Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10

14/10/2019 23:10

Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”.

Đề án định hướng phát triển trường cao đẳng (không bao gồm trường cao đẳng sư phạm) chất lượng cao đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phát triển trường cao đẳng chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo nghề của thế giới; bảo đảm tính hệ thống, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, các giải pháp đồng bộ, khả thi.

Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường cao đẳng khác được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.

Mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.

Giai đoạn 2021 - 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng và ban hành các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao về: quy mô đào tạo; trình độ nhà giáo; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo. Trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao.

Đồng thời lựa chọn một số trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao để có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo và được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao theo mục tiêu của Đề án.

Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới đối với các trường cao đẳng được lựa chọn.

Xây dựng và áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng ở các trường cao đẳng được lựa chọn; triển khai số hóa các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý cán bộ, nhà giáo; mô phỏng hóa các chương trình đào tạo, trước hết là cho các ngành, nghề trọng điểm.

Về cơ chế, chính sách phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường cao đẳng (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.

Di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 2

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Về nội dung Báo cáo tình hình thực hiện dự án của UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng báo cáo; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo gửi Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án theo quy định.

Tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, có tổng chiều dài gần 20 km, với điểm đầu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TPHCM) và điểm cuối đặt tại Bến xe Tây Ninh.

Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một (Bến Thành-Tham Lương) có chiều dài 11,3 km, đi qua các Quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với 9,3 km đi ngầm ở độ sâu trung bình 18m. Đoạn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư là hơn 26.110 tỷ đổng (hơn 1,3 tỷ USD).

Sự hình thành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm TP.HCM.

Xử lý thông tin báo nêu về đánh giá, xếp loại học sinh

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về xử lý thông tin báo Tuổi trẻ nêu về đánh giá, xếp loại học sinh phổ thông.

Cụ thể, Báo Tuổi trẻ điện tử số ra ngày 17/9/2019 thông tin: Học sinh ở trường phổ thông hiện vẫn được đánh giá, xếp loại vào học lực và hạnh kiểm. Nhưng học lực là chủ yếu, hạnh kiểm chỉ là cho có, chưa phản ánh học sinh đã rèn giũa và uốn nắn được nét nhân cách, phẩm chất tốt đẹp nào. Có ý kiến đề xuất chấm điểm học sinh dựa trên ý thức, thói quen tốt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung trên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham khảo, phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Trình bày, tiếp thu một số dự án luật tại Phiên họp 38 UBTVQH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phân công đại diện Lãnh đạo Chính phủ tham dự Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 14-17/10/2019.

Theo phân công, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày và tiếp thu đối với Báo cáo của Chính phủ về Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày và tiếp thu đối với: 1- Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; 2- Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án; 3-Tờ trình của Chính phủ về việc rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; 4- Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tạo dự án Hồ chứa nước Ka Pét; 5- Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); 6- Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày và tiếp thu đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn sự nghiệp ngoài nước cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện dự án viện trợ của Chính phủ Bỉ; kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn cấp phát và viện trợ nguồn vốn nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2019 (tại văn bản số 3102/TTKQH-TH ngày 11/10/2019 của Tổng Thư ký Quốc hội).

Thủ tướng cũng phân công Bộ trưởng Bộ Tư pháp tham dự và tiếp thu đối với nội dung: Thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày và tiếp thu đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày và tiếp thu: 1- Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội; 2- Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân, thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2021./.

Top