Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8

18/08/2020 17:48

Huyện Lý Nhân (Hà Nam) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Nam có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Lý Nhân tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền 02 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống COVID-19.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam được xuất cấp 01 tấn Chloramin B. Bộ Y tế (để hỗ trợ khẩn cấp hóa chất cho các địa phương, các vùng trọng điểm) 01 tấn  Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg.

 Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo; thực hiện quản lý, xuất cấp, phân bổ và sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định hiện hành.

Quý IV/2020, hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, sửa cụm từ "Quý II năm 2019" tại Điểm a Khoản 3 Mục III thành cụm từ "Quý IV năm 2020". Cụ thể, Quý IV năm 2020, hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, gồm:

- Rà soát, cắt giảm tối đa danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chỉ kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

- Không quy định doanh nghiệp phải nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan chuyên ngành để thông quan đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sau thông quan.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa kiểm tra sau thông quan, đảm bảo đơn giản về thủ tục, thuận lợi trong thực hiện.

Sửa cụm từ "Quý IV năm 2018" tại gạch đầu dòng thứ 4 Điểm c Khoản 3 Mục III thành "Quý IV năm 2020". Theo đó,  Quý IV năm 2020, các bộ, ngành rà soát, ban hành đầy đủ Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành phải ban hành kèm theo mã số HS tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 6 Điểm c Khoản 3 Mục III như sau:  Năm 2020 (quy định cũ là Quý IV năm 2019), các bộ, ngành phải hoàn thành việc rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: Áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện công nhận lẫn nhau; ưu tiên và tạo thuận lợi đối với các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được; giải quyết các nội dung quy định gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan, năm 2020 (quy định cũ năm 2018 và năm 2019), Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan và triển khai thực hiện Đề án.

Nguyên tắc xử lý và hoàn trả vốn đầu tư dự án cấp điện nông thôn

Theo Quyết định số 23/2020/QĐ-TTg, giá trị tài sản điều chuyển và cơ cấu từng nguồn vốn đầu tư dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đã được xác định tại biên bản bàn giao và xác nhận từng nguồn vốn được xử lý theo 3 nguyên tắc.

Nguyên tắc thứ nhất, đối với tài sản được đầu tư bằng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, vốn khác do tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp và vốn do chủ đầu tư huy động hợp pháp khác (không phải hoàn trả): Bên nhận hạch toán tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Nguyên tắc thứ hai, đối với tài sản được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ, các tổ chức tín dụng, các cá nhân, tổ chức kinh tế khác và các nguồn vốn khác (phải hoàn trả), Bên nhận có trách nhiệm hạch toán tăng tài sản, tăng nợ phải trả; thực hiện hoàn trả cho Bên giao số tiền vay còn nợ các tổ chức tín dụng, các cá nhân và các tổ chức kinh tế khác theo quy định trong hợp đồng vay hoặc khế ước vay (nhưng không vượt quá giá trị của tài sản điều chuyển đầu tư bằng nguồn vốn vay đã xác định trong biên bản điều chuyển) như đã cam kết trong Biên bản điều chuyển; Bên giao hạch toán giảm giá trị tài sản điều chuyển đối với giá trị tài sản hình thành từ nguồn vốn vay, đồng thời hạch toán tăng khoản nợ phải thu đối với Bên nhận. Bên giao theo dõi và thực hiện thu hồi nợ từ Bên nhận để hoàn trả cho bên cho vay theo hợp đồng hoặc khế ước vay.

Nguyên tắc thứ 3, đối với tài sản được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì xử lý như sau:

a- Phần giá trị tài sản được đầu tư từ các nguồn vốn không phải hoàn trả thì thực hiện theo quy định tại nguyên tắc thứ nhất.

b- Phần giá trị tài sản được đầu tư từ các nguồn vốn vay hoặc vốn khác (phải hoàn trả) thì thực hiện theo quy định tại nguyên tắc thứ hai.

