Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 04/01/2018

04/01/2018 19:24

Người bị giam giữ được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các biện pháp thi hành Luật.

Trong đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (người bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và được thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (cơ sở quản lý,giam giữ).

Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác và không trái với quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cách thức quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ.

Cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình tín ngưỡng, tôn giáo 
Nghị định cũng quy định việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ. Cụ thể, việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Khi cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo không phải là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình thì được miễn giấy phép xây dựng.

----------------

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về các nội dung sau: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định: Giao, mua sắm, thuê, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước

Nghị định nêu rõ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm tài sản lập 1 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Khoán kinh phí sử dụng tài sản công

Theo Nghị định, đối với khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ, việc khoán kinh phí sử dụng nhà  ở công vụ được áp dụng đối với các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ mà Nhà nước không có nhà ở công vụ để bố trí. Mức khoán kinh phí được xác định trên cơ sở giá thuê nhà  ở phổ biến tại thị trường địa phương nơi đối tượng nhận khoán đến công tác phù hợp với loại nhà ở và diện tích nhà ở theo tiêu chuẩn, định mức áp dụng đối với đối tượng nhận khoán.

Với khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, đối tượng, phương pháp xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Riêng kinh phí khoán trong trường hợp đi công tác được thanh toán cùng với việc thanh toán công tác phí.

Với khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị, cán bộ, công chức và đối tượng khác có tiêu chuẩn sử dụng máy móc, thiết bị đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị trang bị cho cá nhân phục vụ nhiệm vụ được giao.

------------------

Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 5 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Theo Quyết định số 01/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP 33 – 34%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 88%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2018 khoảng 41,6%.

Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 như sau: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 - 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) là 26 giường, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 88,5%.

Những chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1-1,5%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 4%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 58 - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận đào tạo là 23 – 23,5%.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 về thông tin và truyền thông, giáo dục, đào tạo và nhiệm vụ điều tra cơ bản cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương. Các nhiệm vụ điều tra cơ bản được giao theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo để các cơ quan đại diện chủ sở hữu biết, giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2018 cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu căn cứ vào các chỉ tiêu được giao nêu trên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước giao các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho các đơn vị liên quan trước ngày 31/1/2018. Tổ chức thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được giao theo Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định này.

Đồng thời, định kỳ hằng quý, gửi báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

---------------

Hoàn thiện Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Đề án thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã được xây dựng với bố cục đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên Đề án còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên các khía cạnh như: Mở rộng quy mô diện tích của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ra cả huyện Van Ninh, bố trí lại dân cư phù hợp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, phát triển kinh tế- xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, an ninh, quốc phòng trên địa bàn…

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khẩn trương bổ sung các tài liệu của Đề án; tiếp tục hoàn thiện Đề án trên cơ sở làm rõ, cụ thể sự cần thiết thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; căn cứ để triển khai thực hiện (chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013, tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển, phát huy lợi thế của địa phương).

Thực trạng và định hướng của đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo phương án mở rộng bao gồm cả huyện Vạn Ninh (phương án mới) nêu bật lợi thế so sánh với các Khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (cạnh tranh lành mạnh không làm triệt tiêu lẫn nhau giữa các đơn vị hành chính-kinh tế  đặc biệt trong nước, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới) tính đặc thù, phân tích đánh giá ưu điểm, bất cập trong việc lựa chọn phương án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế  đặc biệt…

Định hướng và mục tiêu tổng quát theo ngành, lĩnh vực…; các giải pháp tổ chức thực hiện; xác định mô hình chính quyền địa phương; kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…

UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hoàn thành quy hoạch, trong đó đặc biệu lưu ý trong việc sắp xếp dân cư, bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ đất đai, công tác quốc phòng, an ninh để khi triển khai thực hiện thuận lợi.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện Đề án.

Về phương án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương, tỉnh hoàn thiện Đề án theo phương án lấy toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô, ranh giới, dân số của huyện Vạn Ninh.

---------------

Phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018 - 2020 nhằm xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh; Nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nám Á và Châu Á...

