Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2020

25/03/2020 21:25

Chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Để ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã có 22 Quyết định công nhận 217 xã là xã ATK cách mạng và 5 vùng là vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dự kiến trong thời gian tới, cả nước có gần 420 xã ATK sẽ được công nhận là xã ATK cách mạng. 

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội các xã ATK nói riêng và của vùng ATK nói chung trong cả nước đã có nhiều bước phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân dần được cải thiện về vật chất, tinh thần làm cho nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong số 217 xã được công nhận là xã ATK cách mạng đã có hơn 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới tập trung ở các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Ninh Bình, Hòa Bình, Bến Tre…, tuy nhiên đa số các xã ATK, vùng ATK trong cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn, quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và các địa phương còn gặp nhiều hạn chế, bất cập như có nhiều nhóm chính sách trong các giai đoạn khác nhau; nhiều xã mới được công nhận chưa được hưởng chính sách của Nhà nước.

Để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và thực thi đồng bộ các chính sách nhằm tri ân và nâng mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sinh sống trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và của từng địa phương; bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu ATK cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện mục tiêu hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 2020 các chính sách: Tiếp tục thực hiện chính sách chương trình 135 cho tất cả các xã ATK cách mạng (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã được công nhận ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135); hoàn thành việc xây dựng và áp dụng từ năm 2021 các chính sách: (i) Chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã ATK; (ii) Chính sách hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân trong các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định hiện hành). Thời gian thực hiện từ năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương nghiên cứu bổ sung chính sách mới: xây dựng chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định hiện hành), chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng các xã ATK, vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã ATK cách mạng. Tiếp tục thực hiện chính sách Chương trình 135 cho tất cả các xã ATK cách mạng (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã được công nhận ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135). Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành liên quan đến đối tượng thụ hưởng là xã ATK, vùng ATK cách mạng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục xem xét, công nhận các xã ATK, vùng ATK cách mạng nhằm kịp thời ghi nhận công lao của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng. Triển khai đồng bộ các chính sách mới, hoàn thiện các chính sách đang triển khai phù hợp với điều kiện hiện nay theo hướng ưu tiên cho các xã ATK cách mạng là địa bàn có điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội, đồng thời có công với cách mạng.

Tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các xã ATK

Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, các dự án có tính lan tỏa, các dự án ở vùng trung tâm ATK; bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng như hang động, hầm hào, công sự, trạm kỹ thuật, xưởng công binh; phục dựng các di tích lịch sử của quân đội nhân dân, các bộ ngành Trung ương tại các căn cứ ATK cách mạng nhằm thu hút phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng.

Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để nhân dân và các nhà đầu tư tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư, các nguồn lực xã hội hóa cho các xã ATK cách mạng nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng ATK cách mạng. 

Kịp thời bổ sung danh sách các xã ATK đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận khi phân bổ ngân sách theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các địa phương có xã ATK cách mạng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì việc theo dõi, đánh giá chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, kịp thời bổ sung danh sách các xã ATK mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận khi phân bổ ngân sách theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các địa phương có xã ATK, vùng ATK cách mạng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc kịp thời bổ sung vốn sự nghiệp theo các chính sách mà đối tượng là xã ATK cách mạng được hưởng cho các địa phương có các xã ATK cách mạng. Phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho nhân dân các xã ATK cách mạng.

Bố trí nguồn lực xây dựng các công trình vùng ATK

UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương cách mạng của các xã ATK, vùng ATK cách mạng. Quan tâm bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình, dự án tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, du lịch nhất là du lịch về cội nguồn; phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã ATK cách mạng.

Chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng. Tạo điều kiện thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng. Xây dựng quy chế quản lý, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử sau khi được công nhận xã ATK, vùng ATK cách mạng.

Các Bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và địa phương quan tâm chăm lo đến chính sách hỗ trợ cho các xã ATK, vùng ATK cách mạng; quan tâm kêu gọi đầu tư, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã ATK, vùng ATK cách mạng; phối hợp với các địa phương trùng tu các di tích lịch sử cách mạng nơi các bộ, ngành, cơ quan đã từng hoạt động trên địa bàn xã ATK, vùng ATK cách mạng; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về đất nước con người Việt Nam nói chung, trong đó có các chiến khu ATK cách mạng nói riêng để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến truyền thống hào hùng của chiến khu ATK cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, trước ngày 28/3/2020.

