Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6

01/06/2021 19:12

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản

Coi trọng và ưu tiên công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, phải thay đổi tư duy, nhận thức đối với cả hệ thống quản lý hành chính Nhà nước các cấp. Công tác chỉ đạo quy hoạch xây dựng phải là chủ động của Nhà nước, quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản; khắc phục bằng được chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng; chồng chéo, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.

Đó là nội dung Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc về tình hình, kết quả công việc của Bộ Xây dựng, những nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.

Tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Xây dựng đã có báo cáo đầy đủ, khá toàn diện về các kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Trong đó, Bộ Xây dựng đã kế thừa những thành quả và phát huy truyền thống của ngành xây dựng trong nhiều thập kỷ qua, là ngành có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các thành tích của Bộ Xây dựng đã được Đảng, Nhà nước đánh giá, ghi nhận. Bộ Xây dựng đã coi trọng và tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tích cực góp phần hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển đất nước. Trong các năm qua, ngành xây dựng đã thể hiện được tầm vóc lớn mạnh, các cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam đã khẳng định sự thành công đối với các công trình lớn tầm quốc tế từ khâu thiết kế đến tổ chức thi công, sản xuất vật liệu xây dựng đa dạng, cao cấp cung ứng trong nước và xuất khẩu.

Về quản lý quy hoạch kiến trúc có nhiều cố gắng, đã làm tốt thời gian vừa qua, cần tiếp tục phát huy hơn nữa; về quản lý phát triển đô thị đã tập trung thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch đạt kết quả tích cực; chất lượng đô thị được nâng cao, hệ thống đô thị phát triển, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đã được quan tâm, coi trọng, đầu tư phát triển. Đô thị đã trở thành động lực và góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội.

Quản lý hoạt động xây dựng được quan tâm, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; về phát triển nhà ở, trong nhiều năm qua đạt được kết quả tương đối khả quan, nhất là trong thời gian gần đây.

Thủ tướng cũng lưu ý thể chế và cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, Bộ Xây dựng cần có đổi mới hơn nữa để hoàn thiện công cụ quản lý hiệu quả hơn. Cần đổi mới tư duy phân cấp trong xây dựng thể chế và cơ chế chính sách, cụ thể, công tác quy hoạch cũng đạt được một số kết quả, nhưng để thành một chủ trương lớn về đổi mới tư tưởng quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch hiệu quả, cần nâng cao nhận thức, tập trung xây dựng thể chế cho quy hoạch, cụ thể hóa và phải có quy hoạch xứng tầm với phát triển của nền kinh tế, văn hóa và trình độ năng lực của đất nước, phù hợp với xu thế và tư tưởng quy hoạch của thời đại. Tư tưởng quy hoạch phải là tư tưởng lớn và có tầm nhìn dài hạn, phải khắc phục được những nhược điểm trước mắt, trong đó có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở,… tại đô thị và nông thôn.

Về phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị đã có nhiều đổi mới tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, cần thực hiện bài bản và đúng tầm hơn. Phát triển đô thị phải dựa trên nền tảng của xã hội và tự nhiên, đáp ứng nhu cầu xã hội và xu thế phát triển của thế giới. Phát triển đô thị phải hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, xanh, sinh thái, văn minh, an toàn, hướng đến đô thị thông minh, thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu...

Thị trường bất động sản chưa thật sự được kiểm soát, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý; chưa quan tâm đúng mức phân khúc nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế. Phải có chuyển động mới, tư duy mới để phát triển nhà ở, đẩy mạnh quan tâm nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế. Phải có chính sách, thể chế để giải phóng nguồn lực rất lớn từ các khu chung cư cũ,… đồng thời với nâng cao nhận thức và hành động của các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

Tập trung chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với Bộ Xây dựng về 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới là:

1- Tiếp tục rà soát việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương.

2- Tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị.

3- Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Bộ Xây dựng cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng của các địa phương, Chương trình hành động của Chính phủ đã ban hành, đồng thời bám sát vào xu thế phát triển của thời đại để đổi mới tư duy, cụ thể hóa trong việc xây dựng Chương trình hành động của Bộ Xây dựng, trên cơ sở dự báo những xu hướng phát triển chung của đất nước, huy động được nguồn lực, phát huy thế mạnh của ngành để phát triển nhanh, bền vững. Nhanh chóng chuyển đổi trạng thái khi có tình hình biến động, kể cả trong tư duy phát triển và hành động. Phải quyết tâm thay đổi tư duy, phương pháp làm việc, quán triệt nguyên tắc, phương châm chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát lại chức năng nhiệm vụ trong tổ chức, bộ máy để một việc do một người thực hiện và chịu trách nhiệm và một người thì có thể làm nhiều việc. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai:

Phải có tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề theo tình hình thực tiễn mới, trước hết phải thay đổi nhận thức để nâng tầm tư duy và có phương pháp luận có cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện mới trong việc rà soát vướng mắc đối với những vấn đề tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết.

Hoàn thiện thể chế toàn diện đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành xây dựng theo hướng tăng cường quản lý nhà nước thống nhất bảo đảm hiệu lực, hiệu quả đúng chức năng, vị trí, quyền hạn. Khắc phục những yếu kém, ưu tiên chính sách cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phát triển; Tập trung xây dựng chính sách ưu tiên: sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch nông thôn; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp thoát nước; Luật Quản lý không gian ngầm; quy định chặt chẽ hơn nhưng theo hướng phân cấp về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; các văn bản quy phạm pháp luật khác còn vướng mắc, chồng chéo…

Khắc phục bằng được chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng

Coi trọng và ưu tiên công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, phải thay đổi tư duy, nhận thức đối với cả hệ thống quản lý hành chính Nhà nước các cấp. Công tác chỉ đạo quy hoạch xây dựng phải là chủ động của Nhà nước, quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản; khắc phục bằng được chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng; chồng chéo, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Các bộ, ngành, người đứng đầu ở các địa phương phải ưu tiên, tăng cường về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, ưu tiên bố trí, huy động đủ kinh phí để thực hiện hiệu quả quy hoạch.

Ưu tiên, tập trung công tác quản lý phát triển đô thị để trở thành động lực và là một ngành kinh tế quan trọng. Phải ưu tiên xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đô thị, tạo nguồn lực từ đô thị để tái đầu tư phát triển đô thị, xây dựng và quản lý phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, có chiến lược lâu dài, bao gồm cả gắn kết đồng bộ hạ tầng đô thị và nông thôn.

Bộ Xây dựng tập trung xây dựng và thực hiện Chiến lược Nhà ở quốc gia trong giai đoạn mới dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của vùng, của khu vực, gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Chiến lược nhà ở quốc gia phải gắn với phát triển nhà ở xã hội hài hòa, hợp lý; tập trung nghiên cứu và đề xuất cơ chế mua và thuê mua nhà ở; ai làm tốt nhất thì phân cấp giao quyền; coi trọng hơn nữa đối với người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và nhất là người yếu thế trong xã hội. Tập trung phát triển nhà ở và điều tiết bằng quản lý nhà nước thông qua cơ chế, chính sách, trong đó phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế thuế đối với việc đầu cơ bất động sản.   

Xây dựng Chiến lược phát triển sử dụng vật liệu xây dựng mới, gắn với nguồn tài nguyên của đất nước; ưu tiên phát triển lĩnh vực vật liệu xây dựng tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Khẩn trương rà soát và hoàn thiện chính sách hợp tác công tư theo 3 hình thức

Thông báo nêu rõ, thực hiện hiệu quả huy động nguồn lực xây dựng theo phương thức hợp tác công tư, bảo đảm được nguồn lực và công bằng xã hội; cần khẩn trương rà soát và hoàn thiện chính sách hợp tác công tư theo 3 hình thức: Đầu tư tư, sử dụng công; đầu tư công, quản trị tư; đầu tư công và quản lý tư. Hợp tác công tư phải gắn với thực tiễn, linh hoạt, bảo đảm hiệu quả.

Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho địa phương theo nguyên tắc: Việc gì biết thì mới quản lý; đồng thời với tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu quản lý.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng; tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; 5 phương thức lãnh đạo của Đảng; tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Đại hội XII; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là hai trong ba đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trách nhiệm cao, đủ bản lĩnh, đảm bảo năng lực thực thi và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Coi trọng công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách và tuyên truyền xây dựng ngành, đây là việc rất quan trọng. Không để xảy ra khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng đến hoạt động của ngành.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện làm Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 827/QĐ-TTg bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/5/2021.

Bổ sung 12 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục dự trữ quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 9/10/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, có 12 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế được bổ sung vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

12 mặt hàng này gồm: Máy X-quang,; máy thở; máy phá rung tim; máy theo dõi bệnh nhân; máy siêu âm; máy hút dịch; bơm tiêm điện; bộ dụng cụ phẫu thuật; máy phun hóa chất; vật tư phòng hộ cá nhân; máy phát hiện nhanh các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ; túi đựng tử thi.

Chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện quản lý hàng dự trữ quốc gia nêu trên theo quy định tại Luật Dự trữ quốc gia.

Trước đó, ngày 9/10/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 quyết nghị bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Tại Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các mặt hàng thuộc nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế, đảm bảo theo đúng tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Dự trữ quốc gia; phân công bộ, ngành thực hiện việc quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tình hình dịch COVID-19, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, cũng như yêu cầu khẩn cấp về y tế khi xảy ra các tình huống đột xuất trong tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết.

Việc bổ sung mặt hàng này đáp ứng được quy định của Luật Dự trữ quốc gia về mục tiêu dự trữ quốc gia, tiêu chí của mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia và thống nhất với quy định tại Điều 61 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển một số báo in, báo điện tử đối ngoại quốc gia của TTXVN

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Thông tấn xã Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện "Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam" theo Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 31/10/20217 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thông tấn xã Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án chi tiết giai đoạn 2022-2030, trong đó lưu ý: Bảo đảm hiệu quả; đúng quy định pháp luật; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin đối ngoại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2030, Thông tấn xã Việt Nam phát triển thêm các ngữ mới: Tiếng Pháp, tiếng Khmer và tiếng Nga trên Báo ảnh Việt Nam (bản in); tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc và tiếng Đức trên báo điện tử VietnamPlus. Các báo in cơ bản chuyển sang phát hành dưới dạng điện tử (e-paper), tiếp tục đẩy mạnh các trang thông tin điện tử. Mở rộng địa bàn truy cập của các báo đến các khu vực trọng điểm trên thế giới, các nước lớn với lượng truy cập tăng cao hơn giai đoạn trước.

Triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết 161/2021/QH14 của Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung quán triệt và chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nội dung trọng tâm nêu tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội và các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội để chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2021.

Nghị quyết số 161/2021/QH14 nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xây dựng và thực hiện tốt hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trọng dụng nhân tài, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; quyết liệt thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, hải đảo, vùng trời.

Đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc”.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước quyết định việc lựa chọn tư vấn thẩm tra theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tư vấn thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm, phát huy tối đa hiệu quả và tiết kiệm trong công tác thuê tư vấn thẩm tra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thuê nhà thầu tư vấn thẩm tra dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày. Nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy trình đấu thầu thông thường sẽ mất thời gian khoảng từ 9 đến 12 tháng mới lựa chọn được tư vấn thẩm tra, dẫn tới không có đủ thời gian thẩm định để kịp trình Quốc hội theo quy định. Đây là yếu tố đặc thù của các dự án quan trọng quốc gia. 

Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra (liên danh tư vấn trong nước và nước ngoài) trong trường hợp đặc biệt theo quy trình, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. 

Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc có tổng mức đầu tư lớn; có yêu cầu cao về thiết kế, công nghệ. Từ kinh nghiệm cũng như thực trạng đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM trong thời gian vừa qua cho thấy, một số vấn đề cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, như hướng tuyến, phương án thiết kế sơ bộ, tổng mức đầu tư, công nghệ sử dụng, khả năng bảo đảm an toàn khai thác, vận hành... Trong khi đó, thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, nên không có đủ thời gian, cũng như kinh nghiệm trong việc thẩm định các nội dung yêu cầu chuyên môn sâu về kỹ thuật, công nghệ của dự án. Do đó, cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án./.

Top