Xác định giá trị của tài sản giao nhận dự án

Quyết định cũng quy định cụ thể việc xác định giá trị của tài sản giao nhận dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Theo đó, giá trị tài sản điều chuyển được xác định căn cứ vào nguyên giá của tài sản điều chuyển (là giá trị quyết toán công trình/hạng mục công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Trong trường hợp công trình/hạng mục công trình của dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo chưa được phê duyệt quyết toán thì tại thời điểm giao nhận, nguyên giá của tài sản điều chuyển được tạm tính theo giá trị đề nghị quyết toán, hoặc giá trị thực hiện xác định theo biên bản nghiệm thu A-B, hoặc theo giá trị dự toán công trình/hạng mục công trình đã được phê duyệt để Bên nhận thực hiện hạch toán tăng tài sản và quản lý, trích khấu hao theo quy định. Nguyên giá của tài sản điều chuyển chính thức sẽ được điều chỉnh sau khi công trình/hạng mục công trình của dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán mà không phải thẩm định lại giá trị đã được phê duyệt quyết toán.

Đối với các tài sản điều chuyển đã được nghiệm thu nhưng chưa thực hiện điều chuyển cho ngành điện ngay sau khi đóng điện đưa vào sử dụng, giá trị tài sản điều chuyển được xác định căn cứ vào nguyên giá của tài sản điều chuyển trừ đi giá trị khấu hao tính từ ngày công trình/hạng mục công trình nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng đến ngày công trình/hạng mục công trình điều chuyển cho Bên nhận.

Trường hợp Bên nhận và Bên giao không thống nhất được giá trị tài sản điều chuyển, 02 bên có trách nhiệm thỏa thuận về việc thuê doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật để xác định giá trị còn lại của tài sản điều chuyển để làm căn cứ điều chuyển (chi phí thuê tư vấn được chia cho Bên giao và Bên nhận theo tỷ lệ 50/50). Việc lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị còn lại của tài sản được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Xử lý nghiêm việc sản xuất khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng ty không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc.

 

Thời gian gần đây, một số cơ quan thông tấn báo chí nêu nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ; nếu số khẩu trang, găng tay này được đưa ra thị trường tiêu thụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và việc phòng chống dịch bệnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2020.

Giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong tình hình mới

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và công tác tu bổ định kỳ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tập thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh, Quyền Trưởng ban, trong bối cảnh vừa bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân dân, du khách, vừa duy trì tổ chức các sinh hoạt văn hóa - chính trị, nhất là hoạt động dâng hương viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bảo đảm chu đáo, trang nghiêm, long trọng, đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai hoàn thành đúng Kế hoạch công tác Tu bổ định kỳ.

Thời gian tới, Ban Quản lý Lăng và các cơ quan liên quan cần chủ động nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết, sáng tạo thực hiện và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm phòng chống dịch bệnh, phòng vệ từ xa, kiểm tra, kiểm soát tốt an ninh nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn khu Trung tâm hành chính - chính trị đặc biệt Ba Đình, công trình Lăng, nhất là việc giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong tình hình mới - nhiệm vụ chính trị đặc biệt, vinh dự do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm, hiệu quả, đúng quy định các nghi lễ tiêu binh danh dự, chào cờ hàng ngày trước Lăng. Đổi mới chặt chẽ công tác phối hợp tuyên truyền, tổ chức đón tiếp các đoàn khách đến dâng hương tưởng niệm Bác tại Khu vực Lăng. Tuyệt đối không được để sơ xuất, chủ quan, lơ là, đề cao cảnh giác trong thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Đồng thời, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bồi dưỡng về phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, khả năng nắm bắt và xử lý tốt diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, toàn đơn vị nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ứng phó trong mọi tình huống xảy ra...

Xây dựng chiến lược, kế hoạch với những bước đi phù hợp để đổi mới mô hình quản lý, bảo đảm quản lý kinh tế tài chính chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả hơn, bao gồm cả chi thường xuyên và trong quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật.

Nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn tuyệt đối an toàn, lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khẩn trương triển khai theo đúng kế hoạch các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; Dự án xây dựng hệ thống kè sạt lở sông Đà khu vực khu di tích K9; Dự án xây dựng khu vệ sinh ngầm phía nam Quảng trường Ba Đình và phương án quản lý, sử dụng đường Bắc Sơn./.

Top