Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/01/2018

03/01/2018 20:56

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định 152/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Nghị định nêu rõ, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp quy định tại Nghị định này được sử dụng làm căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Diện tích làm việc của các chức danh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là diện tích sử dụng được xác định cho một chỗ làm việc. Một người giữ nhiều chức danh thì áp dụng theo diện tích của chức danh có tiêu chuẩn, định mức sử dụng cao nhất.

Diện tích làm việc của các chức danh quy định tại Nghị định này là diện tích tối đa. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, bố trí sử dụng căn cứ tính chất công việc của chức danh, nhu cầu sử dụng, khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ nhà đất hiện có và mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để quyết định cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng diện tích làm việc của các chức danh được xác định trên cơ sở biên chế, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo định hướng biên chế, số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) tại thời điểm xác định.

Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc của các chức danh thuộc Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trong đó, đối với cấp huyện, diện tích tối đa cho một chỗ làm việc là 25 m2/người với chức danh: Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 - 0,9; diện tích tối đa cho một chỗ làm việc là 15 m2/người đối với Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 - dưới 0,7.

Đối với chức danh: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,6; chuyên viên và các chức danh tương đương; cá nhân ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn trực tiếp làm các công việc theo quy định của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, diện tích tối đa cho một chỗ làm việc lần lượt là: 12 m2 , 10 m2, 7 m2/người.

Với cấp xã, diện tích tối đa cho một chỗ làm việc là 15 m2/người với chức danh Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch UBND và các chức danh tương đương.

Với các chức danh: Phó Bí thư Đảng ủy; Phó Chủ tịch UBND; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chức danh tương đương, diện tích tối đa cho một chỗ làm việc là 12 m2/người; diện tích tối đa cho một chỗ làm việc với cán bộ, công chức cấp xã là 10 m2/người; đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc làm 5 m2/người.

 

Sửa đổi quy định bảo đảm kinh phí hoạt động của BHXH

Chính phủ đã ban hành Nghị định 161/2017/NĐ-CP sửa đổi Điều 12 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, sửa đổi Điều 12 về bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về  đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được bố trí trong dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2018.

 

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện 2 Hiệp định thương mại với Hàn Quốc

Chính phủ vừa ban hành 2 Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặt biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định số 149/2017/NĐ-CP quy định cụ thể suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 (thuế suất VKFTA) và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.

Nghị định nêu rõ hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất VKFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện: Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu KV, theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nghị định 157/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này (thuế suất AKFTA).

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất AKFTA phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (bao gồm các nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam (hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước); được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu trên vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AK, theo quy định hiện hành của pháp luật.

Hai Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

 

Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp chưa đầy đủ, kịp thời; một số nội dung quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý; việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất nông nghiệp dành cho công ích còn nhiều bất cập...

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại hạn chế nêu trên nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương.

Trong đó chú trọng xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị  định, thông tư theo phân cấp; đồng thời rà soát bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không phù hợp hoặc đã hết hiệu lực.

Khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất; rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm mà đã quá 03 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất; rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2014; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp khắc phục để thực hiện các dự án, công trình đầu tư.

Chấn chỉnh tình trạng giao đất không đúng quy định

Chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời; tổ chức rà soát các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất mà theo quy định của pháp luật đất đai thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để chuyển sang thuê đất ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể bảo đảm chất lượng và thời gian yêu cầu;  thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này.

Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương để bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện; bãi bỏ, điều chỉnh các nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết; các giấy chứng nhận đã ký còn chưa trao cho người được cấp; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hoàn thành giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.

Xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý  để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tăng cường đẩy mạnh công tác điều tra, khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ  đe dọa tính mạng con người, chủ động bố trí quỹ  đất và có kế hoạch cụ thể để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai.

Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Đẩy mạnh và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật đất đai hiện hành để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sang làm việc khác theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư; chủ động đề xuất, kiến nghị thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai đối với những dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất mà qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện không đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong dư luận xã hội. 

Thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và  đặc thù chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2018; phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên phạm vi cả nước; trường hợp có dấu hiệu sai phạm như sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc quản lý không chặt để bị lấn, bị chiếm đất thì kịp thời, kiên quyết xử lý theo quy định để quản lý chặt chẽ hiệu quả quỹ đất quốc phòng, đồng thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm (nếu có) với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2018.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai kéo dài đã nhiều năm và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, hạn chế tình trạng này.

