm hứng, hướng dẫn để chống tiêu cực, tham nhũng ở các cơ sở, các đơn vị sự nghiệp nói chung.

Thứ mười, trước mắt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy và thực hiện các nhiệm vụ mang tính đột phá sau đây:

- Thiết lập mạng lưới an sinh xã hội hiện đại, thống nhất trên nền tảng chuyển đổi số. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, bảo đảm liên thông tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

- Xây dựng, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình huy động nguồn lực để xóa nhà tạm cho người nghèo, nhất là tại các huyện nghèo. Nội dung Chương trình phải rõ mục tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, cách làm, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, có kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.

----------------------------

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm hoạt động tụ tập đông người không đúng quy định

Các địa phương khẩn trương kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hoạt động tụ tập đông người không đúng quy định.

Nội dung trên được nêu tại Thông báo số 131/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ  đạo đối với Bắc Ninh: (i) Đồng ý chủ trương Bắc Ninh tổ chức cho người lao động ở trong doanh nghiệp vừa để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây dịch, nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm; (ii) Dịch bệnh đã bắt đầu lây lan vào cụm công nghiệp Khắc Niệm; Bắc Ninh cần thực hiện ngay các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn, không để lây sang khu vực khác.

Đối với Bắc Giang, yêu cầu tỉnh: (i) Chủ động hướng dẫn thực hiện phương án tự lấy mẫu phẩm xét nghiệm để đẩy nhanh tiến độ trong trường hợp số người được xét nghiệm tăng nhanh; (ii) Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở các huyện chưa thực hiện giãn cách xã hội, kịp thời phát hiện các ca dương tính trong cộng đồng.

Tạm dừng chuyến bay giải cứu về Thành phố Hồ Chí Minh

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh: (i) Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, chủ động quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp vượt thẩm quyền; (ii) Các Bộ, ngành, địa phương lân cận sẵn sàng tham gia, hỗ trợ Thành phố khi có yêu cầu; (iii) Tạm dừng chuyến bay giải cứu về Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 1 tuần; (iv) Giao Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Dược Hồ Chí Minh tổ chức bệnh viện ở Bà Rịa - Vũng Tàu để sẵn sàng đón người bệnh nhập cảnh đường thủy.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an tiếp tục chủ động hỗ trợ các địa phương trong việc tiếp nhận bệnh nhân (F0) nhưng không có triệu chứng nặng. Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại phác đồ  điều trị đối với các bệnh nhân (F0), hướng dẫn xử lý trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Top