Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2/2020

26/02/2020 20:39

Bổ sung quy định điều kiện công bố hết dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra) tại Phục lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016.

Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).

Phòng, chống dịch Covid-19: Tuyệt đối không lơ là, chủ quan

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Thông báo nêu rõ, thời gian qua công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ với các giải pháp phù hợp, đồng bộ cùng với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động, kịp thời, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 được nhân dân cả nước tin tưởng và quốc tế ghi nhận.

Ngay từ đầu, với việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác giám sát y tế, cách ly y tế, điều trị và khoang vùng dập dịch theo nguyên tắc 4 tại chỗ đã đem lại hiệu quả, đến nay cả nước ghi nhận 16 trường hợp nhiễm bệnh, qua điều trị tất cả đều đã bình phục, không lây nhiễm sang nhân viên y tế và không để xảy ra lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế; từ ngày 13/2/2020 không ghi nhận ca nhiễm mới. Khoa học công nghệ được áp dụng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt có những giải pháp hiệu quả cách ly đối tượng dễ lây nhiễm cộng đồng. Hai trong số ba tỉnh được công bố có dịch (Thanh Hóa, Khánh Hòa) đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Công tác bảo hộ công dân được quan tâm chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Ban chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước; chúc mừng đội ngũ y bác sỹ, nhân viên ngành y tế về kết quả tích cực đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ, cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu tối đa các tác hại do dịch bệnh gây ra; thực hiện việc cách ly y tế theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh tại các cửa khẩu, biên giới, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp đưa tin thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân; Ban chỉ đạo quốc gia duy trì họp 2 ngày/lần và định kỳ 2 lần/tuần báo cáo thường trực Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn nhân dân yên tâm, tin tưởng, ủng hộ và hợp tác với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh; các cấp, các ngành, địa phương phải coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần "chống dịch như chống giặc", không run sợ, không quá lo lắng, nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Tuy vậy một số ít ngành, địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác giám sát dịch bệnh, cách ly y tế để xảy ra hậu quả không đáng có.

Trên thế giới, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới rất phức tạp, khó lường, nhất là trong mấy ngày qua tại Hàn Quốc, I-ta-li-a, I-ran, Nhật Bản và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của nước ta.

Bên cạnh việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được giao; có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tăng cường xuất khẩu chính ngạch (nhất là đường bộ, đường biển), đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng (như gỗ, rau quả, thủy sản...); khai thác tốt thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước, có giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 14/2/2020.

Xử lý, tháo gỡ khó khăn trước tình hình kinh tế mới

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Tổ Tư vấn kinh tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nghiên cứu về mô hình tăng trưởng mới, dựa trên đổi mới, sáng tạo; tư vấn về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cả về lượng và chất trong năm 2019; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn và doanh nghiệp nước ngoài trong xung đột thương mại Mỹ - Trung; về các định hướng cần đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Để Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp chặt chẽ với Tổ tư vấn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ Tư vấn và các thành viên tập trung thực hiện theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, những điều chỉnh chính sách trước tình hình mới. Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ Tư vấn đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến quan hệ thương mại Mỹ - Trung và những điều chỉnh về chính sách của các nước lớn ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tư vấn với Thủ tướng Chính phủ những thông điệp chính sách, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đồng thời, Tổ Tư vấn chủ động nghiên cứu và phát huy vai trò đầu mối huy động các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu, tham gia ý kiến xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Chủ động nghiên cứu, tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành chương trình xây dựng pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định đang là rào cản, để tạo đột phá trong cải cách thể chế; kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm can thiệp xử lý kịp thời các vướng mắc, vấn đề phát sinh.

Tổ Tư vấn và các thành viên tập trung đóng góp vào những báo cáo, bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Chính phủ thể hiện quan điểm, đường lối chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; tham dự các Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về phát triển kinh tế - xã hội và khi được yêu cầu; giúp Thủ tướng Chính phủ làm tốt công tác thông tin, truyền thông chính sách, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; không nói trái với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; lắng nghe ý kiến nhiều chiều; thảo luận, phản biện chính sách giữa Tổ tư vấn kinh tế với Thủ tướng Chính phủ và giữa các thành viên Tổ tư vấn kinh tế. Triển khai hiệu quả chương trình hoạt động năm 2020 do Tổ tư vấn đề ra. Thủ tướng Chính phủ sẽ thu xếp dành thời gian ít nhất hai lần trong một năm để làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ giao đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng và các đồng chí Bùi Quang Vinh, Trần Du Lịch và Trần Hoàng Ngân sớm chuẩn bị và có báo cáo về các giải pháp khơi thông các điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối phát triển Thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ Tư vấn và các thành viên chủ động nghiên cứu; đổi mới cách làm việc và đi vào chiều sâu cho hiệu quả; đẩy mạnh nâng cao chất lượng tư vấn; bảo đảm tính thực tiễn, thiết thực, khách quan, độc lập, thẳng thắn, vì lợi ích chung của đất nước; tăng cường trao đổi, thảo luận giữa các thành viên, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của từng thành viên; có khả năng quy tụ, thu hút, huy động tối đa chất xám của các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học./.

 

Top