Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9

13/09/2019 19:55

Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Mục tiêu của Chương trình là các quần thể rùa nguy cấp của Việt Nam và môi trường sống của chúng được bảo vệ và phát triển bền vững, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Các mục tiêu cụ thể đối với công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gồm: 1- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp; 2- Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp, đặc biệt đối với các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; 3- Xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện hiệu quả; 4- Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; 5- Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian tới là rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; duy trì, phục hồi quần thể; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn, ngăn ngừa các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp.

Thành lập 2 trạm cứu hộ rùa biển

Trong đó, Chương trình sẽ thành lập 3 khu bảo tồn loài và sinh cảnh mới cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp (Dự kiến triển khai đối với: các quần thể loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) tại khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và nhóm các loài rùa hộp thuộc giống Cuora tại khu vực huyện Đông Hòa và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).

Đồng thời, xây dựng, thực hiện các dự án phục hồi quần thể đối với một số loài rùa cạn và rùa nước ngọt thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Dự kiến lựa chọn triển khai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa); bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển, tập trung tại các khu vực: Bái Tử Long và Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Hải Lăng (Quảng Trị), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cam Lâm (Khánh Hòa), Hòn Khô - Hải Giang (Bình Định), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang) và phục hồi bãi đẻ, nơi sinh cư của rùa biển bị suy thoái tại các khu vực: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Cùng với đó, thành lập và vận hành 2 trạm cứu hộ rùa biển tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa.

Nghiên cứu thông tin phản ánh quy định về điều kiện nhập cảnh

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh quy định về điều kiện nhập cảnh.

Trước đó, báo Tiền phong điện tử số ra ngày 19/8/2019 thông tin: Quy định về điều kiện nhập cảnh là Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày rất khó thu hút khách du lịch. Theo Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, gỡ bỏ được rào cản này, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển khách của Đông Nam Á. Miễn thị thực đơn phương không quá 15 ngày là điểm hạn chế lớn trong thu hút khách quốc tế thị trường xa.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Hội nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam.

Hội nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị một cách thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.

Nghiên cứu, phát triển du lịch sinh thái tại vườn quốc gia, khu bảo tồn

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất quy định để triển khai, phát triển hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên.

Trước đó, tạp chí Tài chính điện tử số ra ngày 02/9/2019 thông tin: Phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nâng cao khả năng tự chủ tài chính của các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên là đúng hướng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định cụ thể, chi tiết để làm cơ sở triển khai hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên; nghiên cứu chính sách cho thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, đề xuất.

Nghiên cứu giải pháp phù hợp phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu thông tin Báo Thanh niên phản ánh để có giải pháp phù hợp phát triển ngành du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Báo Thanh niên điện tử số ra ngày 4/9/2019 thông tin: Vấn đề của du lịch đồng bằng sông Cửu Long là mỗi tỉnh, thành chưa được làm nổi bật lên nét đặc sắc của từng sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tốt công tác xúc tiến để biến những thứ na ná giống nhau thành từng sản phẩm đặc trưng. Sự khác biệt còn phụ thuộc vào mức độ quan tâm, đầu tư cho du lịch; tài nguyên du lịch nếu được đầu tư thành sản phẩm nhân tạo có tính trải nghiệm cao sẽ khác biệt. Nhiều sản phẩm trải nghiệm, du khách sẽ quay lại nhiều hơn.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu để có giải pháp phù hợp.

Tiền Giang phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Thông báo kết luận nêu rõ, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm đạt 7,07%, cao hơn bình quân cả nước, các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá; trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn đạt mức tăng 2,49%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,88%, khu vực dịch vụ tăng 6,08%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Trong 7 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,3% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3%, khách du lịch tăng 6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 63,3% kế hoạch, tăng 35,7% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới là 366 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 3.928,5 tỷ đồng; thu hút 14 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.574 tỷ đồng, gấp 8,68 lần so với cùng kỳ.

Về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 15 năm (2003-2018), toàn tỉnh thành lập mới 127 hợp tác xã, với 6.155 thành viên, vốn góp là 52,4 tỷ đồng; hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả...

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy thành tích đạt được trong 7 tháng năm 2019; bám sát và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, số 02/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019.

Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019. Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn như: dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cầu Mỹ Thuận 2, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện các chỉ số về phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng. Tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của địa phương trong tháng 9/2019. Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu, phát triển hợp lý công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch và công nghiệp phục vụ nông lâm ngư nghiệp.

Tiếp tục làm tốt công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; an toàn giao thông; bảo vệ môi trường; phòng chống, trấn áp các tội phạm ma túy, tín dụng đen, khai thác cát trái phép.

Long An phấn đấu tự cân đối ngân sách từ năm 2021

Tỉnh Long An cần phát huy vị thế nằm sát các trung tâm kinh tế lớn Vùng Đông Nam Bộ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành địa phương tự cân đối được ngân sách từ năm 2021.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An.

Thông báo nêu rõ, thời gian qua, tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tiếp tục duy trì đà phát triển trong năm 2019. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) 06 tháng đầu năm 2019 đạt 9,89%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước; trong đó động lực cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 14,65%, khu vực thương mại, dịch vụ tăng 7,5%...

Bên cạnh kết quả đạt được, tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp 06 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2,17%, thấp hơn mức bình quân của cả nước; mặc dù tốc độ phát triển doanh nghiệp đạt mức khá nhưng chỉ số mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp hơn mức bình quân của cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2018 giảm 24 bậc so với năm 2017 …

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Long An cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được trong 7 tháng đầu năm; bám sát và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2019.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019. Tập trung triển khai và hoàn thành công tác lập quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch; sớm triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát huy vị thế nằm sát các trung tâm kinh tế lớn Vùng Đông Nam Bộ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành địa phương tự cân đối được ngân sách từ năm 2021. Tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và công ty nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp có vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải thể công ty lâm nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện các chỉ số mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân.

Tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương; trong đó cần làm rõ khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của tổ hợp tác, giải pháp kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hợp tác, vai trò của hợp tác xã và tổ hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Tiếp tục quan tâm công tác xây dựng nông thôn mới; tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương trong tháng 9 năm 2019 theo kế hoạch tổng thể đã ban hành, trong đó cần đánh giá, đúc kết những đặc thù trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương để chuẩn bị tham luận tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn quốc.

Triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Về Dự án kè thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ và Dự án xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào phương án phân bổ nguồn 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 300/TB-VPCP ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.

Về các dự án xử lý sạt lở tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, dự án cầu trên cống Rạch Chanh và cầu trên cống Bắc Đông trên tuyến Quốc lộ 62, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An rà soát, lựa chọn Dự án cấp bách cần phải làm ngay, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 để thực hiện.

Với Dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Long An rà soát, thống kê các trường hợp đã quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường nhưng đến nay chưa chuyển kinh phí để chi trả cho người dân và xem xét, bố trí vốn để xử lý dứt điểm; rà soát, tổng hợp dự án vào Danh mục các dự án của Bộ quản lý theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Hoàn thiện hồ sơ về phương án thiết kế, thi công ga C9

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Về phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất đảm bảo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp có ý kiến chính thức bằng văn bản về phương án do UBND thành phố Hà Nội đề xuất, gửi UBND thành phố Hà Nội để UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.

Top