Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/7

20/07/2021 19:48

TTg phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của Chương trình nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

15.000 trường học an toàn

Chương trình đưa ra mục tiêu vào năm 2030 giảm tỉ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em; giảm tỉ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 5/100.000 trẻ em. Hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. 15.000  trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2030...

Chương trình cũng phấn đấu có 95% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2030.

100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2030.

100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thu thập thông tin, dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm và nhân rộng việc triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.

Nhân rộng các mô hình thực hành kỹ năng

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đề ra một số giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể; rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Chương trình thực hiện các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao thông trẻ em, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử; kiện toàn hệ thống sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khoẻ cho trẻ em do tai nạn, thương tích…

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công văn số 972/TTg-NN ngày 19/7/2021 đồng ý Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 29,94 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án phải bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật đất đai, quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, theo dõi, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

* Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các công văn số 984/TTg-NN và 985/TTg-NN ngày 20/7/2021 đồng ý UBND tỉnh Hậu Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 56,86 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt như báo cáo thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định.

UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng và đầy đủ quy định của pháp luật, bao gồm cả việc lựa chọn dự án, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ không để xảy ra tham nhũng, thất thoát ngân sách nhà nước, khiếu kiện.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1260/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027”.

Chương trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Bên cạnh đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật; hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, PBGDPL; xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn học Pháp luật và công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện Chương trình.

Trong đó, đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả.

Cụ thể, tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức giảng dạy môn học Pháp luật trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, học tập; xây dựng giáo trình, bài giảng theo hướng trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp thu và gắn liền với thực tiễn.

Tổ chức “Ngày pháp luật”; tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, phiên tòa giả định, cuộc thi Olympic luật cho người học; tổ chức cuộc thi báo cáo viên pháp luật giỏi. Lồng ghép công tác tuyên truyền, PBGDPL qua các ngày hội, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp, thiết thực nhằm thu hút sự tham gia của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tham quan, học tập thực tế về công tác PBGDPL; khuyến khích người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật tham gia xây dựng các tiểu phẩm, phóng sự, câu chuyện giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến việc học tập, giảng dạy, công việc của các nhóm đối tượng góp phần làm đa dạng, phong phú môi trường nghiên cứu, học tập trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Giao nhiệm vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho một đơn vị thuộc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, gia đình người học về chính sách, quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp.

Hình thành cơ chế phối hợp giữa trường cao đẳng, trường trung cấp với cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động được học tập, trải nghiệm thực tế, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử nội bộ của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức vinh danh, tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có sáng kiến, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Nhân rộng các mô hình tiêu biểu về công tác tuyên truyền, PBGDPL trong toàn quốc.

 

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 20/7/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.

Sáng ngày 17/7/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại khu điều trị bệnh nhân F0, cách ly tập trung các trường hợp F1 tại khu cách ly ký túc xá phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh và công tác phòng, chống dịch tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.

Tại tỉnh Đồng Tháp, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến thời điểm kiểm tra đã ghi nhận trên 1 nghìn trường hợp mắc COVID-19 tại 11/12 huyện, thành phố với nhiều ổ dịch, trong đó có 03 ổ dịch lớn tại bệnh viện và trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; số ca mắc trong cộng đồng ngày càng nhiều, chưa tìm được nguồn lây, giao lưu đi lại với khu vực có dịch, lượng người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở rất khó kiểm soát; hơn nữa tình hình dịch bệnh tại nước bạn Campuchia vẫn rất phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, phức tạp, tỉnh Đồng Tháp đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h00 ngày 14 tháng 7 năm 2021.

Dự báo thời gian tới: Tương tự như các tỉnh đang có dịch hiện nay, sẽ có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch nếu thực hiện không nghiêm, không quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, Tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, đồng thời duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh tại những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.

Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tỉnh trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người, lây nhiễm chéo, khan hiếm hàng hóa

Phó Thủ tướng kết luận một số vấn đề trọng tâm mà tỉnh cần lưu ý. Theo đó, mục tiêu là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg với quyết tâm cao, giảm cả 03 tiêu chí: giảm số ca nặng, ca tử vong, ca mắc mới; đồng thời phải bảo vệ sản xuất, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm không để tình hình dịch bệnh xấu hơn; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường tham gia phòng chống dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trong mọi hoạt động (xét nghiệm, tiêm chủng, cách ly, điều trị, lưu thông, vận chuyển hàng hóa); tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, lây nhiễm chéo hoặc khan hiếm hàng hóa.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong mọi khâu, mọi công đoạn, mọi lực lượng tham gia phòng, chống dịch từ quản lý dân cư, quản lý ở cơ sở, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng để truy vết nhanh, xét nghiệm hiệu quả, cách ly hợp lý, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

An sinh xã hội góp phần bảo đảm an ninh trật tự, vì vậy phải  triển khai thực hiện ngay gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt quan tâm đối tượng yếu thế, người nghèo khó, gia đình chính sách, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái ngay tại cộng đồng dân cư.

Về duy trì sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức nghiêm 3 tại chỗ; không bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch thì kiên quyết đóng cửa, không để lây lan dịch bệnh trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; có kế hoạch, phương án cụ thể để phát hiện nhanh, xử lý nhanh các trường hợp nghi ngờ, cách ly tại chỗ F1 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Đồng Tháp cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của hệ thống chính trị; mỗi cơ sở là 1 pháo đài phòng chống dịch; hệ thống chính trị cơ sở phải thực sự vững chắc, tập hợp được các lực lượng, phát huy mô hình tổ COVID cộng đồng; vai trò của các lực lượng dân quân, dân phòng, dân phố, … Các cấp ủy đảng, chính quyền phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, áp dụng các biện pháp đúng đắn hiệu quả để vượt qua dịch bện

Đồng thời, bảo vệ, xây dựng biên giới đoàn kết, hữu nghị, không để mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Tăng cường bảo vệ an ninh biên giới không để vượt biên trái phép, lây lan dịch bệnh.

Về chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vắc xin, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát cụ thể, có kế hoạch mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch; việc mua sắm bảo đảm minh bạch, không để lợi ích nhóm; trường hợp cần thiết báo cáo Bộ Y tế để hỗ trợ nhân lực, nguồn lực chống dịch. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia chống dịch. Ưu tiên vắc xin cho các tỉnh, thành phía Nam, ưu tiên vắc xin cho các lực lượng tuyến đầu và tham gia phòng chống dịch.

Tăng cường năng lực cho tuyến huyện trong công tác điều trị

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, qua thực tiễn, khẩn trương đánh giá chiến lược phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay để tham mưu cho Chính phủ và các địa phương chủ động, có chính sách, chủ trương ứng phó linh hoạt không chủ quan, mất cảnh giác, nhưng phải hiệu quả, khoa học và phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

a) Về công tác xét nghiệm, cách ly, truy vết, điều trị: Bảo đảm xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, không xét nghiệm tràn lan; truy vết, cách ly phù hợp với tình hình thực tiễn và nguy cơ của dịch bệnh.

b) Tăng cường năng lực cho tuyến huyện trong công tác điều trị: Hướng dẫn cụ thể, tập huấn nâng cao năng lực cho tuyến huyện để điều trị ở tuyến huyện theo đúng tinh thần 04 tại chỗ, do thực tế các ca nhiễm hiện nay đa số có biểu hiện nhẹ, thậm chí là không triệu chứng; nên việc tập trung điều trị, gây quá tải, lây nhiễm chéo ở tuyến trên là không cần thiết. Cần nghiên cứu phân cấp từ tỉnh xuống huyện/thành phố, cơ sở phường/xã và gia đình có đủ điều kiện.

c) Về việc theo dõi, cách ly F1, F0 tại nhà: Bộ Y tế cần hướng dẫn sớm và cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện; thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát tại nhà (như đường dây nóng, điện thoại liên hệ, cơ chế giám sát, …..); có phân luồng, phân tuyến điều trị cho các tuyến.

d) Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam và nghiên cứu thuốc điều trị.

 

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Cần Thơ

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 196/TB-VPCP ngày 20/7/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Cần Thơ.

