Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/6/2020

11/06/2020 22:55

Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự cao cấp Bộ Quốc phòng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự cao cấp Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, tại Quyết định số 789/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Trần Minh Đức, Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 798/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Quang Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2, giữ chức Chính ủy Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 796/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Xuân Dắt, Phó Tư lệnh Quân khu 9 giữ chức Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 793/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Huy Cảnh, Tư lệnh Quân đoàn 2, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 797/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 7, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 791/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 792/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng, Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân, giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 799/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Minh Triều, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định số 801/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại tá Phạm Văn Tính, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân, giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 giữ chức Phó Chính ủy Quân khu 7, Bộ Quốc phòng.

Sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm

Về ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về việc thẩm tra Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019; việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những tháng đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVDI-19, thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sau khi hết dịch bệnh; nghiên cứu sửa đổi, ban hành các quy định thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, bám sát chủ đề Năm an toàn giao thông 2020 và triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ...

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo nhiệm vụ được giao để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nâng cấp và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông: Đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông; Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án sửa chữa đường cất hạ cánh Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý; rà soát, tổ chức lại giao thông ở các tuyến phức tạp, khắc phục tình trạng ùn tắc và xoá bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm có phương án giải quyết những khó khăn của lĩnh vực đường sắt; tiếp tục hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Nâng cao hiệu quả việc quản lý và khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô kinh doanh vận tải, kết nối, chia sẻ với lực lượng công an để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường kiểm soát  tải trọng phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và tại các đầu mối hàng hoá lớn; nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động và phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Đẩy mạnh giám sát, xử phạt vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát

Bộ Công an chủ trì hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ và Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại thông báo số 81/TB-VPCP ngày 06/3/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là đối với lái xe có hành vi vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm,  người đi ô tô không thắt dây an toàn theo quy định; đẩy mạnh giám sát, xử phạt vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát; kết hợp có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phân công, phối hợp có hiệu  quả giữa Cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự, tránh chồng chéo, bỏ sót các trường hợp vi phạm.

Có phương án phối hợp giữa cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động tội phạm trên các tuyến giao thông, các hoạt động đua xe trái phép; cương quyết đấu tranh, trấn áp hiệu quả các đối tượng chống người thi hành công vụ; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đề xuất, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các phương án phân luồng, điều tiết, tổ chức giao thông để khắc phục ùn tắc giao thông, xử lý triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông.

Đến năm 2025, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030 là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Phấn đấu đến năm 2025, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Trước 1/7, ban hành mẫu bản sao điện tử được chứng thực

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ ban hành mẫu, các yêu cầu kỹ thuật đối với bản sao điện tử được chứng thực, hoàn thành trước ngày 01/7/2020.

Trên cơ sở báo cáo của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ ban hành mẫu, các yêu cầu kỹ thuật đối với bản sao điện tử được chứng thực, hoàn thành trước ngày 01/7/2020.

Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan có thẩm quyền chứng thực trong quá trình thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cung cấp công cụ hỗ trợ cán bộ, công chức kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số trên bản sao điện tử được chứng thực, bao gồm chữ ký số chuyên dùng chính phủ và chữ ký số công cộng để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Top