Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/12/2020

22/12/2020 18:09

Phê chuẩn nhân sự 10 tỉnh, thành phố

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhân sự UBND 10 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bình Định, Tiền Giang, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Thuận.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Nguyễn Ngọc Hè, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Thực Hiện, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Hồng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Nguyễn Thanh Dũng, bà Võ Thị Hồng Ánh để nghỉ hưu trước tuổi và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành; ông Đào Anh Dũng để nghỉ hưu theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hồ Quốc Dũng, để nhận nhiệm vụ mới.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định; ông Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Trần Châu, ông Phan Cao Thắng, để nghỉ hưu theo chế độ.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Mười, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Phạm Anh Tuấn để nghỉ hưu theo quy định hiện hành; ông Lê Văn Nghĩa để nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang; ông Đinh Văn Thiệu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Diên Khánh.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đắc Tài, để nghỉ công tác chờ đến tuổi nghỉ hưu và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Tân Phượng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Hữu Thành, để nghỉ hưu theo chế độ.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối bà Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình; ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Lĩnh để nghỉ hưu theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Lê Thị Kim Dung, để nhận nhiệm vụ mới.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Phước Hiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình.

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lương Văn Hải, để nghỉ hưu theo chế độ.

 

 

Đảm bảo không ảnh hưởng đến tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, nghiên cứu các kiến nghị của địa phương, chủ động có giải pháp phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác tháo gỡ “Thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam.

Ngày 8/12/2020, Báo Lao động có bài viết “Dỡ bỏ thẻ vàng cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam: Cần thêm nhân lực thực thi, giám sát chế tài”, trong đó phản ánh: Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, hầu hết các đại biểu đều nhận định: Thiếu nhân lực thực hiện, giám sát, quản lý đội tàu, đang khiến cho nhiều địa phương trong cả nước gặp khó khăn khi thực thi các điều kiện để tháo cảnh báo “thẻ vàng”; hạn chế hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không cảnh báo và không theo quy định của Việt Nam. Nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, có số tàu thuyền rất lớn nhưng nguồn nhân lực kiểm soát nghề cá tại các chi cục, nhất là tại các cảng cá rất thiếu.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, nghiên cứu các kiến nghị của địa phương, chủ động có giải pháp phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác tháo gỡ “Thẻ vàng”.

Nghiên cứu nội dung phản ánh về "sạt lở di sản trong lòng đô thị"

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung phản ánh về "sạt lở di sản trong lòng đô thị".

Trước đó, Báo Người đô thị điện tử ngày 14/12/2020 có bài viết "Sạt lở di sản trong lòng đô thị", trong đó thông tin: Hiện có tình trạng "sạt lở di sản" ngấm ngầm trong lòng đô thị, không ít những tòa nhà cổ và cảnh quan xưa - được xếp hạng hay chưa xếp hạng, bị phá bỏ hay "bốc hơi" hoặc biến dạng do con người. Để bảo vệ di sản, nội dung quản trị đô thị của chính quyền các cấp cần được bổ sung chi tiết về quản trị di sản.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý.

Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 146/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, về hạng đất tính thuế, Nghị định 146 nêu rõ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 (quy định cũ đến ngày 31/12/2020) trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31/12/2025.

Nghị định 146/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Bãi bỏ 22 văn bản QPPL do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 36/2020/QĐ-TTg bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ 22 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 11 Quyết định và 11 Chỉ thị, gồm:

1- Quyết định số 93/1999/QĐ-TTg ngày 05/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với kiểm soát viên đê điều tham gia trực tiếp xử lý sự cố khi có báo động lụt, bão.

2- Quyết định số 150/2003/QĐ-TTg ngày 22/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất  khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005 và Quyết định  số 79/2002/QĐ-TTg về quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài.

3- Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

4- Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg ngày 31/12/2007 của  Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

5- Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

6- Quyết định số 131/2007/QĐ-TTg ngày 09/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

7- Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

8- Quyết định số 81/2010/QĐ-TTg ngày 13/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia.

9- Quyết định số 76/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 81/2010/QĐ-TTg  ngày 13/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu nhận, lưu trữ; xử lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia.

10- Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.

11- Quyết định số 58/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.

12- Chỉ thị số 08/1998/CT-TTg ngày 18/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tổng kết 5 năm thi hành Luật Đất đai.

13- Chỉ thị số 10/1998/CT-TTg ngày 20/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

14- Chỉ thị số 18/1999/CT-TTg ngày 01/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở nông thôn vào năm 2000.

15- Chỉ thị số 16/2002/CT-TTg ngày 31/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông.

16- Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg ngày 08/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

17- Chỉ thị số 05/2004/CT-TTg ngày 09/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003.

18- Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai.

19- Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 06/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư.

20- Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân.

21- Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

22- Chỉ thị số 18/2008/CT-TTg ngày 06/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác.

Quyết định số 36/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2020.

Quy định mới về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Cụ thể, Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập (Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ); hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư, ủy thác và nhận ủy thác để thực hiện chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC).

Quỹ đầu tư phát triển địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương theo quy định tại Nghị định này. UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Quỹ.

