Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2017

14/03/2017 21:16

Tạo chuyển biến rõ rệt về công khai thông tin của cơ quan HCNN

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên, từ đó bố trí nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho công dân.

Đó là một trong những nội dung tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin.

Chỉ thị nêu rõ, Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là đạo Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả đạo Luật này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành.

Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương quán triệt nội dung và tinh thần các quy định của Luật tiếp cận thông tin. Bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan để kịp thời tự mình hoặc đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tiếp cận thông tin.

Bố trí đầu mối cung cấp thông tin

Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành Luật như: Phân công, bố trí cơ quan, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc lập, vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê phục vụ cho việc cung cấp thông tin.

Ngoài ra, cần trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin của công dân tại trụ sở cơ quan và qua mạng điện tử.

Thường xuyên cập nhật và công khai thông tin

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương, từ đó bố trí nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho công dân.

Hoàn thành việc lập Danh mục thông tin phải được công khai; đăng tải Danh mục trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan trước khi Luật có hiệu lực 30 ngày; thường xuyên cập nhật và công khai thông tin đúng thời điểm, thời hạn và hình thức theo Danh mục thông tin.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp; kịp thời xem xét, cân nhắc lợi ích của việc cung cấp thông tin nhằm bảo đảm lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng.

Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.

Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại nhà nước; tổng hợp kế hoạch hoạt động đối ngoại của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương; hướng dẫn tổ chức thực hiện và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện các hoạt động đối ngoại; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn nghiệp vụ đối ngoại cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương...

Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về công tác lãnh sự, Bộ Ngoại giao bảo hộ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; thực hiện công tác hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự, ủy thác tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài thuộc đối tượng do Bộ Ngoại giao quản lý theo quy định của pháp luật.

Về biên giới, lãnh thổ quốc gia, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương thực hiện nghiên cứu, tổng hợp, kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia, vùng trời, các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Việt Nam; giải quyết tranh chấp, đấu tranh bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa; đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý thích hợp...

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm các đơn vị sau: Vụ ASEAN, Vụ Châu Âu, Vụ Châu Mỹ, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Vụ Trung Đông - Châu Phi, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ các Tổ chức quốc tế, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Vụ Tổng hợp kinh tế, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Vụ Thông tin Báo chí, Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục Cơ yếu, Cục Ngoại vụ, Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân Nhà nước, Cục Quản trị Tài vụ, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia, Học viện Ngoại giao, Báo Thế giới và Việt Nam, Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài, Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia, Trung tâm Thông tin và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển bị phạt từ 3 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa hoặc đối với hàng hóa kinh doanh, vận chuyển có điều kiện mà tại thời điểm kiểm tra, không có hoặc không đầy đủ giấy tờ đi liền, kèm theo để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đó đối với trường hợp hàng hóa có giá trị dưới 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm: Tàu ngầm, phương tiện đi ngầm của nước ngoài không treo cờ quốc tịch khi hoạt động trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ quốc tịch.

Nghị định có hiệu lực từ 1/5/2017.

Thay đổi nhân sự Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 321/QĐ-TTg sửa đổi Điều 3 Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Quyết định số 321/QĐ-TTg sửa đổi về thành viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (Ủy ban). Theo đó, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Chủ tịch gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Xây dựng; Giao thông vận tải; Y tế; Công Thương. Đối với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an có thể cử một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng làm Ủy viên Ủy ban.

Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số chuyên gia quản lý, nhà nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Khi có sự thay đổi nhân sự tham gia Ủy viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ, cơ quan có liên quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu.

Các thành viên của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

Xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm sản xuất điện tử của Châu Á

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Thông báo nêu rõ, về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh cần phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong thời gian qua, không chủ quan tự thỏa mãn với những thành tựu mà cần nỗ lực phấn đấu, vươn lên tầm cao mới, không ngừng đổi mới, tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường kinh doanh, phấn đấu không những là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước mà phải trở thành biểu tượng của sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao và nền kinh tế sáng tạo khu vực ASEAN và Châu Á. Xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm sản xuất điện tử của Châu Á, một trong những công xưởng sản xuất công nghiệp điện tử công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng Bắc Ninh trở thành đô thị hiện đại, thông minh, theo chuẩn mực của khu vực và thế giới; hình mẫu độc đáo về tư duy phát triển thịnh vượng dựa trên kinh tế tri thức, các mô hình sáng tạo, đột phá trong lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong phát triển các dịch vụ trên nền tảng chiều sâu văn hóa. Cùng với đó là làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị, vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bắc Ninh cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017. Cùng với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh phải là một động lực phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính quyền điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; xử lý tốt thông tin phản hồi của doanh nghiệp, người dân; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường an toàn để doanh nghiệp và người dân đầu tư, sản xuất kinh doanh.  

Về xây dựng Đề án thành phố Bắc Ninh là thành phố thông minh, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, Tỉnh nghiên cứu tính toán nguồn lực, cơ chế chính sách và đánh giá tác động của Đề án đối với sự phát triển của địa phương, vùng và cả nước, trên cơ sở đó lập Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô.

Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đã có thêm nhiều sản phẩm ô tô, mẫu mã ngày càng đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đã sản xuất được những sản phẩm có tiêu chuẩn quốc tế. Ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được những kết quả phát triển bước đầu quan trọng, cung cấp được một số phụ tùng, linh kiện, thiết bị đáp ứng một phần nhu cầu cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đã có một số sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đã đề ra; giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực…

Dự báo Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hoá trong thời gian tới, đây là cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của nước ta, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô, tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu.

Nghiên cứu biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nhập khẩu tăng đột biến

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc); dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực; đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế; nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này; rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế; rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.

Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ô tô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng./.

Top