Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/9

18/09/2020 18:19

Nhân sự 2 cơ quan

Cụ thể, tại Quyết định 1426/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Quân, Phó Bí thư tỉnh ủy Cà Mau nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tại Quyết định 1424/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Tiến Hải để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 1425/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam giữ chức Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

 ---------------------------

Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020 - 2022.

Đề án nhằm thực hiện mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33); đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiến tới thực hiện việc chăm sóc toàn diện, giải quyết tình trạng quá tải. Từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện uy tín trong khu vực và trên thế giới, thực hiện tốt vai trò bệnh viện tuyến cuối trong chuyên khoa ung bướu.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh và các hoạt động chuyên môn khác của Bệnh viện; quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Bệnh viện, không để thất thoát, lãng phí; thực hiện quản trị bệnh viện theo hướng hiện đại, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn diện hoạt động của Bệnh viện, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 33 và quy định của pháp luật.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/12/2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 và quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý) là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện, gồm 11 thành viên. Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý và Chủ tịch Hội đồng quản lý trên cơ sở đề xuất của Bệnh viện K. Trong thời hạn 6 tháng, Hội đồng quản lý quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện.

Hội đồng quản lý có các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 33 và quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

Tự chủ về đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản: Việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (bao gồm đầu tư công), quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị quyết số 33.

Tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế: Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết số 33. Phân phối kết quả tài chính trong năm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh. Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

 -----------------------

Năm 2030 Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2030, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong Trung du và miền núi phía Bắc với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc dân tộc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Quy hoạch là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái sử dụng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; là cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Lập quy hoạch tỉnh Yên Bái hướng tới phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng nhanh về kinh tế và ổn định xã hội, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển của tỉnh; tạo sự phát triển hài hoà, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Theo đó, nội dung lập quy hoạch phải định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, phải bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện…

Nội dung Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ gồm: Phân tích, đánh giá thực trạng và dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Yên Bái và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quan điểm, mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…

 ----------------------

Nghiên cứu phản ánh "Kinh tế đêm Hà Nội: Cần đặc sản hút khách"

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu phản ánh của báo Tiền phong qua bài viết "Kinh tế đêm Hà Nội: Cần đặc sản hút khách".

Trước đó, báo Tiền phong điện tử ngày 11/9/2020 có bài viết "Kinh tế đêm Hà Nội: Cần đặc sản hút khách", trong đó thông tin: Theo chuyên gia, du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, còn 70% doanh thu dịch vụ ở khung giờ tối đến đêm. Ngành du lịch đêm phát triển phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của du khách, rất cần có dịch vụ đặc sắc để thu hút du khách, không phải tư duy của nhà quản lý.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất giải pháp phù hợp.

 -----------------------

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay (diện tích 46,41 km2); huyện Mỹ Lộc (74,49 km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản (26,48 km2) và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An của huyện Nam Trực (40,6 km2), với tổng diện tích khoảng 187,99 km2.

Quy mô dân số của thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485.000 người.

Về định hướng phát triển không gian, thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị về hướng Tây Bắc và Đông Nam theo hành lang trục quốc lộ 21B và đường vành đai 2 mới, với 3 vùng phát triển như sau:

- Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố gắn với phát triển không gian đô thị hiện hữu Nam Định.

- Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên huyện Mỹ Lộc, với chức năng đô thị thông minh, với các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại.

- Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên gắn với các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định.

Về hệ thống trung tâm, trong đó, trung tâm hành chính tỉnh cải tạo nâng cấp trên cơ sở hiện trạng. Trung tâm hành chính thành phố xây dựng mới tại Khu đô thị Thống Nhất, quy mô khoảng 1,1 ha. Trung tâm văn hóa cấp đô thị xây mới tại khu vực tại khu đô thị mới Nam sông Đào và khu đô thị mới Tây Bắc. Cải tạo và hoàn thiện mạng lưới công trình văn hóa tại các khu đô thị.

Trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng xây mới tại khu vực đô thị mới phía Tây quy mô khoảng 120 ha. Nâng cấp cải tạo các trường đại học, cao đẳng hiện hữu và khu vực phía Nam sông Đào. Cải tạo nâng cấp 14 trường trung học phổ thông hiện trạng, xây dựng mới trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong và bổ sung 06 trường trung học phổ thông.

Xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh tại khu đô thị Mỹ Trung quy mô 700 giường, diện tích 9,25 ha. Xây dựng 01 trung tâm y tế cấp đô thị tại khu vực Nam sông Đào, quy mô khoảng 4 ha. Xây dựng bổ sung các trung tâm y tế theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn;.../.

Top