Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6/2020

12/06/2020 20:42

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 

Đảm bảo thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế; triển khai các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch; tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới có nhiều điểm sáng, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Chúng ta đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, xã hội phục hồi nhanh và mạnh, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế cả trong phòng, chống dịch COVID-19 và sự an toàn của nền kinh tế;...

Tuy nhiên, nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại tiếp tục xung hướng tăng. Áp lực lạm phát gia tăng. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có xu hướng giảm. Cân đối ngân sách nhà nước gặp khó khăn; bội chi ngân sách có xu hướng gia tăng. Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, tiếp tục nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", không được chủ quan, kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng; thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020; trong đó kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung.

Cụ thể, tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, nhất là các đối tác lớn, và trong nước, chủ động có đối sách, giải pháp phù hợp, kịp thời. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội, tín dụng và tài khóa cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra; đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Từng bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân; tận dụng thời cơ, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại từng ngành, từng lĩnh vực; đổi mới cách làm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

Đặc biệt, các địa phương trụ cột, đầu tàu kinh tế của cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm phải nỗ lực, tạo lan tỏa trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đảm bảo thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương có phương án điều tiết hiệu quả để giảm giá thịt lợn với các giải pháp phù hợp, căn cơ, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là giải quyết khâu đầu vào, giống, thức ăn, đẩy nhanh tái đàn gắn với khống chế dịch tả lợn châu Phi cùng các biện pháp khác, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và tổ chức tốt phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đủ nước sạch cho người dân khi hạn hán, xâm nhập mặn. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện các giải pháp nhằm cơ cấu lại, khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương có cơ chế, biện pháp quản lý đất đai tại các khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; dự án sân bay quốc tế Long Thành; triển khai ngay các thủ tục đối với các dự án đầu tư công và các dự án theo hình thức PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương đề xuất tháo gỡ nguồn vốn đối ứng của dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Triển khai các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Tổ chức hướng dẫn hoạt động vui chơi lành mạnh cho trẻ em, nhất là việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè. UBND các cấp, các trường học, cơ sở giáo dục xác định rõ trách nhiệm, cùng phối hợp với gia đình và sự giám sát của các tổ chức đoàn thể trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em.

Bên cạnh đó, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ. UBND cấp tỉnh đẩy nhanh công tác rà soát, phê duyệt để hỗ trợ cho các đối tượng chính xác, kịp thời. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương công khai việc thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để người dân giám sát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hỗ trợ đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét về việc sửa đổi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 theo hướng xây dựng tiêu chí phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý sớm, tránh để lãng phí tài sản của vụ án kinh tế, tham nhũng; phân công Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, có phương án phù hợp mở một số đường bay quốc tế kết nối với các điểm trung chuyển để đưa người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài và nhà đầu tư vào Việt Nam, bảo đảm an toàn phòng dịch trong cộng đồng.

Tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trường học tăng cường tổ chức hoạt động vui chơi trong nhà trường, phối hợp dạy kỹ năng bơi cho học sinh để phòng, chống đuối nước trong dịp nghỉ hè. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là việc đưa vào sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới.

Chủ trì đề xuất và phối hợp với các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính và các bộ cơ quan liên quan xem xét việc hỗ trợ người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; các chế độ, chính sách cho các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; chính sách đối với việc dạy học, tập huấn giáo viên trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi. Các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ điều kiện dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng, cơ cấu lại thị trường du lịch, tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa với thông điệp Du lịch Việt Nam an toàn, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Bộ Công an tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp; tập trung trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, dự án đầu tư, môi giới việc làm, lao động và học tập tại nước ngoài, thương mại điện tử, an ninh mạng... Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, duy trì trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và doanh nghiệp điện tử và thanh toán điện tử; khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin truyền thông về những thành công trong phòng, chống dịch COVID-19; những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, những mô hình mới, kinh nghiệm tốt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời phản ánh những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ và những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sửa quy định quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thành phương án phát triển cụm công nghiệp. Trong đó nêu rõ cơ sở xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp gồm: a- Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; b- Định hướng phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn; c- Nhu cầu diện tích mặt bằng để thu hút, di dời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp; d- Khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn; đ- Yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương.