 

Kiểm tra "Nhà máy ngàn tỉ vừa đi vào hoạt động đã đắp chiếu"

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, làm rõ thông tin Báo điện tử Sài Gòn giải phóng nêu: Nhà máy ngàn tỉ vừa đi vào hoạt động đã "đắp chiếu".

Trước đó, Báo điện tử Sài Gòn giải phóng ngày 15/12/2017 có đăng bài: Nhà máy ngàn tỉ vừa đi vào hoạt động đã "đắp chiếu", trong đó phản ánh Nhà máy Sô đa Chu Lai xây dựng hơn 2.300 tỉ đồng tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) vừa hoàn thành đưa vào hoạt động chừng vài tháng thì "đắp chiếu". Hơn 1 năm qua, hàng trăm công nhân mất việc, bị nợ lương.

Trước thông tin báo nêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2018.

 

Phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

Mục tiêu Đề án nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xia, Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Phi... của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

Phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch để đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy vai trò doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch; toàn ngành du lịch phải có sự đột phá trong phát triển du lịch, đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng giá trị du lịch đóng góp từ 10 đến 12% GDP và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD.

Về định hướng quảng bá, khuyến khích các hãng hàng không phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện tối đa về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không khi mở  đường bay quốc tế mới, giờ hạ cất cánh, hình thức khai thác thường lệ và không thường lệ, khai thác kết hợp nhiều điểm đến tại Việt Nam cho các hãng hàng không nước ngoài phát triển đường bay trực tiếp từ các thị trường trọng điểm và tăng tần suất trên các đường bay quốc tế hiện có đến các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không nội địa được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện tối đa về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không khi mở đường bay quốc tế mới, giờ hạ cất cánh, hình thức khai thác thường lệ và không thường lệ cho các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay trực tiếp từ các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không nội địa được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam tới các thị trường trọng điểm và tăng tần suất trên các đường bay hiện có.

Trong đó, về định hướng phát triển đường bay đến Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Trung Quốc để tháo gỡ các khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam khi khai thác đến Trung Quốc liên quan đến giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không Trung Quốc, tối ưu hóa đường bay không lưu.

Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay mới từ Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ... đến Trùng Khánh, Đại Liên, Hải Khẩu, Vũ Hán, Ninh Ba, Hải Nam, Tây An, Trường Xuân, Phúc Châu, Quế Lâm, Quý Dương, Cáp Nhĩ Tân, Lan Châu, Thẩm Dương, Hạ Môn, Tây Song Bản Nạp, Trịnh Châu...; tăng tải cung ứng (tăng tần suất, sử dụng tàu bay thân rộng) trên các đường bay tới các cảng hàng không cửa ngõ tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô.

Xác định sản phẩm du lịch cho thị trường Trung Quốc là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp phục vụ khách đi theo kỳ nghỉ dài ngày và đi bằng đường hàng không; sản phẩm du lịch tham quan khám phá thành phố và ẩm thực, du lịch văn hóa gắn với các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long cho hầu hết nhóm khách.

Về định hướng phát triển đường bay đến Nga, Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Nga để bổ sung các thỏa thuận liên quan đến mở rộng Bảng đường bay khai thác được phép đến các thành phố tại Nga và nước thứ ba.

Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay đến Ê-ka-te-rin-buốc, Vla-đi-vốt-tốc; mở mới đường bay giữa Đà Nẵng và Nga; khai thác lại đường bay Nha Trang đến Mat-xcơ-va; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va.

Xác định sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch Nga là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, sản phẩm thể thao du lịch biển, khám phá thành phố kết hợp giải trí, mua sắm.

Về định hướng phát triển đường bay đến Hoa Kỳ, Vietnam Airlines mở mới đường bay thẳng đến Hoa Kỳ với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây nước Hoa Kỳ (Xan Fran-xít-cô hoặc Lốt An-ge-lét) vào năm 2018. Xác định sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch Hoa Kỳ là du lịch về thăm chiến trường xưa, du lịch thăm thân, du lịch nghỉ dưỡng và nghỉ dưỡng biển đảo, sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, sản phẩm du lịch miệt vườn.

 

Phong Nha - Kẻ Bàng phấn đấu trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2025

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (Khu DLQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 với mục tiêu đấu đến năm 2025, Phong Nha - Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Đến năm 2030, Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao với sản phẩm đặc trưng là thám hiểm hang động; nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng sinh học, văn hóa bản địa và di tích khảo cổ.