Quỹ đầu tư phát triển địa phương có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tên gọi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương: Quỹ đầu tư phát triển, ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.

Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm: Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này; đầu tư các dự án, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này; ủy thác cho vay, đầu tư; nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Nghị định này; thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm có: Hội đồng quản lý; Ban Kiểm soát; Ban điều hành gồm Giám đốc Quỹ, các Phó Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

Điều kiện thành lập mới Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện thành lập mới Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm:

1-  Có vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập không thấp hơn 300 tỷ đồng.

2-  Có đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

3-  Có dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phù hợp với quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/2/2021 và thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007.

Các dự án cho vay, đầu tư đã được ký kết trước ngày 05/2/2021 được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết theo giới hạn cho vay, đầu tư quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP cho đến hết thời hạn hợp đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các hợp đồng này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Trong thời hạn 06 tháng kể từ 05/2/2021, UBND cấp tỉnh ban hành mức lãi suất cho vay tối thiểu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này. Lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định so 37/2013/NĐ-CP cho đến khi UBND cấp tỉnh ban hành mức lãi suất cho vay tối thiểu.

Hoàn thiện dữ liệu tài nguyên và môi trường

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương”.

Mục tiêu nhằm hoàn thiện nền tảng tài nguyên số về tài nguyên và môi trường với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết cho Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về tài nguyên và môi trường; tạo lập được hệ thống dữ liệu mở Chính phủ ngành tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.

Đề án phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp được các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến.

100% cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường tạo nền tảng Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện, đảm bảo an toàn, an ninh; phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Đồng thời, tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc, thu nhận, triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số… về tài nguyên và môi trường.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Đề án đưa ra những nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường; xây dựng các nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường bảo đảm kết nối, liên thông, cung cấp, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin.

Lựa chọn 8 KKT cửa khẩu trọng điểm để đầu tư phát triển

Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

8 KKT cửa khẩu gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), KKT cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); KKT – thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), KKT cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), KKT cửa khẩu tỉnh An Giang.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo hướng dẫn các địa phương nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt của nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nhằm thu hút và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cho sự phát triển bền vững của các KKT cửa khẩu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, chuẩn bị và thẩm định hồ sơ dự án/công trình đầu tư kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các địa phương trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KKT cửa khẩu, đặc biệt là 8 KKT cửa khẩu có vai trò quan trọng trong hệ thống các KKT cửa khẩu của cả nước; nâng cao năng lực quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các cơ quan liên quan đến KKT cửa khẩu để nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và bảo đảm tiến độ giải ngân, xây dựng dự án/công trình.

Đối với các địa phương có 8 KKT cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư nêu trên, Tỉnh có trách nhiệm cân đối vốn cho 8 KKT cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 trong tổng số vốn ngân sách trung ương đã thông báo cho địa phương, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 -  2025 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành.

61 DN được tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020

Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 21 doanh nghiệp và tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 40 doanh nghiệp.

21 doanh nghiệp được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 gồm:

11 doanh nghiệp sản xuất lớn: Công ty TNHH Esquel garment manufacturing (Việt Nam), Công ty TNHH NESTLÉ Việt Nam, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu;

07 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty Cổ phần Việt Nam FOOD, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, Công ty TNHH phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty Cổ phần Ngọc Diệp, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận;

01 doanh nghiệp dịch vụ lớn: Viễn thông Thanh Hóa - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;

02 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa: Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Ninh.

Trong 40 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, có 10 doanh nghiệp sản xuất lớn; 23 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa; 1 doanh nghiệp dịch vụ lớn; 6 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hoá, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm… Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đạt giải thưởng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, đề xuất phương thức đầu tư, danh mục cảng hàng không, sân bay kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

Đồng thời, đề xuất hoàn thiện pháp luật (nếu có) để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không phù hợp với xu thế, kinh nghiệm trên thế giới về đầu tư, quản lý hạ tầng cảng hàng không, sân bay và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, về định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, trước nhu cầu đầu tư phát triển, sự quan tâm, mong muốn tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không của nhiều nhà đầu tư tư nhân, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá vai trò và nguồn lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong việc đầu tư phát triển các cảng hàng không; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa đầu tư; căn cứ điều kiện thực tế của Việt Nam để xây dựng Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện.

Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thiện và báo cáo Đề án “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng “Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” là vấn đề lớn, phức tạp liên quan đến định hướng phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh của ACV, liên quan đến quốc phòng, an ninh…

Vì vậy, để có đầy đủ cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức đánh giá toàn diện, chuyên sâu kết quả từng đề án xã hội hóa làm cơ sở hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, làm cơ sở công bố danh mục các cảng hàng không kêu gọi đầu tư.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu là hoàn thành lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng, phù hợp với các quy định và có tính khả thi.

Quy hoạch bao gồm các nội dung theo quy định tại Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch (mục II, Phụ lục III quy định cụ thể đối với nội dung Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản) gồm nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; phân tích, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Bên cạnh đó, phân tích quan điểm, mục tiêu của hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong kỳ quy hoạch; định hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản;...

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan, các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định hiện hành đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả./.

Top