Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6

10/06/2019 19:22

Dành hơn 332,5 tỷ đồng tặng quà cho người có công

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019).

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức quà 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:

Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 28/7/2019 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Mức quà 200.000 đồng để tặng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019) là hơn 332,5 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2019.

---------------------

Quy định cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong Quân đội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định50/2019/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội.

Trong đó, Nghị định quy định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội.

Cụ thể, việc cấp chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp: Cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề; cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề; cấp lại chứng chỉ hành nghề. Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với trường hợp: Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng; đủ điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đã bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Việc cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với trường hợp: Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; bổ sung kỹ thuật chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề; thay đổi thông tin cá nhân và văn bằng chứng chỉ trong chứng chỉ hành nghề.

Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng trên phạm vi toàn quốc.

Chứng chỉ hành nghề của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng trong biên chế theo quy định của Bộ Quốc phòng do cá nhân tự quản lý; chứng chỉ hành nghề của lao động hợp đồng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quản lý.

Một người hành nghề chỉ được phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Nghị định quy định rõ nguyên tắc đăng ký hành nghề. Cụ thể, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.

Một người hành nghề chỉ được phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, không được đồng thời phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc Bộ Quốc phòng.

Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.

Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng được đăng ký hành nghề ngoài giờ và làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ không thuộc Bộ Quốc phòng. Thủ tục đăng ký hành nghề thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc Bộ Quốc phòng nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.

Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng không được đăng ký là người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã.

Hằng năm, người hành nghề phải tham gia đào tạo tối thiểu 24 tiết học cập nhật kiến thức y khoa liên tục thường xuyên trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tạo điều kiện để người hành nghề được tham gia các khóa cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 24/7/2019.

---------------------

Tổng kết Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Theo kế hoạch, việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong 15 năm qua. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam thời gian tới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ việc xây dựng các Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổng kết phải đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 01-KL/TW ngày 4/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và yêu cầu, nội dung tổng kết theo Kế hoạch số 1267-KH/BCĐ ngày 15/5/2019 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW.

Đồng thời kế thừa kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW đã tiến hành vào năm 2015, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, đề xuất các định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật cho giai đoạn tiếp theo; góp phần chuẩn bị nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đề xuất, kiến nghị dự thảo nghị quyết, kết luận hoặc chỉ thị của Bộ Chính trị (nếu có).

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 01-KL/TW tại cơ quan, tổ chức, địa phương.

---------------------

Xử lý một số kiến nghị của tỉnh Hải Dương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo một số cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị của tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, về hỗ trợ vốn đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương), Thủ tướng có ý kiến: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt phân bổ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Dự án, UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án đúng theo quy định hiện hành.

Đối với đoạn qua khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bộ Giao thông vận tảichủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Hải Dương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Về việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thủ tướng yêu cầu trước mắt UBND tỉnh Hải Dương sử dụng số vốn đã được phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chủ động lựa chọn một số hạng mục cần thiết đầu tư, sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện Dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét giải quyết, khi có điều kiện về nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các Khu công nghiệp: Bình Giang, Thanh Hà và bổ sung quy hoạch 1 Khu công nghiệp tại huyện Kim Thành, Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương thực hiện theo Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ các phương án điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp cho phù hợp và có khả năng tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hải Dương khi xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Đối với kiến nghị về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp sân Golf, vui chơi và nghỉ dưỡng sinh thái bãi Soi và chủ trương quy hoạch xây dựng khu vực hồ Bến Tắm để sử dụng vào mục đích xây dựng tổ hợp sơn Golf, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí theo định hướng quy hoạch Vùng 2 trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Chí Linh đến năm 2035, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương rà soát, căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

---------------------

Nghiên cứu phản ánh của báo chí về tình trạng bến nhiều hơn cảng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phản ánh của báo chí về tình trạng bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác hết được tiềm năng.

Về phản ánh của báo Sài Gòn Giải phóng (Cần xác định đúng chức năng của vùng kinh tế trọng điểm để phát triển hệ thống cảng biển tương ứng. Nếu chỉ phát triển cảng theo định hướng chung chung sẽ rơi vào tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" gây lãng phí nguồn lực. Thực tế là, mới chỉ có một số ít cảng được đầu tư đúng nghĩa, còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác được hết tiềm năng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và có ý kiến về việc này.