Phong Nha - Kẻ Bàng phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 300.000 lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến  năm 2030, đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) đến năm 2025 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt trên 8.200 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch, trong thời gian tới Phong Nha - Kẻ Bàng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, theo những quy định khai thác nghiêm ngặt, gắn với những giá trị tiêu biểu đã được thế giới và quốc gia công nhận là du lịch thám hiểm hang động (hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va - hang Nước Nứt, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy Cung...); phát triển đa dạng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu tìm hiểu đa dạng sinh học Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các giá trị về khảo cổ học, địa chất, địa mạo và tìm hiểu văn hóa bản địa.

Các sản phẩm du lịch chính được chú trọng như: Du lịch tham quan; du lịch trải nghiệm gắn với với hệ sinh thái rừng; du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng tại các hồ lớn.

Các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: Đi bộ dã ngoại, đạp xe theo các tuyến đường mòn, thể thao, vui chơi giải trí, bơi lội, chèo thuyền trên sông, du lịch gắn với lễ hội như Đua thuyền, Hội thi cá trắm trên Sông Son...

Phát triển các tuyến tham quan mới

Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới sẽ đầu tư nâng cấp các tuyến du lịch đang khai thác như: Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang, thung lũng Sinh Tồn - hang Tối; ngắm cảnh thiên nhiên suối Rào Thương - hang Én; khám phá hang Va - hang Nước Nứt; tuyến du lịch trên Sông Chày - Hang Tối; tuyến tham quan động Phong Nha - động Tiên Sơn; tham quan khu du lịch sinh thái động Thiên Đường, điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc; tham quan vườn thực vật, di tích lịch sử hang tám thanh niên xung phong (hang Tám Cô) và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.

Đồng thời, phát triển các tuyến tham quan mới trong Khu DLQG gồm: Tuyến du lịch đường thủy sông Son - sông Troóc - sông Chày; tuyến tham quan hồ Gia Phái - núi Bến Đập; tuyến du lịch đại chúng vòng quanh phân khu Trung Tâm. Phát triển các tuyến du lịch liên kết phân khu Trung tâm với các phân khu ngoài gồm: vòng cung Bắc (phân khu Bắc) dành cho du lịch cộng đồng và sinh thái đồng bằng; vòng cung Đông (phân khu Đông) dành cho du lịch sinh thái nghiêm ngặt với các hoạt động thám hiểm hang động, nghiên cứu đa dạng sinh học; vòng cung Tây (phân khu Tây) dành cho du lịch sinh thái nghiêm ngặt và du lịch cộng đồng; vòng cung Nam (phân khu Nam) dành cho du lịch sinh thái và sinh thái nghiêm ngặt với những trải nghiệm sâu về “Vương quốc hang động Phong Nha - Kẻ Bàng”...

 

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.

Khu DLQG Vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An; có ranh giới được xác định: Phía Bắc bao gồm toàn bộ bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu; phía Đông giáp biển; phía Tây lấy quốc lộ 1A làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên của thị xã Sông Cầu; phía Nam lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới, bao gồm các xã: An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) giáp với thị xã Sông Cầu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu DLQG là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).

Mục tiêu đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.

Trong đó, thị trường khách du lịch nội địa tập trung khai thác thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các đô thị phía Bắc, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khách nội tỉnh; từng bước mở rộng ra các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cuối tuần, du lịch tham quan trải nghiệm trên vịnh, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Thị trường khách quốc tế chú trọng thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Âu; tập trung khai thác, thu hút thị trường gần như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); tiếp cận và khai thác thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia) qua các tỉnh Tây Nguyên; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi (bungalow); các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá: Khu nghỉ dưỡng đá, khu nghỉ dưỡng đá kết hợp thiền...; các khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập trên bờ: Khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn cao cấp, khu spa cao cấp; du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái: Lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển... với dịch vụ cao cấp và quy định nghiêm ngặt; ngắm cảnh, chụp ảnh các rạn san hô gần bờ, các sinh vật biển...; đi bộ, dã ngoại, cắm trại, quan sát động, thực vật trong rừng; du lịch văn hóa - lịch sử: Tham quan di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa, tìm hiểu không gian văn hóa đá; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, các di tích khảo cổ, di tích lịch sử; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, thưởng thức văn hóa ẩm thực và đặc sản biển.

Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp chủ yếu như: Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch; giải pháp cơ chế, chính sách về thuế, đầu tư, huy động vốn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng; giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng du lịch; giải pháp về nguồn nhân lực...

