Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/1/2021

25/01/2021 19:55

Vi phạm quy định về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, Nghị định quy định các vi phạm về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.

Cụ thể, đối với vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, Nghị định nêu rõ:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.

Vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh có thể bị phạt 100 triệu đồng

Theo Nghị định, phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh theo các mức phạt sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học;

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

Nghị định cũng quy định, phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh theo các mức phạt sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 05 người học;

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 05 người học đến dưới 10 người học;

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học trở lên.

Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động tuyển sinh và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại cho người học số tiền đã thu…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2021.

Nghiên cứu thông tin về tình trạng khan hiếm nước gia tăng

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ liên quan nghiên cứu thông tin báo nêu về tình trạng khan hiếm nước gia tăng để có giải pháp đối với nước ta.

Vừa qua, báo Nhịp cầu đầu tư có phản ánh: Theo nghiên cứu, tình trạng khan hiếm nước sẽ gia tăng tại 74-86% các khu vực tại châu Á và khoảng 40% dân số châu lục này sẽ thiếu nước nghiêm trọng vào năm 2050. Số hóa ngành nước là xu hướng bắt buộc trong tăng cường hiệu quả hoạt động cung cấp nước và xử lý sự cố có thể xảy ra.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao nghiên cứu về nguy cơ và giải pháp đối với nước ta để chủ động cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường.

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN tại Lạng Sơn

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Đồng Bành 159,76 ha (từ 321,76 ha xuống 162 ha). Vị trí tại các xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Bổ sung khu công nghiệp Hữu Lũng với quy mô diện tích 599,76 ha tại các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 tại Quyết định số 1107/QĐ- TTg ngày 21 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

UBND tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm về tính chính xác về quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn theo quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang đầu tư trong khu công nghiệp Hồng Phong theo quy định của pháp luật.

Phân kỳ thực hiện quy hoạch khu công nghiệp theo các giai đoạn trên cơ sở đảm bảo: phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tính đồng bộ với đầu tư kết nối hạ tầng, hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế văn hóa, xã hội, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp), bảo vệ môi trường; tránh tình trạng để đất hoang hóa, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân trong khu vực bị thu hồi đất, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng khu công nghiệp theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.

UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng tập trung xây dựng các công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất.

Chỉ đạo việc cập nhật, bổ sung định hướng phát triển khu công nghiệp trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn theo quy định của Luật Quy hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm theo quy định của pháp luật; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn…

Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Tổng diện tích quy hoạch là 433,2 ha, được xác định trong Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong đó, về quy hoạch các không gian bảo tồn, tôn tạo di tích, khu vực bảo tồn "Trung tâm tôn giáo Óc Eo" (thuộc Khu IA), có tổng diện tích là 9,58 ha, trong đó, xây dựng tuyến đường vành đai bao quanh toàn bộ khu vực. Di dời trường tiểu học Óc Eo A và Nhà văn hóa ấp Trung Sơn sang khu đất nông nghiệp, nằm tiếp giáp khu vực gò Sáu Thuận về phía Tây Bắc. Giải tỏa các hộ dân có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích.

Đối với cụm di tích Linh Sơn - gò Sáu Thuận, mở rộng phạm vi khai quật khảo cổ từ gò Sáu Thuận đến chùa Linh Sơn; xây dựng hệ thống mái che bảo vệ các điểm di tích, theo đặc trưng kiến trúc vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng cổng chính phía trước gò Sáu Thuận; trồng cây xanh tôn tạo cảnh quan xung quanh.

Khu vực bảo tồn "Trung tâm đô thị cổ Óc Eo" (thuộc Khu IB), có tổng diện tích là 39,52 ha: Xây dựng tuyến đường vành đai bao quanh toàn bộ khu vực. Giải tỏa một số hộ dân có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích; đối với cụm di tích Lung Lớn - gò Cây Thị - gò Óc Eo - gò Giồng Trôm - gò Giồng Cát, mở rộng phạm vi khai quật khảo cổ khu vực; phục hồi di tích Lung Lớn (đoạn từ gò Óc Eo đến cụm gò Giồng Cát, gò Đế, Giồng Trôm, với chiều dài khoảng 1km); xây dựng mái che bảo vệ di tích gò Óc Eo, gò Giồng Trôm, gò Giồng Cát, theo đặc trưng kiến trúc vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hệ thống đường nội khu di tích; trồng cây xanh tôn tạo cảnh quan xung quanh.

Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, quyết định nêu rõ, các sản phẩm du lịch chủ yếu như du lịch trải nghiệm: Tham quan, tìm hiểu văn hóa Óc Eo bằng công nghệ 3D thực tế ảo; trải nghiệm đời sống sông nước của cộng đồng dân cư bản địa (tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử, ẩm thực, cây kiểng Nam Bộ...); trải nghiệm nghiên cứu khảo cổ học gắn với hoạt động điều tra, thăm dò và thực hành khai quật khảo cổ.

Về du lịch sinh thái, khai thác tuyến kênh Ba Thê mới, kênh vành đai núi Ba Thê và kênh Thổ Mô để hình thành tuyến du lịch đường thủy. Liên kết di tích Óc Eo - Ba Thê với các điểm du lịch quan trọng của vùng Tứ giác Long Xuyên để du khách trải nghiệm, khám phá cảnh quan vùng quê sông nước vào mùa nước nổi. Khám phá cảnh quan thiên nhiên gắn với núi Ba Thê.

Các sản phẩm du lịch được hỗ trợ thông qua hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích Óc Eo.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nhiệm vụ lập Quy hoạch).

Theo đó, nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, tính dự báo, tiết kiệm, tính khách quan, công khai, minh bạch, khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, xây dựng các phương án, định hướng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia; xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước.