Chiều ngày 17 tháng 7 năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Cần Thơ.

Đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Trường Quân sự Ô Môn, nơi cách ly tập trung cho người nhập cảnh bằng đường hàng không và Công ty Thép Tây Đô, thuộc khu công nghiệp Trà Nóc.

Sau khi đi kiểm tra, nghe báo cáo của Thành phố, ý kiến của các đồng chí Thành viên Đoàn Công tác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận như sau:

Tại thành phố Cần Thơ, tình hình dịch bệnh đến thời điểm kiểm tra tuy vẫn đang được kiểm soát, nhưng đã bắt đầu diễn biến phức tạp, mầm bệnh đã âm thầm trong cộng đồng, trong 5 ngày phát hiện được 121 ca bệnh ở khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo, chợ, nơi tập trung đông người; Thành phố đã tích cực, khẩn trương tập trung truy vết, xét nghiệm khoanh vùng, dập dịch.

Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, Thành phố vẫn tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, đồng thời duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh tại những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt “chống dịch như chống giặc.

Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Bằng mọi cách, mọi biện pháp kiềm chế, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh

Thông báo nêu rõ một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý. Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tại một số tỉnh, thành phố trong đó có thành phố Cần Thơ  (văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2021).

Mục tiêu là: Phải bằng mọi cách, mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian này nhằm kiềm chế, kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự, không để tình hình xấu hơn; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu.

Nhiệm vụ và giải pháp: Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thật nghiêm trên phạm vi toàn thành phố. Thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông, là trung tâm (văn hóa, chính trị, kinh tế) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên nhiệm vụ này rất nặng nề.

Thành phố Cần Thơ tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn thật cụ thể, rõ ràng; Thường vụ Thành ủy phải phân công nhiệm vụ, cụ thể đến từng đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, phụ trách từng khâu, kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.

Cần phát huy tinh thần 4 tại chỗ, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của hệ thống chính trị; hệ thống chính trị cơ sở phải thực sự vững chắc, tập hợp được các lực lượng, phát huy mô hình tổ COVID cộng đồng; vai trò của các lực lượng dân quân, dân phòng, dân phố, …

Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để có cơ chế thuận tiện bảo đảm hàng hóa được lưu thông thông suốt, không ách tắc; nhất là những mặt hàng phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân và các hàng hóa là nông sản đến vụ thu hoạch.

Triển khai thực hiện ngay gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động khó khăn do đại dịch

Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện ngay gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, người yếu thế, những người sẽ bị ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh và giãn cách.

Tiếp tục tổ chức 03 tại chỗ thật tốt để duy trì sản xuất với những nơi an toàn, đủ điều kiện; có kế hoạch, phương án cụ thể cách ly tại chỗ F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vấn đề mua sắm vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch: Thường vụ Thành ủy cần kiện toàn sớm nhân sự của ngành y tế Thành phố; phải có người đứng đầu, đủ bản lĩnh, đủ năng lực; dám chịu trách nhiệm trong lúc chống dịch.

Về công tác điều trị: Quan tâm điều trị các ca nặng; hiện nay Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong; nhưng tuyệt đối không được lơ là chủ quan trong công tác điều trị bệnh nhân F0.

Bộ Y tế cần khẩn trương rút kinh nghiệm thực tiễn chống dịch hơn 18 tháng qua, để đề xuất chiến lược trong điều trị F0, cách ly F1, F2 bảo đảm người bệnh, người thực hiện cách ly phải được thuận lợi nhất.

Phân bổ kịp thời các loại test, hóa chất khử khuẩn, vaccine cho Thành phố Cần Thơ

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế rà soát, phân bổ kịp thời các loại test, hóa chất khử khuẩn, vaccine; chỉ đạo các đơn vị của Bộ đóng trên địa bàn Thành phố có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Thành phố trong công tác xét nghiệm và điều trị.

Đối với các kiến nghị còn lại của thành phố như tăng cường các lực lượng y tế, trang thiết bị, bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hướng dẫn đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, … phục vụ công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông; Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Lao động – Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ Thành phố theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

Top