Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/6/2020

17/06/2020 20:58

Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả động đất

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả động đất.

Công điện gửi UBND tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương nêu rõ:

Ngày 15 và 16/6/2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra các trận động đất làm một số cháu nhỏ bị thương, ảnh hưởng đến hoa màu, công trình hạ tầng, nhà cửa, đời sống của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng, nhất là các gia đình các cháu nhỏ bị thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng do động đất, nhất là các hộ gia đình có người bị thương, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; thông tin kịp thời, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng của động đất, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho công trình.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập, nhất là các hồ đập lớn tại khu vực bị ảnh hưởng của động đất.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi diễn biến động đất thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó theo nhiệm vụ được giao.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch gồm phần lãnh thổ tỉnh Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên là 1.586,35 km2 và phần không gian biển với diện tích 164,59 km2, với 8/8 đơn vị hành chính: Thành phố Thái Bình và 7 huyện (Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Tiền Hải).

Các nội dung chính của quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Trong đó, quy hoạch cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh (gồm các điều kiện tự nhiên, xã hội; bối cảnh bên ngoài; tổng hợp các cơ hội, thách thức).

Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị - nông thôn (gồm thực trạng phát triển kinh tế, xã hội; công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh; tổ chức không gian và phát triển hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức).

Đồng thời, quy hoạch cần nêu rõ quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển tỉnh (gồm quan điểm phát triển; xây dựng kịch bản và phương án phát triển; mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; phương án phát triển các ngành quan trọng (gồm các ngành công nghiệp; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; các lĩnh vực văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh); phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng, bao gồm: Phương án: quy hoạch hệ thống đô thị; phát triển mạng lưới giao thông; phát triển mạng lưới cấp điện; phát triển mạng lưới viễn thông; phát triển mạng lưới thủy lợi, thoát nước, cấp nước; phát triển các khu xử lý chất thải; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội.

Nội dung chính quy hoạch còn có phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;...

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đánh giá lại các điểm nghẽn trong phát triển để tìm ra các giải pháp trọng tâm; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, không phù hợp cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận, sử dụng mọi nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế.

Đồng thời, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quốc phòng, anh ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Bên cạnh đó, xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an ninh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống bản đồ trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Các nội dung chính của Quy hoạch tỉnh Tiền Giang phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Tiền Giang; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn tỉnh Tiền Giang; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật./.

Top