 

Thêm thời gian hỗ trợ khắc phục sự cố môi trường biển

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2124/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế".

Quyết định 2124/QĐ-TTg sửa đổi thời gian hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND cấp huyện phê duyệt. Theo đó, thay vì hỗ trợ tối đa 2 năm tính từ 1/1/2017 đến hết tháng 12/2018 thì Quyết định 2124/QĐ-TTg quy định thời gian hỗ trợ là tối đa 24 tháng tính từ ngày mua bảo hiểm nhưng không quá ngày 31/12/2019.

Quyết định 2124/QĐ-TTg cũng sửa đổi quy định về hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND cấp huyện phê duyệt. Cụ thể, người học trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ 100% học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và các văn bản hướng dẫn.

Người lao động thuộc thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND cấp huyện phê duyệt cũng được hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thời gian tối đa 24 tháng nhưng không quá ngày 31/12/2019.

Bên cạnh đó, gia hạn thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề đến hết ngày 31/12/2019 (quy định cũ từ 1/1/2017 đến 31/12/2017).

Quyết định 2124/QĐ-TTg bổ sung quy định về các dự  án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại 4 tỉnh gắn với công tác ổn định sinh kế lâu dài cho ngư dân. Cụ thể, sẽ đề xuất danh mục các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tập trung vào xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, nạo vét luồng lạch, các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất thủy sản; xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án. UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chủ trì tổ chức thực hiện trong thời gian từ ngày 28/12/2017 đến hết ngày 31/12/2019.

 

Thủ tướng bổ nhiệm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu điều tra, làm rõ vụ nổ nghiêm trọng tại Bắc Ninh

Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vụ nổ nghiêm trọng xảy ra tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vào sáng 3/1.

Công văn nêu rõ: Vào sáng 3/1, tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xảy ra vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết, 6 người bị thương, làm nhiều nhà đổ sập hoàn toàn. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và thân nhân người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo như sau:

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, khắc phục hậu quả, có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân người bị nạn, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ nổ.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra, xác minh về nguồn gốc vật liệu gây nổ; có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm về quản lý vũ khí, vật liệu nổ để bảo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/1/2018.

 

Cải cách TTHC cấp giấy phép NK thiết bị thu-phát sóng vô tuyến điện

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, quy định liên quan đến cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, trong phạm vi thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định liên quan đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện, quy định tại Thông tư số 18/2014/TT-BTTTT ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tiếp thu đề xuất cải cách thủ tục hành chính, quy định liên quan của Công ty TNHH Apple Việt Nam và ý kiến của các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính để rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng việc thừa nhận kết quả chứng nhận hợp quy của các tổ chức chứng nhận nước ngoài uy tín đã được quốc tế công nhận làm cơ sở đánh giá chất lượng hàng hóa trước khi nhập khẩu; quy định rõ việc miễn, giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu; xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính này.

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc nghiên cứu, sửa đổi các thủ tục hành chính, quy định liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện, bao gồm cả giải pháp sử dụng chữ ký số, chứng thực chữ ký số thay cho chữ ký và dấu của doanh nghiệp trong hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

VINAFOOD II bán 125 triệu cổ phần cho nhà  đầu tư chiến lược

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 2133/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II).

Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam thực hiện cổ phần hóa theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Nghị  định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Vốn điều lệ của VINAFOOD II là 5.000 tỷ đồng tương ứng 500 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước nắm 255 triệu cổ phần, chiếm 51,00% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 114.831.000 cổ phần, chiếm 22,97% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 4.969.000 cổ phần, chiếm 0,99% vốn điều lệ; cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125.000.000 cổ phần, chiếm 25,00% vốn điều lệ.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty cổ phần là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định, chịu trách nhiệm về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật, bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp (14/6/2016) 2.525 người. Tổng số lao động đã nghỉ hưu và nghỉ chế độ theo quy định của Bộ luật lao động (đến thời điểm Tổng công ty hoàn thiện Phương án cổ phần hóa) 408 người. Tổng số lao động sẽ tiếp tục chuyển sang làm việc tại Công ty cổ phần 1.908 người. Tổng số lao động không có nhu cầu sử dụng 209 người.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát phương án sắp xếp lao động và thực hiện chế độ đối với người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo đúng chế  độ nhà nước quy định. Nguồn kinh phí chi trả cho người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần thực hiện theo quy định hiện hành./.

Top