Yêu cầu về nội dung chính của quy hoạch gồm: Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050; mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực: y tế, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo;...

Nội dung khác của nhiệm vụ lập Quy hoạch là xây dựng 5 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: 1- Hợp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lập; 2- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức lập; 3- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập; 4- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập; 5- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức lập.

Nội dung chính của các hợp phần quy hoạch bao gồm: Quan điểm, mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung, mục tiêu cụ thể; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; danh mục chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên; giải pháp, nguồn lực thực hiện;...

Nhiệm vụ lập Quy hoạch cũng yêu cầu về rà soát, đánh giá quy hoạch thời kỳ trước: Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch;  phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; tổng hợp đánh giá hiện trạng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; yêu cầu về dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển và nguồn nhân lực trong thời kỳ quy hoạch.

Cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 343 liệt sĩ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 343 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái và các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh.

Trong đó, cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho: 4 liệt sĩ thuộc Bộ Công an; 1 liệt sĩ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 5 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng; 3 liệt sĩ thuộc tỉnh Cao Bằng; 4 liệt sĩ thuộc tỉnh Hà Nam; 54 liệt sĩ thuộc thành phố Hải Phòng; 30 liệt sĩ thuộc thành phố Hồ Chí Minh; 142 liệt sĩ thuộc tỉnh Sóc Trăng;...

Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Cụ thể, về cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về các cơ chế, chính sách đặc thù trong phí tham quan di tích; thống nhất với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về cơ sở pháp lý, mô hình, tổ chức hoạt động và cơ chế quản lý Quỹ bảo tồn di sản Huế; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trước ngày 5/2/2021.

Về cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Tư pháp, giải trình rõ cơ sở pháp lý thực hiện xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định trình Chính phủ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trước ngày 5/2/2021.

Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ tại Tờ trình số 8921/TTr-BKHĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 8921/TTr-BKHĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 410/TB-VPCP ngày 29/12/2020, số 10501/VPCP-KGVX ngày 15/12/2020 và Quyết định số 1955/QĐ-TTg ngày 21/11/2009.

Về việc áp dụng đặc thù đối với tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DA Cảng hàng không Sa Pa

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Theo đó, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai (Dự án) được thành lập gồm các thành viên sau: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên gồm: Lãnh đạo các Bộ: Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Nhiệm vụ, quyền hạn

Hội đồng thẩm định liên ngành có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: Tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu phục vụ nhiệm vụ thẩm định.

Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền).

Kết luận thông qua các nội dung thẩm định phải được tối thiểu 50% số thành viên Hội đồng biểu quyết thông qua (bao gồm cả số thành viên có mặt tại phiên họp và số thành viên biểu quyết bằng văn bản). Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng biểu quyết, nội dung thẩm định được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận cuối cùng thông qua báo cáo thẩm định phải được tối thiểu 2/3 số thành viên Hội đồng biểu quyết (bao gồm cả số thành viên có mặt tại phiên họp và số thành viên biểu quyết bằng văn bản).

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định liên ngành có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 29/1/2021.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản Chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 111/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ các điểm di tích (Chùa Tứ Ân, chùa Cao, am Tam Đức, vườn Tháp, ao Miếu, khuôn viên cảnh quan di tích) thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà (Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) và toàn bộ các thôn Hạ Lát và Thượng Lát liền kề bao quanh khu di tích (khu vực chịu ảnh hưởng và có tác động trực tiếp và gián tiếp đến di tích).

Quy mô lập quy hoạch có diện tích 127,15 ha, bao gồm: Diện tích Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà (theo Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), có tổng diện tích là 29,6 ha.

Diện tích nghiên cứu, đề xuất đất quy hoạch (bổ sung vào khu vực bảo vệ II) mở rộng về các phía, nằm kề di tích, có diện tích là 97,55 ha; bao gồm: toàn bộ diện tích núi Phượng Hoàng, núi chùa Khám, đồi Bộ Không, đất ruộng nương khai hoang xen kẹt nằm phía trước di tích và một phần khu dân cư thôn Thượng Lát nằm ở phía Đông của di tích.

Quyết định nêu rõ, đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà và các điểm di tích liên quan; không gian kiến trúc cảnh quan, môi trường xung quanh di tích; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, mộc bản, di sản tư liệu, lễ hội gắn với di tích; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; các yếu tố về đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư; các thể chế, chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất đai, công tác quản lý, bảo tồn và đầu tư xây dựng tại khu vực xung quanh di tích.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà - Chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tham quan, nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Đồng thời phát huy giá trị quần thể khu di tích Chùa Bổ Đà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và vùng phụ cận, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.

Tiếp tục thoái vốn nhà nước tại DN theo Quyết định 908/QĐ-TTg

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2021 – 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2021 – 2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020: DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 DN.

Ngoài ra, có 4 DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tcty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng Hà Nội – Cty CP (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng số 1 – Cty CP (Bộ Xây dựng); Tcty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).

Quyết định số 908/QĐ-TTg cũng nêu rõ, có 18 DN thuộc Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể…

Xử lý thông tin báo nêu về mỏ sắt Suối Thâu

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra cụ thể thông tin Báo Vietnamnet điện tử nêu về mỏ sắt Suối Thâu.

Báo điện tử Vietnamnet ngày 29/12/2020 có phản ánh thông tin về mỏ sắt Suối Thâu: Điều đáng nói, mỏ sắt này đã được UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định đóng cửa, dừng khai thác từ năm 2018 do chủ mỏ chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để khai thác khoáng sản, đến nay đã hết thời hạn hiệu lực của giấy phép, nhưng hiện tại, các hoạt động khai khoáng vẫn đang diễn ra công khai.

Về thông tin Vietnamnet phản ánh nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra cụ thể, nếu đúng sự thật thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ./.

Top