Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/6

13/06/2019 18:15

Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Nghị định trên quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: a- Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 đến 03 tháng: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ; b- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả như trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: 1- Buộc cải chính thông tin sai sự thật; 2- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; 3- Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có số liệu, nội dung sai sự thật; 4- Buộc hủy bỏ báo cáo sai sự thật về tiến độ, nội dung, kết quả nghiên cứu; 5- Buộc hoàn trả số tiền đã chiếm dụng bất hợp pháp; 6- Buộc nộp lại số tiền đã sử dụng sai mục đích, sử dụng trùng lặp; 7- Buộc nộp lại số tiền không hoàn trả đúng hạn; 8- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, trang thiết bị, phương tiện; 9- Buộc hủy bỏ kết quả công nhận giải thưởng; 10- Buộc phân chia đúng tỷ lệ phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Xử phạt vi phạm hành chính

Nghị định quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thành viên hội đồng khoa học và công nghệ công bố, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, nhận xét và kết quả tư vấn khi chưa được sự cho phép của cơ quan quyết định thành lập hội đồng; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với những vi phạm về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về kết quả khai thác, chuyển giao hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; không thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; không thực hiện đúng quyết định giao quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a- Sử dụng, công bố số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác để hoàn thiện, phát triển công nghệ nhằm thương mại hóa, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó; b- Đăng ký, công bố công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức khác mà chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó; c- Sử dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu của cá nhân, tổ chức khác để đăng ký tham dự triển lãm, cuộc thi, giải thưởng về khoa học và công nghệ mà chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

----------------------

Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền và bảo hiểm tiền gửi; chiến lược, chương trình, đề án, dự án quan trọng về đổi mới và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền và bảo hiểm tiền gửi.

Đồng thời trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, phê duyệt hoặc ban hành kế hoạch dài hạn, năm năm và hằng năm về phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, về thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng và các loại giấy phép hoạt động ngân hàng khác theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, trừ nhân sự của ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhân sự do chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cử hoặc giới thiệu; chấp thuận người dự kiến được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài...

Xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra đối với Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh...

Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có 8 đơn vị: 1- Vụ Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; 2- Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng; 3- Văn phòng; 4- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I; 5- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II; 6- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III; 7- Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; 8- Cục Phòng, chống rửa tiền.

Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng được ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Văn phòng có 6 phòng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I có 6 phòng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II có 6 phòng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III có 4 phòng, Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có 4 phòng, Cục Phòng, chống rửa tiền có 4 phòng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và không quá 4 Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

----------------------

Chuyển mục đích sử dụng đất tại 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn 2 tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ninh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định chuyển mục đích sử dụng 18,9 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định chuyển mục đích sử dụng 15,27 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại 2 tỉnh trên./.

Top