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới; đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.

Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.

Đối với hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

- Không có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí, tập trung, tuyến giao thông đường thuỷ, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;

- Không có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển khi hoạt động trên biển.

Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không có biện pháp bảo đảm an toàn để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại.

Phạt tiền từ 200-220 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

- Bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.

- Không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền khi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.

Nghị định nêu rõ, các mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.

Quy định mới về xác định thị trường liên quan và thị phần

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.

Xác định thị trường liên quan

Về xác định thị trường liên quan, Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như: đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; thành phần của hàng hóa, dịch vụ; tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; khả năng hấp thu của người sử dụng; tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. Trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5%, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả căn cứ thêm vào một số yếu tố hoặc thực hiện theo phương pháp quy định.

Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Ranh giới của khu vực địa lý quy định trên được xác định căn cứ theo yếu tố: a) Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hoá, dịch vụ liên quan; b) Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hoá, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó; c) Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; d) Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; đ) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; e) Tập quán tiêu dùng; g) Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ.

Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây: a) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%; b) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.

Xác định thị phần

Nghị định nêu rõ, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh.

Trong quá trình xác định thị phần, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.

Nghị định cũng quy định cụ thể về xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết. Theo đó, doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết được xác định như sau: a- Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ để xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết được tính bằng tổng doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với loại hàng hóa, dịch vụ đó của tất cả doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết; b - Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết không bao gồm doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào từ việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết.

Thị phần của doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp liên kết là thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết đó.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020.

65 dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020.

Theo đó, có 65 dịch vụ công được ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020 gồm: Nhóm dịch vụ công liên quan đến một số chỉ số môi trường kinh doanh (nhóm về chỉ số khởi sự kinh doanh và nhóm chỉ số tiếp cận điện năng); nhóm dịch vụ công thiết yếu, số lượng đối tượng thực hiện cao.

Trong đó, nhóm về chỉ số khởi sự kinh doanh có 6 dịch vụ công: Đăng ký thành lập doanh nghiệp; thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu đối với doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh); khai lệ phí môn bài (thời gian hoàn thành Quý I/2020); kê khai thuế doanh nghiệp (Quý II/2020); liên thông Đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội; liên thông thủ tục báo tăng, giảm lao động (của ngành bảo hiểm xã hội) và khai trình lao động, báo cáo 6 tháng, 1 năm tình hình thay đổi về lao động (của ngành lao động, thương binh và xã hội) (Quý III/2020).

Nhóm về chỉ số tiếp cận điện năng có 2 dịch vụ công: Thực hiện liên thông, đồng thời Chấp thuận xây dựng công trình và Cấp phép thi công xây dựng công trình điện lực có điện áp từ 35 KV trở xuống trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Quý II/2020); liên thông các thủ tục cấp điện qua lưới điện hạ áp, trung áp (gồm: Tiếp nhận yêu cầu; thỏa thuận vị trí cột/trạm điện, hành lang lưới điện và Cấp phép thi công xây dựng công trình điện trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,...) (Quý III/2020).

Nhóm dịch vụ công thiết yếu, số lượng đối tượng thực hiện cao có 57 dịch vụ công gồm: Thu tiền nộp phạt vi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Quý I/2020 thí điểm tại TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Bình Thuận; tháng 6/2020 triển khai toàn quốc); kê khai và nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy (Quý I/2020 thí điểm tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tháng 6/2020, triển khai toàn quốc); đăng ký khai sinh (Quý I/2020); cấp mới giấy phép lái xe (Quý II/2020);...

Ngoài những dịch vụ công phê duyệt tại Quyết định này, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt danh mục, lộ trình dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020 bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ; xử lý theo thẩm quyền cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc chậm trễ, không đạt mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Kế hoạch hoạt động của UBQG về Chính phủ điện tử năm 2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vừa ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban này năm 2020.

Theo đó, về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Quý I/2020, các thành viên Ủy ban hoàn thành cho ý kiến về Đề án Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương và Danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử; Quý II/2020, hoàn thành cho ý kiến về dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quý III/2020, hoàn thành cho ý kiến về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Về xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử và các hệ thống thông tin đổi mới phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, năm 2020, các thành viên Ủy ban hoàn thành cho ý kiến về việc: triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; nâng cấp Cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông phục vụ hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Quý III/2020, hoàn thành cho ý kiến về việc xây dựng Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2020, hoàn thành cho ý kiến về việc: xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án đầu tư; tiếp tục triển khai, hoàn thiện các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đầu tư công, giám sát đánh giá đầu tư; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; triển khai Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia.