Nội dung chủ yếu của phương án phát triển cụm công nghiệp bao gồm 6 nội dung:

1- Căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp.

2- Đánh giá thực hiện các mục tiêu, nội dung chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; dự kiến mục tiêu, nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ yếu, ưu tiên và dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn tác động đến phát triển các cụm công nghiệp trong thời kỳ quy hoạch; dự báo nhu cầu mặt bằng của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các cụm công nghiệp.

3- Đánh giá hiện trạng, tiến độ xây dựng, hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn; tình hình thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, quản lý cụm công nghiệp; đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý môi trường, hiệu quả kinh tế-xã hội của từng cụm công nghiệp; những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân.

4- Xây dựng các kịch bản phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; trong mỗi kịch bản có thuyết minh đối với từng cụm công nghiệp gồm tên gọi, vị trí, diện tích, hiện trạng đất đai trên nguyên tắc hạn chế sử dụng đất đã quy hoạch trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ngành nghề hoạt động (định hướng các ngành, nghề có tính liên kết, trong cùng chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ); giải trình cơ sở điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; giải pháp thu hút đầu tư, dự kiến tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng, thu hút lấp đầy và tạo việc làm cho người lao động địa phương; đánh giá khả năng kết nối hạ tầng kinh tế-xã hội ngoài cụm công nghiệp và các yếu tố thuận lợi, khó khăn.

5- Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của các kịch bản phát triển cụm công nghiệp; đề xuất một kịch bản tối ưu làm phương án phát triển kèm theo danh mục các cụm công nghiệp dự kiến phát triển và thể hiện trên bản đồ gồm: tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

6- Giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; giải pháp đánh giá, xử lý hiện trạng môi trường, dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các cụm công nghiệp dự kiến trong phương án phát triển, đặc biệt cụm công nghiệp đã thành lập, hoạt động trên địa bàn và tổ chức thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2020.

Hướng dẫn thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul

Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Nghị định này hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả sổ tạm quản, bảo đảm thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa (Công ước Istanbul).

Nghị định này không áp dụng đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, hàng hóa quá cảnh. 

Nghị định quy định rõ các hàng hóa được tạm quản gồm: 1- Hàng hóa để trưng bày tại sự kiện quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này; 2- Hàng hóa sử dụng tại sự kiện bao gồm: Hàng hóa cần thiết cho mục đích giới thiệu máy móc nước ngoài hoặc thiết bị trưng bày, vật liệu xây dựng và trang trí, kể cả thiết bị điện cho gian hàng, quầy hàng; vật liệu quảng cáo và trưng bày để giới thiệu hàng hóa; 3- Trang thiết bị bao gồm thiết bị phiên dịch, thiết bị ghi âm thanh và hình ảnh, phim mang tính giáo dục, khoa học và văn hóa sử dụng tại sự kiện.

Hàng hóa tạm quản theo quy định tại Nghị định này trong thời gian tham gia các sự kiện không được sử dụng cho mục đích khác. Khi kết thúc sự kiện, hàng hóa tạm quản phải được tái xuất, tái nhập hoặc thực hiện các thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, thay đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa tạm quản chỉ được phép sử dụng tại các sự kiện ở Việt Nam sau khi hoàn thành thủ tục tạm nhập theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Điều kiện áp dụng tạm quản

Nghị định quy định điều kiện áp dụng tạm quản gồm: 1- Hàng hóa tạm quản phải tuân thủ các chính sách về quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập của pháp luật; 2- Hàng hóa tạm quản phải phù hợp với mục đích tổ chức, tham gia sự kiện quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này và được nhận diện bằng số seri hoặc đặc điểm, dấu hiệu nhận diện riêng; 3- Người khai hải quan sử dụng sổ ATA (sổ tạm quản) còn hiệu lực theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và được cấp bởi cơ quan cấp sổ ATA để thực hiện thủ tục hải quan.

