Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/11

27/11/2019 19:43

Xây dựng Hải Phòng thành thành phố công nghiệp hiện đại thông minh
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết, tạo sự chuyển biết rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân thành phố Hải Phòng về tầm quan trọng của việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng với tốc độ nhanh, bền vững, trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại thông minh, bền vững khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
10 giải pháp trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND thành phố Hải Phòng cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1- Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực Nghị quyết;
2- Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách;
3- Tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm;
4- Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn;
5- Xây dựng, phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
6- Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước;
7- Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
8- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng bảo đảm sự phát triển bền vững;
9- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
10- Tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng
Để phát triển mạnh các thành phần kinh tế nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả trong mọi lĩnh vực; đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt trong ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế như chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, du lịch, thương mại, dịch vụ Logistics, ngân hàng...
Đồng thời, hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ biển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học lớn của vùng Bắc Bộ; hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững kinh tế biển, khai thác hiệu quả tài nguyên biển, ứng dụng công nghệ mới để phát triển các ngành kinh tế biển là lợi thế của thành phố Hải Phòng, gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng, hình thành các khu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao phù hợp với thành phố Hải Phòng.

--------------------

Sửa đổi Đề cương, Kế hoạch biên soạn, xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Đề cương và Kế hoạch biên soạn, xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam.
Theo Kế hoạch biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam mới được ban hành, trong tháng 12/2019, Bộ Nội vụ và các cơ quan biên soạn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tìm kiếm tư liệu, xây dựng danh mục tài liệu phục vụ cho việc bổ sung tư liệu, hiệu đính các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam.
Cũng trong tháng 12/2019, Ban Chỉ đạo sẽ phê duyệt đề cương bổ sung tư liệu, hiệu đính, biên soạn bổ sung các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) và  đề cương biên soạn bổ sung biên niên lịch sử Chính phủ và Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5 năm 2005 đến 2015.
Từ tháng 1 đến tháng 6/2020, Bộ Nội vụ và các cơ quan biên soạn sẽ tổ chức việc bổ sung tư liệu, hiệu đính, biên soạn bổ sung các sản phẩm của công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2005) và đến tháng 12/2020, Ban Chỉ đạo sẽ nghiệm thu và cho phép tái bản các sản phẩm công trình Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005).
Từ tháng 1/2020 đến tháng10/2021, Bộ Nội vụ và các cơ quan biên soạn sẽ tổ chức việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015. Đến tháng 11/2021, Ban Chỉ đạo sẽ nghiệm thu và cho phép xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5 năm 2005 đến 2015.
Từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021, cơ quan biên soạn sẽ tổ chức việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (tóm lược) và đến tháng 12/2021, Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng kết quá trình tổ chức biên soạn bổ sung và xuất bản công trình lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).
 --------------------

Rà soát, xác định rõ đối tượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao".
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, nghiên cứu để xác định rõ phạm vi, đối tượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng, ban hành Khung trình độ quốc gia trong giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo sự liên thông, đồng bộ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu này tại các địa phương; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để  đảm bảo chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ và phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Top