Mục tiêu phấn đấu của VNPT đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 10,8%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Theo phương án cơ cấu lại, ngành, nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ số khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

Cơ cấu lại một số  đơn vị

Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại VNPT, Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 2018 - 2020 thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT); sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại thành phố Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại thành phố Hà Nội). Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh quốc tế của Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT - I); nghiên cứu thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ khi đủ điều kiện; tiếp tục duy trì Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) theo mô hình hạch toán độc lập; nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn góp của VNPT (sáp nhập Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (Potmasco) vào Công ty cổ phần Cokyvina; sáp nhập Công ty cổ phần KASATI vào Công ty cổ phần Viễn thông -Tin học Bưu điện CT-IN và tăng tỷ lệ vốn góp của VNPT tại CT-IN đạt mức trên 35% vốn điều lệ...); giải thể Văn phòng đại diện VNPT tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ - VNPT là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net); Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT - IT); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT - RD); Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ I, II, III.

Đơn vị sự nghiệp gồm: Bệnh viện Bưu điện và bệnh viện Đa khoa Bưu điện.

Các công ty con gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) (nghiên cứu thành lập sau khi hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn); Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology); Công ty cổ phần Viễn thông Tin học Bưu điện (CT-IN); Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF); Công ty VNPT GLOBAL HK (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Các công ty liên kết gồm: Công ty cổ phần COKYVINA; Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và Truyền thông (VNTT); Công ty cổ phần Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT PMC); Công ty cổ phần những trang vàng Việt Nam (VNYP); Công ty cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (PTP); Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ và Truyền thông (NEO); Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS); Công ty ATH Malaysia và Công ty ACASIA Malaysia (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Bên cạnh việc sắp xếp, tổ chức lại, VNPT cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như sau: Hoàn thiện cơ chế quản lý; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; quản lý  tài sản, nguồn vốn và đảm bảo cân đối dòng tiền; tăng cường thực hành tiết kiệm, quản lý chặt chẽ chi phí, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ. Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương; phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.

-------------

Cơ chế đặc thù triển khai các dự  án PPP tại Hà Nội

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về một số cơ chế đặc thù triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để giải quyết ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội.

Cụ thể, về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật Đấu thầu đối với các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật đấu thầu đối với từng dự án cụ thể (trong đó lưu ý làm rõ yếu tố đặc thù của từng dự  án), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cung cấp.

Về chuyển đổi hình thức đầu tư đối với Dự  án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án theo chỉ  đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25 tháng 01 năm 2017, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Về ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn của Thành phố ký kết các hợp đồng dự án nhóm A theo hình thức BT, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân chủ động quyết định việc ủy quyền theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội trong thời gian tới; trong đó nêu rõ khả năng huy động nguồn lực đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2018.

---------------

Bình Thuận cần đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp

Tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đó là ý kiến chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Bình Thuận tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Tỉnh, từ đó rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tái cấu trúc tổng thể kinh tế của tỉnh gắn với tái cấu trúc từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, bảo đảm phát triển đúng quy luật, nhanh và bền vững.

Trên cơ sở quy hoạch, phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; trong đó xác định rõ lộ trình và cơ cấu sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Từ đó xác định các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tái cấu trúc ngành du lịch phải được tính toán cân đối giữa thu hút khách du lịch trong nước và khách quốc tế theo từng khu vực thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch tương ứng đáp ứng nhu cầu của từng thị trường.

Phát triển công nghiệp cần tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), kết hợp bảo vệ tốt môi trường và cảnh quan.

Để khai thác tốt nhất tiềm năng sa khoáng titan trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh cần phối hợp tốt với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá để điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và Quy hoạch khu vực dự trữ quặng titan với bước đi và lộ trình hợp lý để bảo đảm khả thi, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển hài hòa với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội có liên quan trên địa bàn Tỉnh.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao cùng với tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm và toàn ngành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận huy động các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông (sân bay, đường cao tốc, đường ven biển), hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch, nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế của tỉnh và cả vùng. Quan tâm kêu gọi một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch tạo bước đột phá; đồng thời thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhằm phát triển toàn diện ngành du lịch của Tỉnh.

Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường và quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững; đặc biệt giám sát chặt chẽ ô nhiễm ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản; bảo đảm hài hòa giữa khai thác và bảo vệ, phát triển bền vững các nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường. Có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tàu thuyền đánh bắt xa bờ xâm phạm lãnh hải nước ngoài, vi phạm luật pháp quốc tế.

Tỉnh cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng phù hợp để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Tỉnh.

Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi đôi với phát triển số lượng và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, của Vùng, cả nước và xuất khẩu lao động./.

Top