Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2020

25/11/2020 18:38

Hỗ trợ 670 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả bão, lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 tại miền Trung và Tây Nguyên.

Cụ thể, tạm cấp bổ sung 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 09 địa phương (Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 50 tỷ đồng, Quảng Trị 70 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Quảng Nam 130 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng, Kon Tum 50 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả do bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 gây ra theo thứ tự ưu tiên như sau:

Thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà ở bị hư hỏng), di dân khẩn cấp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.

Khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất: y tế, trường học, công trình cung cấp nước sạch, thủy lợi, đê điều.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ, định mức quy định.

Kiểm tra, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai; kết quả chi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ quy định; báo cáo nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương.

Tổng hợp, gửi đề xuất nhu cầu hỗ trợ bằng hiện vật về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất khử trùng), Bộ Y tế (thuốc, hóa chất lọc nước) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.

Trường hợp cần hỗ trợ bổ sung gạo cứu đói cho người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, gửi đề xuất nhu cầu để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, các địa phương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban nhân dân các tỉnh được tạm cấp kinh phí chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”.

Mục tiêu đến năm 2025 là 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

100% tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo hiểm xã hội, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, tài chính nhà nước khác xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ.

Trên 80% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cần thiết để tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng; 50% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khả năng đọc tin, tư duy phê phán, phản biện về các thông tin sai lệch trên mạng nhằm tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực trên không gian mạng;...

6 nhiệm vụ và giải pháp

Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: 1- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại các cơ sở giáo dục; 2- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; 3- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở; 4- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các phương thức khác; 5- Xây dựng nội dung tuyên truyền về bảo đảm an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng người cao tuổi và thanh thiếu niên; 6- Định hướng nội dung, hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án.

Trong đó, cần rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu, hướng dẫn giáo dục về an toàn thông tin lồng ghép vào môn tin học, hoạt động ngoại khóa phù hợp với lớp học, cấp học (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông), bảo đảm:

- Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh tương tác an toàn trên không gian mạng, phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin;

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn học sinh khả năng tự đọc tin, phân biệt được nội dung an toàn có thể tiếp cận và loại bỏ những nội dung, thông tin sai lệch, thông tin vi phạm pháp luật.

Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng dưới các hình thức trực quan, dễ hiểu, sinh động theo lứa tuổi.

Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các cuộc thi thiết kế áp phích (poster), thiết kế mô hình, các video đa phương tiện, mã hóa an toàn và xâm nhập ứng dụng web cho các đối tượng từ trung học cơ sở tới đại học; thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cơ hội việc làm, tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng tại các cơ sở giáo dục.

Cũng theo Đề án, sẽ thiết lập và phát triển các trang (tài khoản/kênh) trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin; lan truyền những kiến thức, hành động, thông tin tích cực, định hướng thông tin cho người dùng, tránh ảnh hưởng của thông tin vi phạm pháp luật; kết nối đa kênh, đa nền tảng.

Sản xuất nội dung tin bài, ảnh, video, clip tạo xu thế,… để đăng, phát trên các trang mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau và trên phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức chương trình trò chơi trên truyền hình (gameshow), cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin trên các kênh truyền hình, trong đó lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin...

Công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký các quyết định công nhận huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;  huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Long Điền, huyện Tư Nghĩa tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.

 

Top