Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/1

28/01/2021 19:00

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030

Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.

Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

Xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 3 chương trình thành phần: 1- Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; 2- Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì; 3- Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình gồm: Hoàn thiện thể chế; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.

Điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp tại Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (335 ha), thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

UBND tỉnh Đồng Nai cam kết việc đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư đang đầu tư trong khu công nghiệp và người dân trong khu vực; tuân thủ trình tự, thủ tục của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp trong quá trình xử lý tài sản đã đầu tư vào khu công nghiệp của Tổng công ty Sonadezi; không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan của Chính phủ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bổ sung Khu công nghiệp Phước An với diện tích 330 ha tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; bổ sung Khu công nghiệp Phước Bình 2 với diện tích 299 ha tại xã Phước Bình và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai trình Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh bổ sung khu công nghiệp Phước An và khu công nghiệp Phước Bình 2 vào chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 74/NQ-CP như đề xuất tại công văn số 6032/UBND- KTN ngày 28 tháng 5 năm 2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất.

UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của Tổng công ty Sonadezi, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang được hưởng theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp; hợp đồng thuê đất với Nhà nước và với nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch và đất đai; kịp thời xem xét xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp phát sinh các vướng mắc, khiếu kiện khi triển khai di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan và nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Dự án cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan; xác định rõ ranh giới của khu đất xây dựng khu hậu cần cảng Phước An còn lại và khu cảng Phước An để tiếp tục thực hiện Dự án theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trong đó cần lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan của Chính phủ.

Quản lý, sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Các dự án chỉ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, đất đai, nhà ở, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Xử lý thông tin báo nêu về hàng giả, hàng nhái dịp Tết Nguyên đán

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý thông tin báo nêu liên quan đến hàng giả, hàng nhái trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo báo chí phản ánh, lợi dụng dịp trước và sau Tết Nguyên đán, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả tung ra thị trường các sản phẩm giả, nhái tràn lan nhằm kiếm lời bất chính. Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý. Đồng thời, cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật để tăng mức xử lý vi phạm, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự theo quy định.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo quy định.

Kéo dài thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc kéo dài thời gian thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 và Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 và Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/12/2023.

Trong đó, nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021; nhiệm vụ của các bộ, cơ quan trung ương phải hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 31/12/2023.

Kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm. Ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ mới phát sinh theo khả năng cân đối ngân sách.

Theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012, mục tiêu của Dự án là xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và giữa các xã, phường, thị trấn trên đất liền và trên biển. Đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, xây dựng Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, vùng lãnh thổ, từng địa phương./.

Top