Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6/2020

22/06/2020 18:29

Dành hơn 330 tỷ đồng tặng quà cho người có công

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020).

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.

Theo đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mức quà 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:

Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 28/7/2020 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Mức quà 200.000 đồng để tặng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020) là hơn 330 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2020.

Xuất cấp hạt giống cây trồng cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 2 tỉnh: Sơn La và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do thiên tai trong năm 2019 và vụ Đông Xuân 2019-2020.

 

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 1.062,6 tấn hạt giống lúa, 48 tấn hạt giống ngô; 1,58 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 2 tỉnh: Sơn La, Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do thiên tai trong năm 2019 và vụ Đông Xuân 2019-2020.

Trong đó, tỉnh Sơn La được xuất cấp 62,6 tấn hạt giống lúa; 48 tấn hạt giống ngô; 0,08 tấn hạt giống rau; tỉnh Thừa Thiên-Huế được xuất cấp 1.000 tấn hạt giống lúa; 1,5 tấn hạt giống rau.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Thừa Thiên-Huế tiếp nhận, phân bổ và sử dụng số hạt giống cây trồng nêu trên kịp thời, đúng quy định.

Tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất và quảng cáo thực phẩm chế biến sẵn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chức năng.

 

Trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tiếp tục được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, cần sớm được chấn chỉnh, nhất là trong các hoạt động: giết mổ gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thực phẩm; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng quy định…

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực và sớm khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 14/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành tổng kết việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2020.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn và chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chức năng.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền về an toàn thực phẩm, vận động người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Đẩy mạnh xử lý các vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động làm việc với các cơ quan liên quan của Quốc hội để phối hợp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; hoàn thành và kịp báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (cuối năm 2020); làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 10/2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 10/2020.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc trong quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường xử lý các vi phạm trong việc quảng cáo thực phẩm trên các trang web, mạng xã hội theo quy định của pháp luật.

Xây dựng dự thảo Chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thu phí điện tử không dừng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2020.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hưng Yên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi phần lãnh thổ tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2, với 10/10 đơn vị hành chính: thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ).

Các nội dung chính của quy hoạch tỉnh Hưng Yên phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh (gồm các điều kiện tự nhiên, xã hội; bối cảnh bên ngoài; tổng hợp các cơ hội, thách thức).

Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị-nông thôn (gồm thực trạng phát triển kinh tế-xã hội; công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh; tổ chức không gian và phát triển hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội thách thức); quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển tỉnh (gồm quan điểm phát triển; xây dựng kịch bản và phương án phát triển; mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá).

Ngoài ra, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hưng Yên cần nêu rõ phương án phát triển các ngành quan trọng (gồm các ngành công nghiệp; xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; các lĩnh vực văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh); phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; phương án tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện lập Quy hoạch./.

Top