Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8

21/08/2019 18:57

Thủ tướng ra công điện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Công điện nêu rõ: Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,76%, cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn; tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2019 rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 37,64%, vốn nước ngoài đạt 22,63%). Có 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đạt dưới 40%; trong đó 18 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương dưới 20% kế hoạch được Quốc hội giao. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: giao vốn chậm (cả trung ương và địa phương); dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; thanh, quyết toán còn chậm; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ vể đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan:

a) Rà soát, làm rõ nguyên nhân và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2019 việc giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương còn lại của năm 2019 (35.148 tỷ đồng); chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm phân bổ số vốn còn lại. Chú trọng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo quy định pháp luật.

b) Thực hiện điều chuyển theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 10 năm 2019 để điều chuyển hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn; từ bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân chậm sang bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.

c) Đối với số vốn không có khả năng giao kế hoạch năm 2019, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2019 để thu hồi.

d) Dự kiến tổng nhu cầu sử dụng vốn đầu tư công năm 2020 nguồn ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp với khả năng giải ngân thực tế của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

3. Bộ Tài chính:

a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo nguồn thanh toán cho các dự án; rút ngắn thời gian kiểm soát chi, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ theo quy định; thống nhất số liệu thống kê về giải ngân nguồn vốn nước ngoài.

b) Có trách nhiệm phối hợp kịp thời với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc rà soát, tổng hợp giao, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019; bảo đảm đúng thời gian theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

c) Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2019 về các vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và công tác đàm phán hiệp định từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực; nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

4. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

a) Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi đôn đốc quyết liệt. Tập trung chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu; hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán; xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

b) Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án; trước ngày 25 tháng 9 năm 2019 có văn bản gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 và đề xuất phương án cắt, giảm, điều chuyển để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Chấp hành nghiêm quy định về chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.

5. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức trong nửa cuối tháng 9 năm 2019 Hội nghị trực tuyến cả nước về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với các bộ, cơ quan và địa phương.

6. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

-----------------------

Triển khai Luật Thi hành án hình sự 2019

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1041/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; nâng cao nhận thức về Luật, trách nhiệm triển khai thi hành Luật.

Theo kế hoạch, Bộ Công an chủ trì tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, cán bộ, công chức và nhân dân.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị làm công tác tham mưu, trực tiếp thực hiện công tác thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cho cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành bằng hình thức phù  hợp với từng đối tượng, điều kiện, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thi hành án hình sự để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về thi hành án hình sự, gửi kết quả rà soát về Bộ Công an trong tháng 11/2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo kế hoạch, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng 7 nghị định của Chính phủ, 2 thông tư liên tịch, 4 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng 4 thông tư liên tịch.

Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an xây dựng các nghị định do Bộ Công an chủ trì và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; chủ trì xây dựng 4 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công an xây dựng các nghị định hướng dẫn về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán bố trí phân bổ ngân sách triển khai thi hành Luật theo Kế hoạch này.

-----------------------

Hải Dương tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo đông người

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Hải Dương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp đến các cơ quan Trung ương, gây phức tạp về an ninh trật tự thủ đô Hà Nội. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo là do những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hải Dương phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại, tiếp dân ngay tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm từng vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của dân từ khi mới phát sinh; quá trình tiếp dân, phải đặt mình vào vị trí của dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấy được những bức xúc của dân, từ đó có biện pháp giải quyết thấu đáo, có lý, có tình.

Khi có công dân tập trung khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh phải chủ  động chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội tổ chức tiếp công dân, có biện pháp để đưa công dân trở về địa phương giải quyết, không để tình trạng công dân tụ tập, khiếu kiện đông người tại Hà Nội, nhất là vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

Tổ chức đối thoại công khai với dân

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh phải quan tâm, dành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh các vụ việc mới, nhất là các vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Phó Thủ tướng lưu ý giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài phải trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân và dứt điểm được vụ việc. Trong quá trình giải quyết cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động, xem xét đầy đủ, thấu đáo các nội dung, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; nguyên nhân người dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất của vụ việc, tố chức đối thoại công khai, làm rõ những nội dung có  ý kiến khác nhau, trao đổi thống nhất, tạo đồng thuận hướng giải quyết vụ việc. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa, khắc phục, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, thấu đáo, có lý, có tình, cần giải quyết, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. Nếu đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình mà các đối tượng cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kích động, vu cáo, gây rối an ninh, trật tự phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Khắc phục tồn tại trong công tác quản lý

Về công tác quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Hải Dương phải có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành các quyết định hành chính phải tuân thủ theo đúng pháp luật, xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý theo quy định đối với người có thẩm quyền ban hành và tham mưu ban hành quyết định hành chính trái pháp luật, là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Hải Dương cần khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường, có các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn; chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, nhất là trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm./.

Top