Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2020

24/07/2020 20:31

Sửa quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

Cụ thể, Nghị định số 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP: Quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển tại Nghị định này cũng áp dụng đối với việc đăng ký, xóa đăng ký tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động và việc đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB trước đây đã đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP về sổ đăng ký tàu biển quốc gia. Theo đó, sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được sử dụng để ghi lại các thông tin liên quan đến tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động đã được đăng ký hoặc xóa đăng ký theo quy định. Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được lập dưới dạng sổ ghi chép trên giấy và cơ sở dữ liệu điện tử.

Nội dung chủ yếu của Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Bộ Luật hàng hải Việt Nam.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 4 Điều 7 về giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam. Cụ thể, tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi đăng ký tại Việt Nam được thực hiện theo quy định sau:

a- Tàu khách, tàu  ngầm, tàu lặn: không quá 10 năm.

b- Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: không quá 15 năm.

c- Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.

Tàu biển xóa đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam để đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB, có thể được đăng ký lại vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam với hình thức đăng ký tàu biển không thời hạn hoặc đăng ký tàu biển loại nhỏ, nếu tuổi của phương tiện phù hợp với các quy định trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020.

Công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Thanh Miện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Gần 10 năm qua, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã đầu tư hơn 2.822 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện là 428 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 384 tỷ đồng, còn lại do nhân dân, doanh nghiệp đóng góp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,2 triệu đồng/năm. Kết quả này vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra là đến năm 2020 có từ 50% số xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 9 nghị quyết (trong đó có 1 nghị quyết chuyên đề); UBND huyện ban hành 5 kế hoạch chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện trên từng tiêu chí, lĩnh vực cụ thể. Nhiều tiêu chí khó trong xây dựng huyện nông thôn mới như: Giao thông, môi trường, y tế - văn hóa – giáo dục... đã được huyện thực hiện với chất lượng tốt. Mặc dù là huyện còn khó khăn nhưng kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của Phù Cừ rất đáng ghi nhận. Từ năm 2011 đến hết tháng 12/2019, huyện huy động được tổng nguồn lực trên 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư (làm đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng; nhà văn hóa, sân thể thao thôn,...) đạt trên 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,5%; nguồn vốn huy động từ con em xa quê cũng đạt 5,2%.

Với nguồn kinh phí huy động được, huyện sử dụng hiệu quả để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp; giữ vững an ninh trật tự, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2019 đạt 52 triệu đồng (tăng 4,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2018). Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết, khí hậu; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả (vải lai chín sớm, vải trứng, cây có múi...) và nuôi trồng thủy sản được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 toàn huyện giảm còn 2,28%. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh; hệ thống khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Kiện toàn BCĐ Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1083/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 1, Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 1/2/2019 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Ban Chỉ đạo).

Cụ thể, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với thành phần gồm: Trưởng ban Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Các Ủy viên gồm: Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ủy viên mời là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Các nội dung khác tại Quyết định số 158/QĐ-TTg không thay đổi.

Công nhận huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đạt chuẩn NTM

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Gia Viễn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, những năm qua, Huyện ủy Gia Viễn đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, về xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển; tuyên truyền sâu rộng tới các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của chương trình; trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, hiện tại 20/20 xã trên địa bàn huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau 10 năm, tổng nguồn vốn huyện đã huy động để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới là 6.206 tỷ đồng, trong đó vốn từ cộng đồng dân cư gần 2.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,5%.

Với nguồn kinh phí này, huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại nhằm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh. Huyện đã làm mới 2.358 tuyến đường với tổng chiều dài gần 197 km; kiên cố hóa 105 tuyến kênh mương (dài 94 km), xây mới và nâng cấp 16 trạm bơm; lắp đặt thêm 161 trạm biến áp, làm mới, nâng cấp 161 km đường dây điện trung - hạ thế, đảm bảo 100% số xã có hệ thống điện đạt chuẩn, 100% số hộ được sử dụng điện; đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hệ thống trường học các cấp; xây mới, cải tạo, nâng cấp 158 nhà văn hóa thôn, xóm, 20 sân thể thao và nhà văn hóa xã…

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Gia Viễn cũng quan tâm triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Để tập trung phát triển kinh tế, Gia Viễn đã chủ động đưa ra những giải pháp nhằm thu hút đầu tư. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ vậy đã góp phần giải quyết việc làm cho 3.450 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2019, mức thu nhập bình quân toàn huyện đạt 45,1 triệu đồng/người.

Song song với đó, công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng gắn với xây dựng nông thôn mới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa tiếp tục được huyện tập trung chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Gia Viễn cũng chú trọng tới chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Từ lợi thế về nguồn nước, huyện đã đẩy mạnh các mô hình nuôi cá trên ruộng trũng, nuôi trong ao đất và bán công nghiệp. Ước tính tổng sản lượng ngành thủy sản của huyện đạt trên 5.000 tấn với giá trị gần 149 tỷ đồng. Hiện tại 20/20 xã trên địa bàn huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể thấy, bằng sự vào cuộc hăng hái của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Gia Viễn đã gặt hái được những thành tựu quan trọng./.

 

 

Top