Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2020

15/10/2020 18:58

Hơn 3 nghìn cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019.

Theo đó, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019 trên toàn quốc là 3.006 cơ sở. Trong đó có 2441 cơ sở sản xuất công nghiệp, 15 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 84 đơn vị vận tải và 466 công trình xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương tổ chức cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn, tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 01/02 hàng năm.

Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thực hiện báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở, đồng thời báo cáo tập đoàn, tổng công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương; tổ chức rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 01/02 hằng năm.

Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong Danh sách có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3 huyện của tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận 3 huyện Tiên Lữ, Kim Động, Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND 3 huyện Tiên Lữ, Kim Động, Yên Mỹ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

Lập Hội đồng thẩm định Chương trình MTQG phát triển KTXH miền núi

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên gồm: Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các Bộ: Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định có Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành giúp Hội đồng thực hiện các công việc thẩm định.

Hội đồng thẩm định nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn: Tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư; yêu cầu Cơ quan được giao chuẩn bị Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định; xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.

Cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1587/QĐ-TTg cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 đối với các mẫu xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả.

Cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 được đặt hàng tại các cơ sở y tế công lập khác, cơ sở y tế tư nhân có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR do Bộ Y tế công nhận hoặc thông báo.

Thời gian thực hiện và đơn giá đặt hàng thực hiện theo Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Thẩm quyền quyết định đặt hàng, hình thức đặt hàng, nội dung đặt hàng, phân bổ và giao dự toán, điều chỉnh kinh phí đặt hàng, thanh toán, quyết toán kinh phí đặt hàng và các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nguồn kinh phí đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đặt hàng xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 thuộc phạm vi quản lý của bộ, địa phương theo quy định.

Bộ Y tế thông báo danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 để các đơn vị thực hiện đặt hàng.

Các cơ quan, đơn vị đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Quyết định 1587/QĐ-TTg và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phân cấp quản lý ngân sách.

Nghiên cứu phản ánh về xu hướng bất bình đẳng gia tăng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh của báo VietnamPlus về vấn đề bất bình đẳng.

Trước đó, báo VietnamPlus ngày 8/10/2020 có bài viết "Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN về cam kết giảm bất bình đẳng" với nội dung: "Theo Báo cáo của Oxfam và Tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế, Việt Nam đạt kết quả nổi bật, xếp thứ 2 ASEAN và thứ 77/158 quốc gia về Chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng năm 2020. Chỉ số này đo lường đa chiều việc thực thi chính sách giảm bất bình đẳng của các nước trên thế giới về dịch vụ công, thuế lũy tiến, các quyền lao động. Việt Nam đạt thành tích giảm nghèo ấn tượng, nhưng xu hướng bất bình đẳng gia tăng sẽ đe dọa quá trình phát triển trong nhiều thập kỷ tới".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá.

Cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan phòng, chống dịch COVID-19

Để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch, bệnh COVID-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn chưa giảm, nguy cơ tăng mạnh trở lại vào mùa đông ở những nơi lới lỏng các biện pháp chống dịch.

Trong nước, dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì dịch có thể xuất hiện trở lại, lây lan gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của nhân dân và kinh tế xã hội của đất nước.

Để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch, bệnh COVID-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Tất cả các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 và các văn bản có liên quan.

Thực hiện nghiêm ngặt việc khai báo y tế; cách ly và theo dõi y tế sau cách ly (đủ ít nhất 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh) đối với tất cả những người nhập cảnh.

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện hệ thống quản lý sức khỏe đối với người nhập cảnh. Các cấp chính quyền chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở quản lý, theo dõi sức khỏe người nhập cảnh trên địa bàn; chỉ đạo lực lượng công an phối hợp quản lý việc di chuyển theo đúng quy định phòng chống dịch.

Bộ Y tế, UBND các cấp chỉ đạo tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các trung tâm dưỡng lão thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch. Kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, cập nhật các hướng dẫn phòng chống dịch đối với trường học, cơ sở lưu trú, giao thông công cộng, nhà máy, công sở v.v. cho phù hợp với tình hình mới; Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo dõi việc thực hiện các hướng dẫn (Bản đồ chống dịch COVID-19).

Bộ Y tế, các Bộ ngành và chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ sở (trước hết là các trường học và cơ sở lưu trú) thực hiện nghiêm các hướng dẫn và cập nhật trên hệ thống Bản đồ chống dịch COVID-19. Kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc lập sổ sức khỏe điện tử toàn dân, xác định nhóm đối tượng dễ bị tổn hại nặng tới sức khỏe nếu bị nhiễm COVID-19 để ưu tiên bảo vệ; thúc đẩy tiến độ triển khai khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám bệnh qua mạng.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa.

Thông báo nêu rõ, giáo dục là quốc sách hàng đầu và liên quan tới mọi gia đình nên trong quá trình đổi mới luôn có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện cần được trân trọng, nghiên cứu tiếp thu, phản hồi với tinh thần thực sự cầu thị, khoa học.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một quá trình, được thực hiện theo một lộ trình khoa học trong đó đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một khâu rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ đã có các Nghị quyết; Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14) quy định rõ ràng, cụ thể (kể cả về trách nhiệm, thẩm quyền) đối với việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (là 1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi kịp thời.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2 Luật số 43/2019/QH14.

Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, sách giáo khoa; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với sách giáo khoa mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới./.

Top