Về chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ quá hạn theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ (Nghị quyết số 17/NQ-CP), Quý II/2020, các thành viên Ủy ban hoàn thành cho ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc sử dụng các thiết bị, máy móc đối với các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử để bảo đảm an toàn thông tin mạng; Quý III/2020, hoàn thành cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; năm 2020, hoàn thành cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, kế hoạch cũng phân công cơ quan thực hiện, thời gian hoàn thành kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP tại một số bộ, địa phương.

Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, hàng giả

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quy chế này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; các bộ, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thuộc các đơn vị.

Theo quy chế, tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hình thức điện thoại, thư điện tử (email), văn bản, trực tiếp. Người tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thuộc các đơn vị quy định được giao nhiệm vụ tiếp nhận, đề xuất xử lý các tin báo đã tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải được tiếp nhận kịp thời, đầy đủ, chính xác, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ tiếp nhận, xử lý tin báo được quy định do các các tổ chức, cá nhân phản ánh qua các hình thức điện thoại, thư điện tử (email), văn bản, trực tiếp. Số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Giữ bí mật các thông tin riêng của tổ chức, cá nhân báo tin và nội dung tin báo.

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập và công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của mình trên các phương tiện thông tin truyền thông, trên cơ sở số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử đã có, hoặc lập đường dây nóng, thư điện tử mới để tiếp nhận tin báo; tổ chức nhận tin báo bằng văn bản và phản ánh trực tiếp của tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, đơn vị, người tiếp nhận, xử lý tin báo phải mở sổ theo dõi việc tiếp nhận tin báo.

Khi người tiếp nhận, xử lý tin báo vắng mặt hoặc thay đổi công tác phải báo cáo và bàn giao lại các trang thiết bị, tài liệu, sổ theo dõi theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Việc bàn giao phải được ghi nhận bằng văn bản.

Người tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có trách nhiệm tiếp nhận kịp thời, đầy đủ, chính xác nội dung tin báo. Đối với tin báo không thuộc lĩnh vực, người tiếp nhận tin báo có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn người báo tin liên hệ với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Người tiếp nhận tin báo có quyền từ chối, không xử lý những tin báo có tính chất hoang báo; sử dụng tiếng nước ngoài, dùng từ ngữ thô tục, nội dung bôi nhọ, xúc phạm người khác; quấy rối điện thoại.

Sau khi tiếp nhận nội dung tin báo thì lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách căn cứ vào nội dung, độ tin cậy của tin báo để cử cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ của cơ quan, đơn vị mình tiến hành xác minh, kiểm tra, thẩm định nội dung tin báo hoặc xét thấy không thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Thủ tướng gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế

Hôm nay (25/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Trong thư nêu rõ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, ngăn ngừa được dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào và đang thực hiện việc kiểm soát lây lan trong cộng đồng. Thành tích này có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ chiến sĩ áo trắng, những người luôn tiên phong, xông pha trên mọi mặt trận phòng chống dịch.

Hình ảnh cán bộ y tế cùng các cán bộ, chiến sỹ ở địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện sớm các nguy cơ lây lan dịch bệnh, những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về vi rút... đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc, được nhân dân cả nước khen ngợi. Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các đồng chí không những đã phát huy truyền thống, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh rất đáng tự hào của ngành y tế mà còn góp phần quan trọng tạo dựng niềm tin, sự an tâm, tiếp thêm động lực để cả nước đồng sức, chung lòng phòng chống dịch thành công.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cống hiến, tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả gian nan, hiểm nguy của những chiến sĩ áo trắng trên mọi miền Tổ quốc, các anh các chị xứng đáng là lực lượng tinh nhuệ tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài, Việt Nam đang trong giai đoạn cần tập trung cao độ để phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. Thủ tướng kêu gọi toàn thể thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc phải quyết tâm cao hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa cùng với các lực lượng và nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh trên đất nước ta.

Thủ tướng kêu gọi và đề nghị đồng bào, đồng chí trong cả nước tiếp tục động viên, chia sẻ, chung tay ủng hộ những người chiến sĩ áo trắng yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với COVID-19 đầy cam go và nguy hiểm.

Thủ tướng chúc các Thầy thuốc của nhân dân sức khỏe, luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân cả nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Tại Quyết định 418/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Cao Huy, Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Văn phòng Chính phủ, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ./.

Top