Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/3

22/03/2021 18:25

Quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Nghị định này quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản.

Trong đó, Nghị định quy định áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, trường hợp pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hoặc lĩnh vực khác có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc xử lý tài sản bảo đảm thì áp dụng quy định đặc thù đó. Trường hợp bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm bị tuyên bố phá sản thì việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản, xử lý khoản nợ có bảo đảm và các biện pháp bảo toàn tài sản áp dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định này mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

Trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản.

Trường hợp thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận này.

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm

Nghị định quy định, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm.

Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực  hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Nghị định cũng nêu rõ, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm:

- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;

- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;

- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;

- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

Quy định về xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng

Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2021/NĐ-CP quy định về xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức và quản lý hoạt động của Đoàn kinh tế - quốc phòng; cơ chế đầu tư, tài chính và chính sách đối với các đối tượng tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng…

Theo đó, mục tiêu xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng nhằm củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, tổ chức bố trí, sắp xếp dân cư tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong thế trận khu vực phòng thủ, hình thành các cụm, bản, làng, xã; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong Khu kinh tế - quốc phòng để từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nghị định nêu rõ nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng gồm: Xây dựng địa bàn vững mạnh về quốc phòng, an ninh; ổn định phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thế trận phòng thủ trên các địa bàn chiến lược làm cơ sở vững chắc cho nhân dân, các lực lượng khác tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới đất liền, biển, vùng biển và hải đảo.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để nhân dân ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức, bố trí sắp xếp các điểm dân cư, định canh, định cư trên địa bàn biên giới, các đảo, quần đảo xa bờ bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững và ổn định quốc phòng, an ninh.

Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và hỗ trợ phát triển sản xuất tạo yếu tố ban đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ; tổ chức dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm (dịch vụ hai đầu); chuyển giao công nghệ sản xuất cho nhân dân; tổ chức sản xuất khai thác hiệu quả đất đai đối với những địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ sở kinh tế ở những vùng biển, đảo khó khăn làm cầu nối giữa đất liền và đảo, quần đảo; tổ chức các hoạt động dịch vụ trên biển hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất để tăng cường hoạt động dân sự trên các vùng biển, đảo khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên biển.

Tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống các thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch và các hoạt động truyền đạo trái pháp luật; đưa phát thanh, truyền hình, văn hóa, y tế về cơ sở; tạo điều kiện cho con em đồng bào thiểu số được đến trường; chăm sóc y tế cho nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho địa phương; phục hồi bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Điều kiện hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm

Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Theo Nghị định số 23/2021/NĐ-CP, trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 37 của Luật Việc làm gồm: Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập; trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập; trung tâm dịch vụ việc làm do người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương quyết định thành lập.

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật Việc làm.

Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí

Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.

- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).

- Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành.

- Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.

- Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của trung tâm dịch vụ việc làm là thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí; bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu người tìm việc, việc làm trống để kết nối cung cầu lao động; thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm…

Doanh nghiệp ký quỹ 300 triệu đồng

Nghị định số 23/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ điều kiện cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Theo quy định, doanh nghiệp muốn cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm phải đáp ứng điều kiện sau:

1- Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 03 năm (36 tháng) trở lên.

2- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng.

3- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải bảo đảm điều kiện:

- Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Không thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm.

- Có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 02 năm (24 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau:

Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép.

Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt.

Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp.

Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép nêu trên.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Đảm bảo tiến độ Dự án tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các dự án thành phần, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong đó, Dự án thành phần 3 (Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện) được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần. Giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Để đạt mục tiêu trên, trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4.000 m, rộng 75 m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m.

Đầu tư dự án hạ tầng KCN Gia Lộc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Gia Lộc.

Theo đó, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Hồng Hưng, xã Toàn Thắng, xã Hoàng Diệu và thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương với quy mô sử dụng đất 197,94 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 2062,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 309,38 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hải Dương tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án phù hợp với văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm và tiến độ sử dụng đất thực hiện Dự án và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan, trong đó lưu ý thực hiện đúng quy định và điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất mặt nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành các công trình, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn phát triển của khu công nghiệp./.

Top