Về thời hạn tạm quản, Nghị định quy định, thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập và trong thời gian sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).

Thời hạn tạm xuất tái nhập hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm xuất và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).

Trường hợp hàng hóa không thể tái xuất ra khỏi quốc gia hàng đến trước khi hết thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này, người khai hải quan thực hiện cấp sổ ATA thay thế theo quy định tại Điều 9 Nghị định này để gia hạn thời hạn tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm xuất.

Trường hợp hàng hóa không thể tái xuất đúng thời hạn quy định ở trên do bị tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì trong thời hạn tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chủ sổ không bị xử lý vi phạm về hành vi quá thời hạn tạm nhập nhưng không tái xuất.

Quản lý người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức quản lý và các chế độ (bao gồm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, liên lạc, thăm gặp, nhận quà, khám bệnh, chữa bệnh, chi phí mai táng) đối với người chấp hành án phạt trục xuất, người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất và người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh (gọi chung là người lưu trú).

Trong đó, về tổ chức quản lý người lưu trú, người lưu trú phải ở tập trung tại cơ sở lưu trú và chịu sự quản lý, giám sát của cơ sở lưu trú, được phổ biến Nội quy cơ sở lưu trú và các quy định của pháp luật về quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú. Cơ sở lưu trú tổ chức tiếp nhận, quản lý người có quyết định đưa vào cơ sở lưu trú và bàn giao người lưu trú ra khỏi cơ sở lưu trú theo đúng quy định của pháp luật và Bộ Công an.

Cơ sở lưu trú thực hiện các quy định về canh gác, dẫn giải, quản lý chặt chẽ người lưu trú trong thời gian lưu trú; xây dựng phương án và tổ chức các biện pháp bảo vệ an toàn cơ sở lưu trú; phối hợp truy tìm người lưu trú bỏ trốn khỏi cơ sở lưu trú; kiểm tra thư, bưu phẩm, tiền mặt, giấy tờ có giá, đồ vật của người lưu trú nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đồ vật cấm mang vào cơ sở lưu trú; tiếp nhận, trả lời đơn thư, đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở lưu trú, người lưu trú và quản lý hồ sơ, cơ sở dữ liệu của người lưu trú theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lưu trú vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú, chống đối, không chấp hành sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú thì phải lập biên bản, có người chứng kiến và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cán bộ cơ sở lưu trú giải thích các quy định của pháp luật về việc quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lưu trú, yêu cầu họ chấp hành Nội quy cơ sở lưu trú và mệnh lệnh của cán bộ cơ sở lưu trú; trường hợp cần thiết, cán bộ cơ sở lưu trú tiến hành sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để khống chế, cách ly người lưu trú sang phòng riêng, vô hiệu hóa hành vi chống đối của người lưu trú, phòng ngừa, ngăn chặn người lưu trú bỏ trốn, có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân, người lưu trú khác hoặc cán bộ cơ sở lưu trú; hủy hoại tài sản của cơ sở lưu trú. Thời gian quản lý tại phòng riêng do Trưởng cơ sở lưu trú quyết định.

Cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án (đối với trường hợp người lưu trú là người chấp hành án phạt trục xuất) hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất (đối với người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là trục xuất) để phối hợp, giải quyết...

Trường hợp hành vi vi phạm của người lưu trú có dấu hiệu tội phạm thì cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, cơ sở lưu trú phải quản lý chặt chẽ, không để người lưu trú bỏ trốn, tự sát hoặc vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú. Đồng thời, thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú để thông báo cho các cơ quan nêu trên biết, phối hợp giải quyết.

Khu vực cấm, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái

Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ  khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Khu vực cấm bay

Khu vực cấm bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ gồm : 1- Khu vực các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 500 m ở mọi độ cao.

2- Khu vực trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương; trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 200 m ở mọi độ cao.