---------------------

Nhân sự 4 cơ quan

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định nhân sự 4 cơ quan: Viện Hàn lâm Khoa  học xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cụ thể, tại công văn 688/TTg-TCCB, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để GS.TS. Phạm Văn Đức được kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kể từ ngày 18/6/2019 cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Tại Quyết định 696/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Đào Quang Trường, Thành viên Hội đồng quản trị, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tại Quyết định 697/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Khuất Việt Hùng giữ chức vụ Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Tại Quyết định 698/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Bảo Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

---------------------

Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng đa phương thức

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức; ứng dụng các công nghệ vận tải tiến tiến để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về vận tải, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh thương mại, bảo đảm các điều kiện cần thiết để tái cơ cấu lực lượng vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh vận tải.

Đồng thời, tiếp tục triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải, làm nền tảng quy hoạch các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, từ đó hình thành nên cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông vận tải; nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của Bộ Giao thông vận tải và các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin trong các hoạt động của ngành; phát triển các ứng dụng với mục tiêu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải.

Cùng với đó là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải; hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải. Hình thành được các doanh nghiệp vận tải có năng lực, khả năng liên kết các chuỗi vận tải và dịch vụ logistics để cung cấp vận tải đa phương thức, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa đường sắt, hàng không.

Phát triển hợp lý các phương thức vận tải gắn với các nhiệm vụ tái cơ cấu vận tải; tăng cường kết nối giữa các phương thức để phát triển vận tải đa phương thức, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đưa chi phí vận tải hàng hóa xuống còn khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương khoảng 15% GDP.

Ưu tiên phát triển hạ tầng lớn, phát triển vận tải đa phương thức trên hành lang vận tải chính

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án sẽ ưu tiên tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa: Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn tuyến quan trọng thuộc đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức giữa các cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải với thị trường Camphuchia, các cảng khu vực Hải Phòng với Tây Nam Trung Quốc, các cảng khu vực miền Trung với Lào, Thài Lan và Myanmar.

Nâng cao kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hìnhthành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn...

---------------------

Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở  đào tạo cán bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề ánsắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030.

Đề án trên được thực hiện từ nay đến năm 2030 với mục tiêu sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức và tổ chức bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn về tổ chức, bộ máy, cơ cấu hợp lý; có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả.

Mỗi bộ, ngành chỉ có tối đa 01 cơ sở đào tạo

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025, Đề  án thực hiện tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tinh gọn, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán, chồng chéo và trùng lắp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế. Mỗi bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương chỉ có tối đa 01 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, phấn đấu đến năm 2025 có 25% cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, nhân sự và bảo đảm tự chủ chi thường xuyên; 75% bảo đảm tự chủ tối thiểu 50% chi thường xuyên; 20% trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ một phần chi thường xuyên và 5% trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện bảo đảm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ một phần chi thường xuyên. 

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 phấn đấu 100% cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, đáp ứng yêu cầu cải cách chế độ công vụ, công chức; bảo đảm đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đảm nhiệm từ 70% trở lên thời lượng của các chương trình bồi dưỡng do cơ sở thực hiện; đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của trường chính trị đảm nhiệm từ 50% trở lên thời lượng của các chương trình bồi dưỡng do trường thực hiện; nâng dần mức độ tự chủ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 50% cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và bảo đảm tự chủ chi thường xuyên; 50% cơ sở còn lại bảo đảm tự chủ tối thiểu 60% trở lên chi thường xuyên.

Để đạt được những mục tiêu trên từ nay đến năm 2030, Đề án sẽ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tổ chức lại bộ máy bên trong của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng...

---------------------

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Bắc Giang

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 47,16 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ  đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

---------------------

Lập quy hoạch chung đô thị Văn Giang (Hưng Yên)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Hưng Yên trong quá trình lập, thẩm định và trình phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Huyện Văn Giang nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hưng Yên, nằm giữa đường vành đai III và đường vành đai IV của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) và các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm (thuộc tỉnh Hưng Yên), có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị.

Theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Văn Giang được xác định là trung tâm kinh tế - xã hội phía Tây Bắc tỉnh Hưng Yên, phát triển theo định hướng: Đô thị - công nghiệp - thương mại - dịch vụ và phát triển nhà ở; gắn với vùng tỉnh Hưng Yên và Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đô thị Văn Giang được định hướng phát triển đến năm 2030 là đô thị loại III và thuộc nhóm đô thị khuyến khích phát triển nhanh và độc lập. Theo Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 của UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Chương trình phát triển đô thị huyện Văn Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển huyện Văn Giang trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Hưng Yên, là đô thị đa ngành, đa lĩnh vực (thương mại dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp), đầu mối giao thông của Vùng Thủ đô Hà Nội; tập trung phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo nghiên cứu khoa học kỹ thuật và nhà ở sinh thái; mục tiêu xây dựng huyện Văn Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2020, toàn huyện đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại III, thành lập thị xã Văn Giang trước năm 2030.

