Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/9

24/09/2021 19:03

Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban). Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.

Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ  đạo lĩnh vực thông tin và truyền thông (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các Ủy viên Ủy ban gồm Bộ trưởng các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục và  Đào tạo, Y tế, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ủy ban có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự  án liên quan đến chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ  điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và  đô thị thông minh; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự  án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều phối chung việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; theo dõi, điều phối thực hiện các nội dung liên quan của Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề  án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; đôn đốc việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ  điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và  đô thị thông minh; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức và hoạt động của Ủy ban

Các thành viên Ủy ban làm việc theo Quy chế hoạt động của Ủy ban. Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.

Thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng và có Tổ phó gồm Thứ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Văn phòng Chính phủ, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm nhiệm vụ thường trực của Ủy ban và Tổ công tác; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác.

Tổ trưởng Tổ công tác trình Chủ tịch Ủy ban phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban, lãnh đạo Tổ công tác, Kế hoạch hoạt động và Quy chế hoạt động của Ủy ban; phê duyệt danh sách thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác.

Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

 ---------------------------

Kiện toàn Ban Chỉ đạo điều hành giá

Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1618/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo điều hành giá. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Phó Trưởng ban là  ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thành viên Ban Chỉ  đạo gồm: Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Các thành viên Ban Chỉ  đạo điều hành giá có tên trên thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ  đạo điều hành giá và Quyết định số 60/QĐ-BCĐĐHG ngày 15/9/2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Bộ Tài chính, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá có trách nhiệm tổ chức đôn đốc triển khai và kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo theo phân công của Trưởng ban; các kết luận của Ban Chỉ đạo về công tác điều hành giá trong từng thời kỳ và tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ đạo tại các phiên họp. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban Chỉ  đạo điều hành giá thực hiện việc kiện toàn thành viên Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 60/BCĐĐHG ngày 15/9/2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Việc bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ  đạo điều hành giá. Các hoạt động cụ thể được áp dụng mức chi đối với các nội dung công việc có tính chất tương tự đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

* Ban Chỉ đạo điều hành giá có nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ; thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; quyết định các biện pháp điều hành giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu phù hợp trong từng thời kỳ; thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Ban Chỉ đạo còn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ; xử lý một số vấn đề khác liên quan đến điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khi được Thủ tướng Chính phủ giao…

 ------------------------

Thống nhất dùng chung một ứng dụng phòng, chống dịch

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19, tại văn bản số 6837/VPCP-KGVX ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".

 ----------------------------

Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề  án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương đến năm 2030”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành công thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp công nghệ sinh học và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu cụ thể là  đến năm 2025, triển khai các nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại hóa thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cấp về quy mô, trong đó tập trung phát triển các công nghệ đạt trình độ quốc tế phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ từ các nguồn nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Qua đó, giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tối thiểu 25% so với công nghệ đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đến năm 2030, làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp sinh học ngành công thương phát triển mạnh mẽ. Hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành công thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021-2025;...

Một trong các nhiệm vụ  Đề án là phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành công thương. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cấp quy mô các công nghệ  đã hình thành trong giai đoạn đến năm 2020; chủ động triển khai nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã công nghệ mới từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến trên thế giới để làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành công thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước (các sản phẩm nông sản; thủy sản; nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, cây chè; thịt, sữa,...) tạo ra các sản phẩm vừa có giá trị gia tăng cao vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiệm vụ khác là xây dựng, phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành công thương, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực thông qua nguồn kinh phí và nội dung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án, tranh thủ hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sinh học trong chế biến; xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, dịch vụ phân tích, đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển công nghiệp sinh học.

 -----------------------------

Bảo đảm quản lý về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến doanh nghiệp

Văn bản 6739/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ về việc ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ, trong thời gian qua, các tổ chức: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam; Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội Dệt May Việt Nam; Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế đã có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

Sau khi xem xét các góp ý trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan làm việc, trao đổi với các Hiệp hội trên về các kiến nghị liên quan đến nội dung của dự thảo Nghị định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các quy định của dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế  đất nước nói chung.

 ---------------------------

Xem xét đầu tư mở rộng một số cầu trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang

Ngày 24/9/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 258/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp xem xét việc đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.

Cụ thể, về việc UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất thực hiện đầu tư Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh, căn cứ  ý kiến các bộ tại cuộc họp ủng hộ về chủ trương đối với kiến nghị đề xuất của tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục nhanh nhất nhằm bảo đảm an toàn giao thông để đầu tư các công trình trên tuyến quốc lộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang làm việc, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, đưa Dự án xây dựng mở rộng cầu Xương Giang trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang và cầu Cẩm Lý trên Quốc lộ 37 vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Hàn Quốc giai đoạn 2023-2026./.

Top