3- Khu vực quốc phòng, an ninh gồm: Khu vực đóng quân; khu vực triển khai lực lượng, trang bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ mục tiêu; khu vực kho tàng, nhà máy, căn cứ (trung tâm) hậu cần, kỹ thuật, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; khu vực các công trình trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 500 m ở mọi độ cao.

4- Khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự. Cụ thể:

- Đối với sân bay có 01 đường cất, hạ cánh, phạm vi cấm được giới hạn trong khu vực hình chữ nhật được xác định từ vị trí ngưỡng tại hai đầu của đường cất, hạ cánh mở rộng và kéo dài ra phía ngoài hai đầu đường cất, hạ cánh đến 15.000 m và từ đường tim của đường cất, hạ cánh mở rộng sang hai bên 5.000 m ở mọi độ cao.

- Đối với sân bay có từ 02 đường cất, hạ cánh trở lên thì phạm vi cấm được giới hạn khu vực hình chữ nhật, được xác định từ vị trí ngưỡng của đường cất, hạ cánh xa nhất theo chiều cất, hạ cánh của tàu bay, mở rộng và kéo dài ra phía ngoài hai đầu đường cất, hạ cánh đến 15.000 m và mở rộng sang hai bên 5.000 m tính từ đường tim của 02 đường cất, hạ cánh ngoài cùng ở mọi độ cao.

- Đối với một số khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng với tần suất nhỏ hơn 6 chuyến mỗi ngày cho phép áp dụng khu vực cấm bay linh hoạt. Nhưng, không được bay phía trong ranh giới khu vực cảng hàng không, sân bay; không được bay trong thời gian trước và sau 01 giờ so với thời gian có hoạt động của tàu bay có người lái tại cảng hàng không, sân bay; chỉ bay khi được sự đồng ý của cơ quan quản lý, điều hành bay quân sự và cơ quan quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay đó.

5- Khu vực nằm trong giới hạn của đường hàng không, các vệt bay, hành lang bay đã được cấp phép trong vùng trời Việt Nam, phạm vi giới hạn của đường hàng không được nêu trong Tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam “AIP Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam công bố.

Quyết định nêu rõ trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo an toàn bay, trật tự an toàn xã hội, Bộ Quốc phòng quyết định hạn chế bay tạm thời hoặc cấm bay tạm thời đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ tại một hoặc một số khu vực trong lãnh thổ Việt Nam; quyết định này có hiệu lực ngay.

Khu vực hạn chế bay

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định  khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ gồm:

1- Khu vực vùng trời có độ cao lớn hơn 120 m so với địa hình (không bao gồm vùng trời các khu vực cấm bay quy định ở trên).

2- Khu vực tập trung đông người.

3- Khu vực biên giới: a- Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc là 25.000 m tính từ đường biên giới trở vào nội địa Việt Nam ở mọi độ cao; b- Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia là 10.000 m tính từ đường biên giới trở vào nội địa Việt Nam ở mọi độ cao.

4- Khu vực tiếp giáp với khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, tàu bay quân sự mở rộng ra phía ngoài 3.000 m theo chiều rộng, 5.000 m theo chiều dài, tính từ ranh giới khu vực cấm bay tại cảng hàng không, sân bay; độ cao nhỏ hơn 120 m so với địa hình.

Việc tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong khu vực hạn chế bay phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan cấp phép bay.

Phát triển TP. Việt Trì trở thành thành phố lễ hội

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, thành phố Việt Trì  được xây dựng và phát triển bao gồm cả Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam.  

Tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa, môi trường sống đặc trưng vùng đất Tổ: cởi mở, thân thiện, đoàn kết; có quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; các thành phần tham gia hoạt động lễ hội bảo đảm chuẩn mực về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tiến tới người dân là chủ thể thực hiện các nghi lễ

Về định hướng phát triển, phát huy tính tự nguyện, tự quản của người dân, tiến tới người dân là chủ thể thực hiện các nghi lễ; nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương gắn với phát triển du lịch, dịch vụ góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Mỗi người dân địa phương cũng như du khách đều là chủ thể thực hành các tập quán, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, chủ động và tích cực tham gia bảo vệ, gìn giữ, trao truyền, làm sống động giá trị nguyên bản của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương, đất nước.