Trong thời gian qua, kinh tế - xã hội huyện Văn Giang có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động kinh tế, dịch vụ, công nghiệp phát triển nhanh chóng; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở, thương mại dịch vụ tiếp tục được đăng ký đầu tư... tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa của huyện Văn Giang.

Tỉnh Hưng Yên đã tập trung cho công tác quy hoạch để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị (với khu đô thị Ecopark là ví dụ điển hình), phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 như: Khu đô thị nhà vườn sinh thái trên địa bàn thị trấn Văn Giang (Xuân Cầu), khoảng 198ha; Khu đô thị phía Đông huyện Văn Giang (Bách Giang) ở xã Long Hưng, khoảng 100ha; Khu đô thị Dream City ở xã Nghĩa Trụ, Long Hưng, khoảng 455ha… làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Ngoài thu hút các dự án phát triển nhà ở, đô thị, huyện Văn Giang còn thu hút được một số trường đại học về đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn huyện như: Đại học Anh Quốc, Đại học Y khoa Tokyo, Viện đại học mở, Đại học Bách khoa... Đây là cơ sở, nền móng tạo động lực để huyện Văn Giang có điều kiện, cơ sở hạ tầng hình thành và phát triển thành một đô thị với đầy đủ chức năng trong tương lai.

---------------------

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm ranh giới hành chính thành phố Hạ Long, có diện tích tự nhiên khoảng 27.753,9 ha. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm các khu vực lân cận thành phố Hạ Long như: Huyện Hoành Bồ, thị xã Quảng Yên và thành phố Cẩm Phả.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong khu vực và quốc tế. Xây dựng thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Dân số thành phố Hạ Long đến năm 2030 khoảng 570.00 - 600.000 người (dân số thường trú khoảng 380.000 - 400.000 người, dân số quy đổi khoảng 190.000 - 200.000 người).

Thành phố phát triển theo mô hình đa cực, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long; với 4 vùng phát triển:

- Vùng phát triển đô thị về phía Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên vịnh Cửa Lục và vùng Nam huyện Hoành Bồ (thuộc huyện Hoành Bồ), là vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ thành phố Hạ Long.

- Vùng phát triển phía Đông với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của thành phố gắn với phát triển không gian đô thị Cẩm Phả. 

- Vùng phát triển phía Tây với chức năng đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng... hướng phát triển về phía Nam gắn với vịnh Hạ Long.

- Vùng phía Tây mở rộng với chức năng đô thị sinh thái, biển đảo, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên; với các trung tâm du lịch - dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm giáo dục, thể dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển không gian đô thị.

Về định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó, định hướng công nghiệp, chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ cảng sang sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần và kho bãi, với diện tích khoảng 1.416 ha, bao gồm: Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (511 ha) thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại. Từng bước chuyển đổi Khu công nghiệp Cái Lân (305 ha) sang công nghiệp sạch, dài hạn có thể chuyển đổi thành khu vực phức hợp dịch vụ đô thị và dịch vụ cảng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cụm công nghiệp Hà Khánh (50 ha) để đáp ứng các nhu cầu dịch chuyển công nghiệp nhỏ lẻ trong đô thị. Hoàn nguyên môi trường các khai trường mỏ lộ thiên, chuyển đổi thành các khu công viên cây xanh thể dục thể thao (sân golf), khu du lịch, đô thị sinh thái theo lộ trình đối với các khu kết thúc khai thác; xác định các vành đai cây xanh cách ly, các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các mỏ còn tiếp tục khai thác.

Về định hướng phát triển du lịch, phát triển du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại Bãi Cháy - Hùng Thắng, du lịch văn hóa tại khu vực Hòn Gai, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại Tuần Châu, Đại Yên, kết hợp với địa phương lân cận để bổ sung các dịch vụ hỗ trợ du lịch. Thu hút đầu tư hệ thống các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí chất lượng cao để cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách du lịch. Bố trí quỹ đất 524 ha để xây dựng các cơ sở lưu trú như resort, khách sạn, nhà nghỉ...

Phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển Hồng Gai, Hồng Hà, Hà Phong, Cao Xanh, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu... để phục vụ du khách và cộng đồng. Phát triển các hoạt động đa dạng trên vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục để phục vụ du khách./.

Top