Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8

18/08/2020 09:09

Quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nghị định này quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nghị định quy định 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác: 1- Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 2- Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 3- Theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 4- Tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 5- Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại; 6- Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác; 7- Tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; 8- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác. Khi thực hiện các chương trình quảng cáo, Người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi đồng thời bản tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656).

Người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Thông tin, dữ liệu từ Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và các nguồn thông tin, dữ liệu khác được sử dụng để điều phối xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) là cơ quan điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử và Người quảng cáo có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).

Trách nhiệm của DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Intrernet

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Theo đó, các đơn vị trên phải hướng dẫn Người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác; hướng dẫn, cung cấp cho Người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép Người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác; thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

DN cung cấp dịch vụ thư điện tử có trách nhiệm hướng dẫn Người sử dụng về cách thức chống thư điện tử rác; hướng dẫn, cung cấp công cụ, ứng dụng cho phép Người sử dụng tự chủ động ngăn chặn thư điện tử rác và phản ánh về thư điện tử rác; có biện pháp chặn, lọc, cập nhật danh sách các nguồn phát tán thư điện tử các và có phải pháp để tránh mất mát và ngăn chặn nhầm thư điện tử của Người sử dụng...

Người quảng cáo phải kiểm tra Danh sách không quảng cáo để tránh việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại trong dannh sách này; chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng khi được Người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020.

Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Mục tiêu của Chiến lược nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có  hành vi nguy cơ cao.

Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỉ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Bên cạnh đó, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 11 nhóm giải pháp. Trong đó có nhóm giải pháp về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

Cụ thể, mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS bằng cách: Điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định. Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS. Lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS gồm lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Chiến lược đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng cách: Cập nhật kịp thời hướng dẫn điều trị HIV/AIDS theo các khuyến cáo mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam; thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS, bảo đảm điều trị an toàn, hiệu quả; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS phù hợp với tình trạng của người bệnh; tăng cường quản lý, theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS; mở rộng các hoạt động cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện; mở rộng độ bao phủ các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS.

Cùng với đó, tăng cường hoạt động dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc; theo dõi, đánh giá và ngăn chặn các phản ứng có hại của thuốc ARV trong điều trị HIV/AIDS…

Nghiên cứu thông tin báo nêu liên quan đến sản xuất nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xử lý thông tin báo nêu liên quan đến sản xuất nông nghiệp trong quá trình tham mưu, chỉ đạo, điều hành theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Vừa qua, báo Nông nghiệp Việt Nam có phản ánh nhiều khu vực sản xuất vẫn phụ thuộc vào thời tiết minh chứng nền nông nghiệp thiếu chủ động, lệ thuộc tự nhiên. Hiện công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha trong tổng số 11,54 triệu ha canh tác nông nghiệp (chiếm 36,5%). Tỷ lệ tưới thông minh thấp (lúa 18%, cây trồng cạn 22%).

Một số nghiên cứu dự báo nếu nước biển dâng cao thêm 1m, khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn; khoảng 85% người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế, làm thiệt hại 2,3% GDP mỗi năm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xử lý thông tin báo nêu trong quá trình tham mưu, chỉ đạo, điều hành theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh vi phạm pháp luật về đê điều

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về vi phạm pháp luật về đê điều.

Vừa qua, trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp có phản ánh: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng mới xử lý được 5 vụ. Từ năm 2011 – 2019, thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa xử lý; các vi phạm vẫn diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều.

Kiểm tra phản ánh về việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải kiểm tra phản ánh của báo chí về việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Ngày 5/8/2020, Thông tấn xã Việt Nam có đăng tin "Người dân tự ý phá kết cấu giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua Hà Tĩnh".

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải kiểm tra thông tin nêu trên; nếu đúng, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương xử lý, bảo đảm an toàn giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả./.

Top