Đồng thời, tăng dần cơ cấu du lịch dịch vụ trong phát triển kinh tế-xã hội; xử lý tốt môi trường đô thị an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tệ nạn xã hội ; cơ sở dịch vụ, thương mại đạt chuẩn, đa dạng đáp ứng nhu cầu của nhân dân cả nước và du khách quốc tế khi hành hương về đất Tổ thực hành nghi lễ "Thờ cúng Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng". Tạo lập được môi trường sinh thái cũng như môi trường sống thực sự chất lượng và đạt tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên” thực sự xứng đáng là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Khuyến khích hình thành các không gian sáng tạo, các công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị cao gắn kết với các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian và các hoạt động du lịch, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp  chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam là về quy hoạch, hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với quy hoạch chung thành phố Việt Trì và quy hoạch tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho phát triển du lịch; gắn các hoạt động lễ hội với các hoạt động dịch vụ, du lịch.

Cùng với đó là khôi phục, duy trì và phát huy các di tích, di sản văn hóa và lễ hội truyền thống; xây dựng, hình thành hạ tầng, môi trường sống; xây dựng cơ sở hạ tầng, không gian đô thị, nhất là cơ sở hạ tầng về dịch vụ, thương mại trực tiếp phục vụ khách du lịch; thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường  hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.

Phê duyệt Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam.

Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực pháp luật trên phạm vi cả nước.

Hội Luật gia Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội; không vì mục đích lợi nhuận.

Nhiệm vụ của Hội

Nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam gồm: chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội; tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tư vấn giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước theo quy định của pháp luật.

Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án khác theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước.

Tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân; tham gia các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật...

Tiêu chuẩn hội viên

Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành khác nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên, tán thành Điều lệ Hội đều có thể được gia nhập Hội Luật gia Việt Nam.

Công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức, tán thành Điều lệ Hội, có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin gia nhập Hội có thể được công nhận là hội viên danh dự của Hội.

Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của Hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền bầu cử, ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội.

Tổ chức của Hội

Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước gồm: 1- Hội Luật gia Việt Nam; 2- Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hội Luật gia cấp tỉnh); 3- Hội Luật gia huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (Hội Luật gia cấp huyện); 4- Chi hội Luật gia trực thuộc.

Chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đường tránh phía đông TP. Đông Hà

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng Dự án đường tránh phía đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (Dự án).

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc: chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án từ hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công; Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quyết định đầu tư Dự án; sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương để triển khai thực hiện Dự án.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện Dự án bảo đảm hiệu quả, phù hợp quy hoạch, đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ điu chnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho 19 dự án của 13 địa phương (Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh) với tổng số vốn là 180,406 tỷ đồng; trong đó: 5,689 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn tại địa phương và 174,717 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh nội bộ giữa các dự án của từng địa phương theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan có liên quan về tính chính xác của các thông tin, số liệu, danh mục và mức vốn của từng dự án được điều chỉnh bổ sung, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm soát giải ngân các dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh căn cứ kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn được điều chỉnh thông báo cho các đơn vị danh mục của từng dự án; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giám sát thực hiện.

Đồng thời, chịu trách nhiệm bố trí vốn cho các dự án được điều chỉnh trong năm 2020 trong phạm vi kế hoạch vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019, bảo đảm phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và cam kết với nhà tài trợ.

Làm rõ nguồn gốc lô hàng của Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ nguồn gốc lô hàng gồm 43 kiện, 10 thùng chứa tại kho hàng NCTS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài.

Trong những ngày qua, trên một số trang tin điện tử có đăng bài phản ánh lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện lô hàng gồm 43 kiện, 10 thùng chứa tại kho hàng NCTS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài, hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.

 

Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, kiểm tra, làm rõ nguồn gốc lô hàng nêu trên và xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết quả trước ngày 1/8/2020./.

Top