Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11

12/11/2021 19:05

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định số 1898/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại Quyết định số 1899/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 --------------------------

Phê duyệt thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương vừa ban hành Quyết định 115/QĐ-HĐPH phê duyệt danh sách thành viên Hội đồng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Hội đồng.

Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng); Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy.

34 Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

 -------------------------

Phải công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng trên Cổng TTĐT Chính phủ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo hằng tháng về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gửi báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) theo quy định tại Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021 của Văn phòng Chính phủ và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Bộ Tài chính tổng hợp chung các báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Kế hoạch và  Đầu tư) theo đúng quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; gửi thông tin về kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công khai theo quy định.
-------------------------

Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam vừa ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Phấn đấu có ít nhất 05 di sản được UNESCO công nhận

Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao.

Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 05 di sản được UNESCO ghi danh theo công ước của UNESCO.

Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

Hàng năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố.

Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP…

11 nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyền truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.

Ngoài ra, Chiến lược còn đề cập đến tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa…

 ---------------------------

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức cho thanh niên, thiếu niên

Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam đã ký Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.

Đồng thời, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Một trong những nội dung của Chương trình là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng gồm các chỉ tiêu: Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên học sinh, sinh viên và  ít nhất 75% tổng số thanh niên Việt Nam còn lại ở trong nước và nước ngoài được tham gia vào các hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm; hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên và ít nhất 80% thiếu niên, nhi đồng tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động lao động tập thể trong và ngoài nhà trường; giới thiệu trên 2 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đến năm 2025 ít nhất 850 nghìn và đến năm 2030 ít nhất 1 triệu đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.

Đến năm 2025 đạt trên 80% thanh niên học sinh, sinh viên ở đô thị, trên 70% thanh niên học sinh, sinh viên ở nông thôn, 60% thanh niên học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng.

Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình cam kết thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên học sinh, sinh viên. Trong đó, hằng năm, phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Phấn đấu 100% thanh niên học sinh, sinh viên hưởng ứng, xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% thanh niên học sinh, sinh viên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì,  20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ; phấn đấu đến năm 2030 đạt 30%, 30% và 25% các chỉ tiêu tương ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như đa dạng hoá nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến; tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng...

 ---------------------------

Xử lý kiến nghị về tiếp nhận lô hàng sữa cho trẻ em

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo xử lý kiến nghị của đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh) về lô hàng sữa công thức cho trẻ em được một số tổ chức của Australia tặng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2021./.


 

Top